Quyền lực và kiểm soát quyền lực

.

Trong thời gian gần đây, nhiều sự vụ liên quan đến vấn đề cán bộ và công tác cán bộ mà cụ thể là vấn nạn chạy chức, chạy quyền; thao túng quyền lực; lạm quyền, tiếm quyền, lộng quyền,... khiến dư luận hết sức bất bình và ít nhiều làm xói mòn niềm tin của nhân dân. Trong bối cảnh đó, Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 Bộ Chính trị về việc Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền như là một “cú đấm thép”, một loại “vacxin” đối với vấn nạn này.

Ngày 26-7-2019, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Phiên họp thứ 16 dưới sự chủ trì của  Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo. Ảnh: TTXVN
Ngày 26-7-2019, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Phiên họp thứ 16 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

1. Công bằng mà nói, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác cán bộ. Nhiều chủ trương, nghị quyết, cơ chế chính sách đã ra đời và từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, với quyết tâm “nhốt quyền lực trong lồng thể chế”.

Thế nhưng lần này, Quy định số 205-QĐ/TW, có thể nói là một quyết tâm chính trị lớn từ Bộ Chính trị đủ sức răn đe và có tác dụng cảnh giới cao, chắc chắn sẽ khắc phục được những hiện tượng lệch lạc của cán bộ, đưa quyền lực vào đúng quỹ đạo của nó với bản chất là “quyền lực công”, “vì nhân dân phục vụ”, mang lại niềm tin cho nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo kết quả khảo sát của chúng tôi(*), khi được hỏi “Điều gì khiến ông/bà mất niềm tin nhất trong cuộc sống”, thì “nạn chạy chức, chạy quyền”, “vấn nạn tham nhũng”, “đạo đức xã hội xuống cấp” và “cán bộ quan liêu, xa dân” là những nguyên nhân dẫn đến mất niềm tin cao nhất (tỷ lệ lần lượt là 68,5%; 69,7%; 44,1%, 37,9%).

Điều này cho thấy, nếu quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ thì hiện tượng lệch lạc trong sử dụng quyền lực của cán bộ như chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí, quan liêu,... sẽ gây mất niềm tin của nhân dân, thậm chí có nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Nguyên nhân chính của những vấn nạn nói trên chủ yếu ở khâu kiểm soát quyền lực. Quyền lực được giao quá lớn nhưng không kiểm soát một cách chặt chẽ và có hiệu quả dễ dẫn đến tự tung, tự tác; “làm đúng quy trình nhưng đúng quy phạm”, thậm chí coi thường luật pháp; đề bạt, cất nhắc theo kiểu “thân hữu”, kiểu “quà tặng” với tốc độ “thánh gióng”.

Quyền lực không được kiểm soát một cách nghiêm ngặt cũng là “điều kiện” để không ít cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân, trục lợi, làm giàu bất chính. Quyền lực không bị quản chế khiến nhiều người cố chạy chức, chạy quyền để hưởng “lợi”.

Như vậy, Quy định số 205-QĐ/TW như là một “quyền uy”, một cơ chế chế ước quyền lực để kiểm soát các chủ thể quyền lực, kiểm soát hành vi của cán bộ (nhất là người đứng đầu cấp ủy), kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, kiểm soát hiện tượng chạy chức chạy quyền.

Cần phải nhấn mạnh rằng, không có một khái niệm quyền lực chung chung mà quyền lực luôn gắn với chủ thể quyền lực. Như vậy, kiểm soát quyền lực xét đến cùng là kiểm soát hành vi sử dụng quyền lực của chủ thể.

Người có quyền lực thường có thể (cả khách quan và chủ quan) vượt qua giới hạn quyền lực được giao nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ, nghiêm khắc. Từ đó có thể khẳng định, muốn không lạm quyền, lộng quyền thì phải khống chế quyền lực, lý luận và thực tiễn cũng đã chứng minh một nguyên tắc: “quyền lực tuyệt đối làm tha hóa tuyệt đối”.

Quy định số 205-QĐ/TW đã “điểm mặt” những hành vi chạy chức, chạy quyền gắn với công tác cán bộ đã khiến không ít người “có tật giật mình” và đây là cơ hội để “tự tiêm cho mình một loại vacxin miễn nhiễm với căn bệnh chạy chức, chạy quyền”.

2. “Tập trung, dân chủ” là một trong những nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng nhưng thực tế cho thấy nhiều lãnh đạo đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ” và bị kỷ luật. Nguyên nhân chủ yếu là cố tình hiểu sai quy trình, bản chất, mục đích của nguyên tắc tập trung dân chủ, hiểu sai về quyền lực. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn chính là công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Do đó, để thực hiện tốt Quy định số 205-QĐ/TW, theo chúng tôi cần phải tiến hành đồng bộ một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, cần tăng cường vai trò của thông tin đại chúng trong tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội. Thời gian qua, truyền thông đại chúng đã đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, phát hiện những sai phạm và lên án những hành vi lệch lạc của cán bộ, công chức trong đó có hiện tượng tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, quan liêu, xa dân; tuy nhiên, cần nghiêm túc nói rằng, nhiều lúc còn “sa đà” vào những mặt trái của xã hội mà thiếu sự “cân bằng” trong phản ánh những mặt tốt, nhân tố tích cực của xã hội.

Bên cạnh những cán bộ “hư hỏng”, biến chất vẫn còn nhiều lắm những cán bộ thanh liêm, hết lòng hết sức vì nhân dân phục vụ. Bên cạnh hiện tượng chạy chức, chạy quyền thì cũng có những con người, bằng nỗ lực, phấn đấu và cả sự hy sinh của mình làm tốt vai trò được Đảng và Nhà nước giao.

Bên cạnh những “cậu ấm cô chiêu”, những “thánh gióng” trong công tác cán bộ thì cũng không ít lãnh đạo đã công tâm, công chính, vì tổ chức mà phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, cất nhắc những cán bộ tốt, vừa có đức, vừa có tài. Do đó, truyền thông đại chúng cần phải tích cực hơn nữa, chú ý nhiều hơn nữa về những thành tựu trong công tác cán bộ; tuyên dương những cán bộ tốt nhiều hơn nữa nhằm định hướng tốt cho dư luận.

Thứ hai, cần thực hiện đúng cơ chế công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng cán bộ, tăng cường phương thức thi tuyển cạnh tranh. Việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, cất nhắc cán bộ có thể tiến hành nhiều kênh, đa dạng hóa phương thức. Thế nhưng, để giảm thiểu tối đa hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” thì cần phải công khai, minh bạch để “trao quyền lực đúng người”.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác thi tuyển một cách sòng phẳng theo kiểu cạnh tranh để “sàn” được người tài. Đặc biệt, đối với những vị trí công việc cần những cán bộ có tố chất, năng lực gì thì phải có phần thi liên quan đến yêu cầu đó để ứng viên có cơ hội thể hiện hiểu biết, năng lực của mình; trình bày các chương trình hành động mà vị trí công việc đòi hỏi.

Bằng cách này chắc chắn sẽ hạn chế tối đa những “cậu ấm, cô chiêu” hay “con ông cháu cha” không đáp ứng được yêu cầu mà lại chiếm giữ những vị trí lãnh đạo (thậm chí lãnh đạo chủ chốt), làm phương hại đến tổ chức, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Thứ ba, cần xử lý thật nghiêm những hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; hành vi tham nhũng, lãnh phí. Chạy chức, chạy quyền là nguồn cơn của tham nhũng, lãng phí. Một khi ai đó đã xác định “chạy” nghĩa là không chỉ mong muốn có “quyền” mà thực chất là mong muốn có “lợi”, mà muốn có lợi nhanh thì chỉ có tham nhũng, trục lợi.

Trong thời gian qua, chúng ta đã phát hiện, xử lý không ít cán bộ tha hóa, biến chất. Điều này đã tạo nên dư luận tốt và từng bước nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Kết quả khảo sát trên cho thấy, 97,6% số người được hỏi cho biết “rất tin tưởng” vào vai trò lãnh đạo của Đảng là chỉ báo cho thấy niềm tin của nhân dân vào Đảng.

Tuy vậy, vẫn còn không ít những hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức chạy quyền; hành vi tham nhũng, lãng phí chưa được phát hiện và xử lý. Do đó, để Quy định số 205-QĐ/TW đi vào cuộc sống cần chế tài nghiêm khắc, xử lý thật nghiêm minh hơn nữa những cán bộ suy thoái, biến chất; những người “biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thỏa hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý” hay “trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, môi giới cho nhân sự thực hiện các hành vi chạy chức, chạy quyền”.

Thứ tư, cần khen thưởng kịp thời, có cơ chế bảo vệ những người phản ánh, tố cáo đúng các hành vi chạy chức, chạy quyền hay bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Thông thường, hiện tượng chạy chức, chạy quyền được phát hiện trước tiên ngay trong các tổ chức đó, thế nhưng, vì nhiều lý do mà nhiều người “ngại” không dám tố cáo.

Tâm lý chung của một người dám tố cáo hành vi xấu, không đúng của người khác khi họ cảm thấy an toàn, đủ niềm tin và không tổn hại đến bản thân, tổ chức. Muốn vậy, phải hình thành cơ chế và phương thức an toàn cho người phát hiện, tố cáo những hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần có những khen thưởng kịp thời, đúng mực để động viên, khích lệ những cá nhân phát hiện, tố cáo sai phạm trong công tác cán bộ.

Đà Nẵng, ngày 25 tháng 9 năm 2019

TS. Phạm Đi (Học viện Chính trị Khu vực III)

(*) Quy mô mẫu là 2.100 trường hợp, phạm vi khảo sát là khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận), đối tượng khảo sát là người dân và cán bộ từ 18 tuổi trở lên, thời gian khảo sát tháng 7-2019 (câu hỏi nhiều sự lựa chọn).

;
;
.
.
.
.
.