Những vòng tay yêu thương

Cộng đồng chung tay

.

Những năm gần đây số lượng người nhiễm mới HIV ở Đà Nẵng gia tăng khiến công tác phòng, chống, điều trị căn bệnh này gặp không ít thách thức.

Hoạt động tư vấn về HIV/AIDS diễn ra mỗi ngày tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng. Ảnh: T.Y
Hoạt động tư vấn về HIV/AIDS diễn ra mỗi ngày tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng. Ảnh: T.Y

Anh Nguyễn Văn Tình, nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm sau cai (thuộc Chương trình tiếp cận cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS do Khoa Truyền thông và can thiệp, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố quản lý) cho biết, việc tiếp cận người nghiện sau cai vốn không dễ dàng, đặc biệt với người nghiện được cơ quan chức năng cưỡng chế đưa vào trung tâm cai nghiện.

Trong khi đó, người nghiện ma túy nằm trong nhóm nguy cơ cao về lây nhiễm HIV/AIDS. Anh Tình chia sẻ, với những người này, anh và đồng nghiệp luôn đưa yếu tố gia đình, người thân để động viên, khuyến khích họ đi làm các xét nghiệm liên quan, phòng lây nhiễm HIV cho người khác.

Tuy nhiên, nhóm của anh cũng chỉ có thể tiếp cận người nghiện sau cai ở các trung tâm cai nghiện hoặc người có địa chỉ rõ ràng, được địa phương quản lý, theo sát. Còn với những người không thường xuyên có mặt tại địa phương, trốn tránh sự quan tâm, chăm sóc của gia đình thì rất khó tiếp cận. Có những trường hợp, nhóm tư vấn phải kiên trì cả năm trời, người nghiện mới đồng ý ngồi trao đổi, chia sẻ câu chuyện của mình.

Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đang quản lý khoảng 30 nhân viên tiếp cận cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS. Nhiệm vụ của đội ngũ này là giúp người dân, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhận thức đúng và thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Ngoài ra, nhóm này còn hỗ trợ người dân thực hiện việc xét nghiệm, sử dụng dịch vụ dự phòng, thăm khám thường xuyên để nắm rõ tình trạng bệnh, tích cực điều trị và giảm các nguy cơ lây nhiễm cho người khác bằng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, có lối sống lành mạnh, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, giúp họ vượt qua bệnh tật…

Bên cạnh đó, trên địa bàn Đà Nẵng còn có hàng chục đồng đẳng viên đang tham gia tư vấn, tiếp cận các nhóm sau cai nghiện, quan hệ tình dục đồng giới, mại dâm đường phố và tiếp viên trong các hoạt động vui chơi giải trí để tuyên truyền, phòng chống HIV.

Tại Khoa Da lây, Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, nơi hằng ngày vẫn đón tiếp người nhiễm HIV đến thăm khám, điều trị, trong quá trình tư vấn, chữa bệnh, mỗi bác sĩ, điều dưỡng viên đều đồng thời là một tuyên truyền viên nhiệt thành.

Điều dưỡng trưởng Khoa Da lây Ngô Văn Lực chia sẻ rằng, tâm lý của người nhiễm HIV là hận đời và sợ chết. Trường hợp nào cũng cần được tư vấn, chia sẻ để người bệnh đủ tỉnh táo và động lực vượt lên bệnh tật. Theo ông Lực, có rất nhiều bệnh nhân HIV liên tục thăm khám tại Bệnh viện Da liễu nhưng hầu hết họ đều đeo khẩu trang, giấu kín khuôn mặt. Lâu ngày, đội ngũ y, bác sĩ nhận ra họ nhờ đôi mắt, giọng nói và dáng hình quen thuộc.

Để hạn chế số lượng người nhiễm HIV, Đà Nẵng đang triển khai các hoạt động phòng, chống lây nhiễm HIV ra cộng đồng; trong đó tập trung khai thác thông tin, quản lý nhóm đối tượng nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn. Ngoài ra, thành phố thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn để nâng cao năng lực đội ngũ đồng đẳng viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng; tổ chức các buổi tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí tại cộng đồng dân cư, góp phần hoàn thành mục tiêu 90% số người biết được nguyên nhân, tình trạng nhiễm HIV của mình vào năm 2020.

Bác sĩ Lê Thành Trung, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, vài năm trở lại đây, con số nhiễm mới HIV trong nhóm quan hệ đồng giới gia tăng. Đây là nhóm bệnh khó phát hiện, khó quản lý vì họ có xu hướng thay đổi bạn tình, che giấu thân phận. Điều ông và nhiều cán bộ ngành y tế trăn trở là làm thế nào để mỗi người bệnh đều hiểu sự xuất hiện của đội ngũ tiếp cận cộng đồng là để giúp họ chứ không phải để kỳ thị, dè bỉu.

Để công tác tuyên truyền hiệu quả hơn, từ năm 2013, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng đã thành lập một đội văn nghệ lưu động gồm 20 người, tổ chức dàn dựng, lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống HIV trong các buổi biểu diễn văn nghệ tại địa phương, đặc biệt địa bàn các xã thuộc huyện Hòa Vang và Cơ sở Xã hội Bầu Bàng.

Bên cạnh đó, mỗi năm, tại các trường học, Đoàn Thanh niên đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của học sinh, sinh viên trong phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời xóa dần tư tưởng xa lánh, kỳ thị người nhiễm HIV trong cộng đồng cư dân.

Chia sẻ với chúng tôi, một số nhân viên tiếp cận cộng đồng nói rằng, người tư vấn chỉ là người đưa ra những phương pháp tốt nhất để người dân lựa chọn chứ không mang tính áp đặt hoặc điều khiển hành vi. Mỗi thành viên, dù gặp bất kỳ khó khăn nào cũng tự nhủ lòng không được bỏ cuộc; bởi đó cũng chính là cách để họ giúp đỡ cộng đồng và tìm lại chính mình để sống cuộc đời hữu ích hơn.

Tính tới thời điểm này, trên địa bàn thành phố có gần 2.500 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có khoảng 50% là người Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) thành phố, chỉ gần 70% trường hợp có địa chỉ rõ ràng, còn lại không cung cấp thông tin cụ thể về độ tuổi, nơi sinh sống, làm việc; không chia sẻ nhiều thông tin về gia đình, biểu hiện bệnh và tình trạng sức khỏe hiện nay. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc điều trị cũng như phòng, chống HIV lây nhiễm tại cộng đồng gặp không ít khó khăn.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.