Thị trấn được bỏ quên

.

Khi cô gái Mông này cắt xong cho tôi 100 bông hồng, tôi nói: Chị có thể đứng ở đây cho em chụp một kiểu ảnh không? Cô gật đầu và nhanh chóng cởi chiếc mũ vải trước đó bịt kín cả gương mặt ra, chỉnh lại chiếc khăn nhung trên đầu, và đứng giữa những luống hoa, mỉm cười. Tôi thích gọi chị là cô gái, chứ có lẽ cô gái này cũng phải có hai ba đứa con rồi.

Hoa hồng do người Mông trồng ở Phó Bảng. Ảnh: Đ.B.T
Hoa hồng do người Mông trồng ở Phó Bảng. Ảnh: Đ.B.T

Vườn hồng mà chúng tôi đang đứng là một trong những khu vườn rộng nhất Phó Bảng. Nó dường như là một phần của một trang trại cung ứng cả hoa và cây giống, vì xen lẫn với những luống hồng có nhiều luống cây con đang lên xanh trong bầu đất. Lê, mận, đào, hồng… Ai cũng có thể mua cây con mang về trồng. Chỉ có điều, ở nơi mà bạn định trồng ấy, cây có thể ra hoa kết trái không thì người bán không dám chắc.

Phó Bảng là một trong những nơi lạnh nhất của huyện Đồng Văn, Hà Giang. Nó còn nguyên cái tên hành chính mà tôi vô cùng thích: Thị trấn Phó Bảng. Thị trấn Phó Bảng như một cô gái đẹp ngủ quên, hoặc bị bỏ quên. Nằm cách quốc lộ 4C, tức con đường mang tên Hạnh Phúc chỉ có 5km. Khi xưa, Phó Bảng từng là huyện lỵ của Đồng Văn. Trước đó nữa, Phó Bảng là thủ phủ của hai ông vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình. Phó Bảng có đặc điểm dễ nhận thấy nhất là nằm sát biên giới. Có thời, Phó Bảng là thủ phủ của thuốc phiện. Vua Mèo Vương Chí Sình từng tập kết thuốc phiện tại đây, mang về xuôi bán, đổi lấy những sản phẩm mà vùng cao không có như đá lửa, dầu đèn…

Phó Bảng, vào mùa đông, khi tuyết rơi ở Sa Pa, ai ai cũng muốn lên Sa Pa để chơi tuyết như lạc đến châu Âu, thì thực tế tuyết có thể đã rơi ở Phó Bảng dày hàng gang từ trước đó. Khí hậu lạnh và khô, quanh năm mát mẻ, đã ngẫu nhiên ban tặng cho người Phó Bảng những cánh đồng hoa hồng mênh mông. Hoa hồng ở Phó Bảng chủ yếu mang về xuôi, Hà Giang, Hà Nội, thậm chí vào cả Đà Lạt. Những dịp festival hoa Đà Lạt luôn có hoa hồng Phó Bảng tham dự như một cô gái đẹp, kiêu kỳ và lặng lẽ có mặt.

Phó Bảng có một thung lũng trải dài ngay cửa ngõ, đường ô-tô chạy giữa và cánh đồng hoa trải dài hai bên. Leo lên trên cao hơn một chút là phố cổ Phó Bảng.

Tôi đã từng nhớ khu phố cổ này biết mấy. Những nếp nhà trình tường, lợp ngói âm dương, cửa gỗ nhỏ, những thanh gài cửa cũng bằng gỗ, chúng vẫn nằm yên ở đó như thể giữ thời gian ngừng trôi. Trước cửa một ngôi nhà, người già ngồi trên chiếc ghế gỗ, bên cạnh là cái lồng chim treo lửng lơ. Trong lồng, chú chim sáo với cái mỏ và đôi chân vàng chóe, nổi bật lên khỏi bộ lông đen óng ánh, đang líu lo nói một câu gì đó mà người qua đường không thể hiểu nổi. Nắng chiều chiếu xiên xiên xuống những nếp nhà, chiếu xiên vào những cây sào đang phơi quả đậu. Đậu tương được người ta cắt sát gốc, cả cành, buộc thành từng bó, và mang về treo trên sào, cứ thế đợi cho đến lúc nó khô đi.

Có một cái gì đó bí ẩn, tầng tầng lớp lớp, quyến rũ như một thỏi nam châm khi bạn đặt chân đến Phó Bảng. Phó Bảng không phải là những nếp nhà mới xây kia, không phải là những đường dây điện chằng chịt dẫn vào các nếp nhà và tiếng ti-vi đang bật với lũ trẻ ngồi dán mắt vào màn hình kia, mà Phó Bảng phải là một vỉa tầng văn hóa rất dày, rất sâu, nằm yên trong tâm thức, trong cảm xúc, trong trí nhớ, trong nếp sống, dưới những viên ngói âm dương xếp bằng chằn chặn kia cơ.

3.000 đồng một bông hồng, cành dài hàng mét, và bó to như… bó củi. Tôi mang để trên xe, chiều ngày hôm sau mới về tới Hà Nội, ngày hôm sau nữa mới mang chia cho bạn bè như một món quà quê xa xỉ khiến thảy đều ngạc nhiên. Những bông hồng ấy còn tươi đến cả tuần lễ sau, những cái lá vẫn xanh biếc, cứng cáp, y như nhựa còn đang chảy.

Phó Bảng đang bị/ được bỏ quên. Tôi thầm cảm ơn trời đất đã khiến cho Phó Bảng được bỏ quên. Hai mươi năm sau chuyến đi cuối cùng tôi mới quay lại, mà Phó Bảng vẫn như ngày nào. Đẹp đẽ, quyến rũ, tĩnh lặng, giản dị, và thờ ơ với mọi biến động bên ngoài, thờ ơ với cả những tiếng gầm rú của đoàn người đi phượt trên những chiếc mô-tô địa hình, trang bị tận răng như sắp vào rừng sâu núi thẳm để… tiễu phỉ. Phó Bảng so với hai chục năm trước, khác chăng, chỉ là những cánh đồng hoa hồng được mở rộng thêm. Hoa hồng không chỉ được trồng làm đẹp cho những ngôi nhà nữa, mà nó đã trở thành một niềm hy vọng cho những người nông dân nhiều đời chỉ sống bằng cây ngô ở mảnh đất này.

Trên cao nguyên đá, tôi đã chứng kiến từng ngôi nhà một, sau mỗi chuyến đi, lại biến mất. Thay vào đó là những nếp nhà mới, xây bằng bê-tông, sơn xanh đỏ tím vàng, lát nền bằng gạch men mát lạnh. Một nỗi xót xa không thể nào nói hết bằng lời luôn chà xát vào cảm xúc của tôi. Phố cổ Phó Bảng, ơn giời lần nữa, rằng vẫn còn đó những ngôi nhà tuyệt đẹp. Ước gì có ai đó nói với tôi rằng nó sẽ vẫn ở đó, trong nhiều năm nữa, bằng một nỗ lực nào đó của những người bản địa.

Ai có thể nói điều đó với tôi, tôi sẽ tặng họ một bông hồng Phó Bảng.

ĐỖ BÍCH THÚY

 

;
;
.
.
.
.
.