Thời buổi hiện đại, các cặp đôi giờ muốn tổ chức lễ hỏi, đám cưới chỉ cần “lên mạng” rồi gọi một cuộc điện thoại là có ngay người tư vấn tất tần tật từ A tới Z. Và tất nhiên, đám lớn hay nhỏ tùy theo hầu bao của mỗi cặp.
Ngày cưới là ngày “Long phụng sum vầy”. Trong ảnh: Chị Thanh Thủy (trái) và tác phẩm trang trí gia tiên sắp giao cho khách. |
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, chủ Thanh Thủy Flower Shop, bên hông chợ Cẩm Lệ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, trong suốt 12 năm làm nghề dịch vụ cưới hỏi (DVCH) có lần chỉ trong vài ngày đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại nhờ chị tư vấn cho 34 đám cưới diễn ra trong cùng một ngày. Ngày đó, với chị, quá đặc biệt nên khó thể nào quên: 24 tháng 6 năm Ất Mùi (2015).
Cho đỏ môi nhau...
Mới đây thôi, ngày 6-9-2019, nhằm ngày 8-8 Kỷ Hợi, vợ chồng chị và 8 nhân viên làm luôn ngày đêm để hoàn thành 60 mâm lễ phẩm cho 12 đám cưới cùng một ngày. Thấy tôi tròn mắt trước con số quá lớn này, chị giải thích: mỗi đám 5 mâm, xếp theo thứ tự: trầu cau, rượu trà, nem chả, trái cây, bánh kem. Đó là chưa kể trong số đó có 8 đám cưới nhờ chị trang trí hoa và bàn thờ gia tiên tại nhà. Các loại lễ phẩm có trang trí hoa “thi công” vào buổi tối để sáng hôm sau hoa vẫn còn tươi.
Trong 5 mâm lễ, quan trọng nhất là mâm trầu cau. Trầu đủ 105 lá. Cau phải nguyên buồng và đủ 105 trái. Vì sao 105? Theo lý giải của chị, là tượng trưng cho “Trăm năm hạnh phúc”, “Bách niên hảo hiệp” hoặc “Bách niên giai lão”. Tùy theo tập tục từng nơi, miền Trung thường ngửa lá trầu, xếp thành hình tròn. Miền Bắc thì đặt sấp lá trầu và xếp từng cụm thành 5 lá như một bàn tay.
Ngày trước, chị Thủy cho biết, đám cưới gặp mùa không có cau tươi, các ông bà xưa đành phải dùng cau khô làm sính lễ. Giờ thì cau tươi có quanh năm, ở Đà Nẵng nếu không gặp mùa cau thì mua cau tươi các nơi nhập về với giá dao động tùy theo mùa.
Mâm trầu cau là cái “đinh” của lễ phẩm cưới hỏi, trong đó tập trung vào hai “nhân vật” đình đám là rồng (tượng trưng cho họ nhà trai – chú rể) và phụng (hay phượng, tượng trưng cho họ nhà gái – cô dâu). Kết một mâm trầu cau, nếu theo kiểu truyền thống thì tiền công và tiền vật liệu tỷ lệ 50-50; nếu theo kiểu hiện đại thì tiền công có nhỉnh hơn, chiếm 60%. Sở dĩ tiền công mâm trầu cau hiện đại cao hơn, bởi ở đây có sự đầu tư “chất xám” của người sáng tạo ra nó. Chị Thủy bỏ công suy nghĩ, sáng tạo ra mẫu đầu tiên rất mới lạ, không “đụng hàng” với bất cứ ai; từ chủ đến khách dự đám cưới đều “ngả mũ” thán phục, cho rằng giá cả tuy có cao hơn chút ít nhưng như thế là hợp lý. Vài ba tháng sau mẫu này được nhiều người bắt chước, trở thành phổ biến. Và chị lại phải suy nghĩ, đầu tư mẫu mới khác.
Nhiều người kết rồng phượng trên mâm trầu cau hoặc trên bàn thờ gia tiên qua hàng chục năm vẫn không mảy may thay đổi. Người có đầu óc sáng tạo, không chịu đi theo lối mòn như chị Thủy luôn tìm cách cho rồng, phượng xuất hiện sống động trên sản phẩm của mình. Ví như con rồng, lúc thì chị cho đầu rồng ở phía trên, lúc ở giữa thân, lúc ở dưới thấp. Trong một ngày có nhiều đám cưới, chị cũng cho ra các mâm trầu cau hoàn toàn khác nhau chứ không phải “rập khuôn” theo cùng một kiểu. Vì thế, tác phẩm của chị không bao giờ nhàm chán, mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự.
Là biểu tượng của tình yêu và sự thủy chung, trầu cau xe chặt tơ duyên cho những lứa đôi người Việt trên toàn thế giới. Ngày lại ngày, những người như chị Thủy lặng lẽ góp phần tô vẽ nét truyền thống giữa cuộc sống đương đại: “Có trầu mà chẳng có cau/ Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm”. Thiếu cau trầu thì còn chi là đám cưới.
Gởi lời chúc “Trăm năm duyên đẹp”
Nguyễn Phi Minh, chủ nhân của MinhFlorist ở 340 Trưng Nữ Vương, từ năm 2007 bắt đầu công việc chính là bán các loại hoa tươi. 5 năm sau, một vài khách hàng tổ chức tiệc cưới và yêu cầu anh sử dụng hoa tươi để trang trí đám cưới của họ. Minh thử “bẻ lái” sang lĩnh vực mới và thành công ngoài mong đợi. Sau đó, thấy công việc mới này có khá nhiều tiềm năng, anh bắt đầu tìm hiểu, học hỏi và trở thành một wedding planner - người thiết kế, lên kế hoạch đám cưới.
Mỗi khi nhận được yêu cầu, anh sẽ giúp các cặp đôi “lên” một đám cưới hoàn hảo: từ địa điểm tổ chức, thiệp cưới, cách thức trang trí, kịch bản của chương trình, quà tặng cho khách mời, quay phim, chụp ảnh phóng sự... Ngoài thiết kế tổ chức tiệc cưới, Minh còn nhận trang trí tại tư gia, trang trí tại nhà hàng.
“Lúc đầu, do chưa đủ kinh nghiệm, MinhFlorist không tránh được những sự cố nhất định. Tổ chức cưới ngoài trời, nếu nắng nóng quá thì hoa trang trí rất dễ héo; nếu gặp mưa bất ngờ thì không thể di chuyển tất cả sang địa điểm khác làm ảnh hưởng đến thời gian của buổi lễ. Từ đó, với các khách hàng sau, tôi luôn đưa ra phương án B nếu tổ chức tiệc cưới ngoài trời”, Minh chia sẻ.
Do xuất phát từ một người làm hoa nên tất cả các hạng mục về trang trí, Minh đều sử dụng 100% hoa tươi. Từ thiết kế đến thực hiện đều do các “thợ cắm hoa” có chuyên môn tay nghề trên 10 năm thực hiện. Riêng phần thiệp cưới, anh cho thiết kế riêng và làm thủ công hoàn toàn nên luôn có dáng vẻ đặc biệt hơn.
Vượt ra ngoài Đà Nẵng, MinhFlorist mang DVCH của mình phục vụ nhiều nơi như: Quảng Nam, Quảng Bình, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu,… Xa nhất, ấn tượng nhất là lần Minh tổ chức tiệc cưới trên đảo Bali (Indonesia). Đã có nhiều đám cưới của các ngôi sao hàng đầu thế giới được tổ chức tại hòn đảo nổi tiếng này nên đối với MinhFlorist, đây là chuyến đi có nhiều áp lực, không chỉ vì sự quan trọng của tiệc cưới mà vì sự tin yêu của khách hàng dành trọn cho mình. Rất may, mọi việc đã diễn ra một cách suôn sẻ và cả ê-kíp còn được khám phá hòn đảo xinh đẹp sau khi hoàn thành đám cưới.
Bằng tất cả niềm đam mê, lòng tận tâm và sự sáng tạo, những người làm DVCH luôn gởi lời chúc “Trăm năm duyên đẹp” đến những cặp đôi trong ngày vui của họ bằng những sản phẩm mà ta có thể gọi tác phẩm nghệ thuật!
VĂN THÀNH LÊ