Nồi mì Quảng nhớ quê…

.

Lần đầu tiên nấu mì Quảng, đối với tôi đó là vượt qua chính mình. Không phải tôi không tin vào “tay nghề” nấu nướng của mình, nhưng đối với tôi mì Quảng không đơn thuần chỉ là một món ăn…

Khi bàn tay tôi được nhuộm vàng bởi nghệ, mùi thơm từ nồi nước nhưn bốc lên, hai đứa nhỏ hỏi hôm nay mẹ nấu gì vậy. Tôi nhìn hai đứa con mình thật lâu xúc động rồi nói, “mẹ nấu món quê hương của mẹ”.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Là vậy đó, mì Quảng không chỉ là món ăn, mà nó là quê hương của tôi. Hai đứa nhỏ kiểu thờ ơ như mọi khi, như những lần tôi nói rằng mẹ đang nhớ quê, mẹ muốn về quê hương, hay như những lần ba tụi nó ôm tụi nó vào lòng rồi bắt đầu ca “Quê hương là chùm khế ngọt”. Tụi nhỏ vẫn chưa đủ lớn để hiểu Quê hương là gì, tại sao mỗi lần nhắc đến hai từ đó, mẹ tụi nó lại xúc động, đăm chiêu như vậy.

Trở lại món mì Quảng, tôi chưa bao giờ tự nấu vì đối với tôi để có một tô mì đúng vị, không thể thiếu củ nén, không thể thiếu dầu phộng, không thể thiếu đậu rang, càng không thể thiếu món mì lá màu trắng được phủ một lớp dầu phụng bóng lẩy. Sợi mì màu trắng, dày, đều không quá bở cũng không quá dai, mãi sau này khi lớn lên vào Sài Gòn học tôi mới biết có thêm mì màu vàng, màu nâu, nhưng tựu trung lại chẳng có gì thay thế được màu trắng giản đơn.

Quê tôi ở Túy Loan, nơi thuần túy làm nông và sau này nổi tiếng với món mì Quảng bà Tỉnh. Ở quê tôi, chỉ cần bước ra chợ với mấy ngàn đồng là đã có thể mua mấy cái mì lá bự chảng, về chỉ cần cuộn lại với rau sống chấm nước mắm cũng thấy ngon. Mỗi khi tôi ăn mì Quảng, tôi lại ứa nước mắt nhớ quê.
Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, những mùa hè rực rỡ y như những câu chuyện của chú Nguyễn Nhật Ánh vậy, tôi cũng như Quý Ròm, nhỏ Hạnh, Tiểu Long lại hân hoan đón xe về quê. Quê tôi không cách nhà tôi quá xa, nhưng tôi vẫn thích cảm giác ngồi chật ních trên chiếc xe buýt với đủ thứ tạp âm, mùi vị hơn là được ba mẹ chở bằng xe máy về quê.

Về quê, tôi chẳng cần phải làm gì ngoài chuyện ăn và chơi. Tôi thơ thẩn ra đồng, đi cà khịa hết con trâu này đến con gà kia. Sau đó là lội xuống giữa đồng đứng nghe lúa hát rồi làm bất kỳ điều gì tôi muốn. Trưa đến, bà nội tôi sẽ gọi về ăn cơm. Ở bàn ăn, ông nội tôi sẽ ngồi đầu bàn rồi cười hiền lành hỏi hôm nay con chạy đi đâu chơi rứa. Trên bàn ăn toàn là những món ăn rặt Quảng Nam như cá diếc đầy xương nấu với lá nghệ, một ít thịt heo luộc, và không thể thiếu đĩa rau thơm cay nồng thơm phức từ mảnh vườn nhỏ sau nhà của cô tôi và một chén nước mắm đậm vị.

Ăn xong, thì tôi lại đu đưa trên võng, nằm nghe cái âm thanh buổi trưa đầy mê hoặc. Sau này lớn lên tôi cố gắng tìm cái âm thanh yên ả, nghe tiếng chim chuyền, rồi tiếng tíc tíc tíc của cái gì đó không rõ, nhưng chẳng bao giờ có thể tìm lại được nữa...

Tối đến, cả nhà tôi gồm ông bà nội, cô và thằng Bi sẽ ngồi ăn cơm cùng nhau, mở ti-vi để coi phim hay cải lương gì đó. Trời tối nhanh hơn ở thành phố rất nhiều. Cô tôi bắt đầu lấy cây gỗ chặn hai cánh cửa lại để đóng cửa chứ chẳng cần gì ổ khóa hay gì hết. Bà nội bắt đầu vô giường nằm sau khi nhai xong cử trầu cuối. Ông nội cũng lên gian nhà trên để đi ngủ.

Tôi luôn giành nằm trong cùng nơi gần cửa sổ nhỏ xíu. Bên cạnh là bà nội đã ngáy khò khò, tôi bắt đầu nhẹ nhẹ ngồi dậy nhìn ra cửa sổ ngắm trăng. Trăng treo tròn vành vạnh trên rất cao rồi nhưng tôi vẫn chưa ngủ. Tôi đưa cái mặt của mình ra để đùa giỡn với gió và sương đêm. Tôi vểnh tai lên thật kỹ để nghe từng tiếng động nhỏ nhất. Thỉnh thoảng tôi lại tự tưởng tượng ra một chuyện ma quỷ nào đó, rồi sợ quá chui vào màn lại, nằm ôm bà nội chặt cứng. Bà nội tôi sẽ quay sang gãi gãi lưng cho tôi ngủ. Và rồi đứa nhỏ đó đã ngủ lúc nào không hay. Trong mơ, đương nhiên nó lại thấy nó đang lang thang rong chơi ở một nơi nào đó xung quanh là cánh đồng xanh đang ca hát êm đềm.

Giờ ở Sài Gòn, nồi mì Quảng xứ người của tôi thiếu đủ thứ, chẳng có nén, cũng chẳng có dầu phụng, lại càng không có rau cải non, bắp chuối non… nhưng nó lại đầy ắp nỗi nhớ thương về quê hương của tôi. Nồi nước nhưn chín đã sôi sùng sục, mùi lên thơm phức.

Tôi lại giới thiệu với hai đứa nhỏ về màu vàng sóng sánh của nghệ. Tôi kể tụi nó nghe ông nội tui, tức là ba của ông ngoại tụi nó ngày xưa là thầy thuốc Bắc. Tui rất thích chạy lên cửa hàng nhỏ xíu của ông nội lúc nào cũng có cái lu nước phía trước. Tôi sẽ giả bộ phụ ông nội bán, rồi sẽ dùng cái bàn tính ngày xưa gồm những hạt tròn đẩy lên đẩy xuống. Sau đó tôi sẽ ăn vụng táo tàu, thuốc tể, rồi sẽ ngậm cam thảo, ngậm quế đến cay xè. Sau đó tôi sẽ đi ra đằng sau ngồi đong đưa chân để nhìn dòng sông Túy Loan chảy qua chảy lại. Tôi nói cho tụi nó, cây lá cũng có thể chữa bệnh được, đơn giản và hiền hòa như người Á Đông mình vậy.

Ông bà nội tôi lúc nào cũng hiền, lúc nào cũng cười phúc hậu trước mấy cái trò quái đản của tôi. Nếu ba mẹ tôi có la, thì ông bà sẽ nói bằng giọng Quảng đặc sệt “kệ hén, được mấy khi về quê cho nó vọc đất vọc cát đi”.

Vậy mà đúng, đời người cũng chẳng có mấy khi được về quê, được tự do chạy chơi chân trần giữa đồng mặc cho trời nắng chang chang con này con kia xúm xít vô đốt. Cũng chẳng có mấy khi được uống nước giếng ngọt lạnh, cũng chẳng mấy khi có thể được ăn cơm cùng ông bà nội nữa.

Tôi lại quay về với nồi nước nhưn của mình, nhìn lại sợi mì vàng duy nhất tôi có thể kiếm ra ở xứ này, tôi lại thấy lòng mình chùng xuống…

Vậy đó, đôi khi một món ăn lại có thể chất chứa bao nhiêu tâm tư, bao nhiêu hoài niệm mà bây giờ có muốn thì cũng không trở về được nữa.
“Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.

TP. Hồ Chí Minh, tháng 8-2019

Đặng Lê Mỹ
 

;
;
.
.
.
.
.