Tôi đã có gần 15 năm mang ba lô lặn lội khắp các thôn làng, và đã có hàng nghìn lần được sống trong nhà bà con đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng, từ vùng đồng bằng, miền biển, cho đến những bản làng heo hút của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi. Trong gần 15 năm (giai đoạn đầu từ 1978-1988, và giai đoạn hai từ 2001-2005) lặn lội trên khắp các ngả đường quê hương ấy, tôi đã học hỏi được biết bao điều, cả về kiến thức và cách sống.
Sông Cu Đê. Ảnh: XUÂN SƠN |
Ngoài những bài học làm người vô giá, tôi còn học được những điều cụ thể về chữ nghĩa, kiến thức, điều mà trước đó tôi không bao giờ nghĩ tới, và chắc rằng các bạn trẻ ngày nay cũng không thể ngờ đến.
Xin nêu một ví dụ. Nhiều năm trước đây, tôi đã có dịp đi ngược sông Thủy Tú, qua bến đò Cu Đê, tới thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) nơi dân cư thưa thớt, địa thế kỳ vĩ mà heo hút; một bên sông, một bên núi, gần như bị cách biệt với thế giới văn minh bên ngoài.
Tục truyền rằng đất Trường Định là nơi ngày xưa chúa Nguyễn có lập hành cung, trong dân gian thường gọi là Bến Giá, và người ta cũng thường truyền ngôn rằng, dân chúng nơi đây thỉnh thoảng vẫn còn có thể bất ngờ tìm thấy hiện vật của thời xa xưa, như một chiếc mâm đồng, một thanh kiếm cổ... Ngay cả tên gọi của một số địa phương nơi đây cũng như nhắc lại thời xa xưa, như: Vườn Hành (hành cung), Vườn Lẫm (kho thóc), Vườn Đồn (doanh trại).
Chính tại thôn Trường Định vắng bóng người bên bờ sông Thủy Tú, tôi được nghe một cụ ông giải thích mấy câu sau: “Nam Ổ nổ om, Xuân Thiều nổ trã, Cẩm Kim nổ nồi”.
Thú thật là những câu tục ngữ này thì tôi đã nghe nhiều lần, có ý tìm hiểu tại sao người thời trước lại nói như vậy. Nhưng chưa bao giờ thấy có bất cứ sách vở nào giải thích. Lần này thì không cầu mà được, ông lão đã giải thích cho tôi ý nghĩa của mấy câu trên.
Ông cụ nói rằng, đất Nam Ô xưa, có núi Hoa Ổ (còn gọi là Hóa Ổ), cách huyện Hòa Vang 28 dặm, là nơi có rất nhiều ve sầu (dân địa phương gọi là con “ve ve”, như câu “Ốc bươu Bàu Nghè, ve ve Hoa Ổ” ); người dân địa phương bắt những con ve ve này, “um” lên (một cách chiên với dầu phụng ngày xưa), trong những cái “om” đất, ăn rất ngon, và món “ve ve um” trở thành một đặc sản nổi tiếng của địa phương. Xem vậy, vùng Nam Ô (xưa còn gọi là Nam Ổ, vì “Ổ” có nghĩa là “mái tranh”, “nhà tranh”, như từ “thôn ổ”, có nghĩa là vùng đất nghèo!) không chỉ có nước mắm là đặc sản duy nhất. Còn làng Xuân Thiều, thời nhà Nguyễn thuộc tổng Bình Thái, huyện Hòa Vang, thì nổi tiếng với món cá rô, như câu tục ngữ xưa: “Nước mắm Nam Ô, cá rô Xuân Thiều”.
Cá rô Xuân Thiều rất ngon, dù chế biến thành món cá rô chiên hay cá rô kho, thì cũng phải chiên, kho trong những cái “trã” bằng đất. Như thế, ta đã hiểu vì sao mà người xưa nói “Nam Ổ nổ om, Xuân Thiều nổ trã”. Vậy thì còn Cẩm Kim, tại sao lại “nổ nồi”? Vì nơi đây nổi tiếng có món bánh ú tro rất ngon (món bánh dành cho ngày Tết Đoan Ngọ); mà bánh ú tro thì dĩ nhiên là phải nấu trong những cái “nồi”. Câu trên đây, ngoài việc chỉ những món “đặc sản” của ba địa phương: Nam Ô, Xuân Thiều, Cẩm Kim, còn thể hiện lòng tự hào của dân chúng ở ba địa phương này.
Nghe xong, tôi chợt bàng hoàng, không chỉ vì cách giải nghĩa ấy thật mới lạ với tôi, mà còn bàng hoàng vì nhận ra mình còn quá thiếu hiểu biết về quê hương của mình!
Nói đến nước mắm Nam Ô, lại không thể không nhớ đến những món đặc sản khác, đi kèm với loại nước mắm nổi tiếng lâu đời ở địa phương này. Tháng 9 năm 2001, trong một đợt điền dã dài ngày qua các xã miền biển của Quảng Nam - Đà Nẵng, chúng tôi sưu tầm được câu ca này: “Bữa nay đợi bún Chợ Chùa/ Đợi mắm Nam Ổ, đợi cua làng Gành”.
Nam Ô nguyên là một cái trạm. Vào thời vua Gia Long, để tiện liên lạc, vận chuyển thư tín, triều đình đặt ra các trạm dịch. Trên vùng đất Quảng có 7 trạm. Trạm là một chỗ nghỉ, được lợp ngói, xung quanh có tường xây bằng đá. Mỗi trạm đặt một Cai đội, một Phó đội. Các phu trạm được miễn thuế thân và miễn sưu dịch. Mỗi trạm được cấp 3 con ngựa để chạy thư tín. Trạm Nam Ô được đặt ngay đất chợ Nam Ô ngày nay. Vùng đất Nam Ô từ nhiều đời nổi tiếng với món nước mắm ngon, bán đi khắp trong Nam ngoài Bắc. Còn Chợ Chùa, từ đầu thế kỷ XX nổi tiếng là nơi làm bún ngon, nay thuộc xã Duy An, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Còn làng Gành nổi tiếng có con cua rất ngon, thì trước đây gồm cả hai làng Phước Hải và Phước Trạch, nay thuộc xã Cẩm An, thành phố Hội An.
Cách đây hơn 30 năm, trong một chuyến điền dã ở vùng Tiên Thọ (huyện Tiên Phước, Quảng Nam), tôi đã được một ông cụ ngoài bảy mươi dạy cho một bài học nhớ đời.
Một buổi sáng, vào cái thời tôi mới ngoài 30 tuổi và khá là tự cao - vì đã được học hành đàng hoàng, lại từng là một thầy giáo thành đạt, mới 26 tuổi đã được bổ nhiệm làm Giám học, dạy văn chương nổi tiếng, từng được các trường trung học tư thục ở Huế, trước năm 1975, thi nhau mời - tôi đến một xóm nghèo heo hút ở Tiên Thọ. Và gặp một lão nông già yếu. Trong câu chuyện, ngay trong buổi gặp gỡ lần đầu mà chưa chắc đã có lần thứ hai ấy, nhân nói về cuộc sống còn quá khó khăn ở các làng quê, chẳng hiểu do đâu, tôi lại nêu câu hỏi không phải lẽ: Nơi này thật heo hút quá, bác à? Ông cụ hỏi độp một cái: - Vậy thầy có biết “heo hút” là gì không? Đúng là bản sắc Quảng Nam! Tôi thoáng ngạc nhiên, và cũng thoáng chút phật ý, nhưng vẫn lễ phép trả lời: - Dạ, theo cháu, thì “heo” là cơn gió đầu thu, lạnh lẽo; còn “hút” có lẽ là tiếng đệm, cũng giống như tiếng “đẽ” trong từ “đẹp đẽ”. Ông cụ ốm yếu ấy “chẳng cần lịch sự” gì cả: - Sai rồi! “Heo” thì đúng là cơn gió đầu thu, may mà thầy còn biết; còn “hút” thì có nghĩa chứ sao lại là tiếng đệm? “Hút” có nghĩa là “ít”, “không có”, như người ta quen nói “hút hàng”, nghĩa là món hàng này hiện không còn có trên thị trường. Như vậy, trong chữ “heo hút”, thì “heo” là cơn gió lạnh đầu thu (ta vẫn nghe nói heo may!), còn “hút” là cảnh vắng vẻ, không có người.
Ông cụ nói xong chỉ cười nhẹ nhàng, nhưng tôi nghe xốn xang. Rồi, ngưng một chút, ông cụ nói thêm, chữ “hút” là số ít, nhưng nếu thêm chữ “chi” trong cách nói của người Quảng chúng ta, thì lại sẽ trở thành số nhiều; chẳng hạn, thầy vào nhà và hỏi bà nhà tôi, nhà ta có nuôi gà không bác? Bà nhà tôi trả lời: - Hút chi, có nghĩa là nhiều lắm!
Thú thật, sau đó, khi trở về thành phố, tôi đã tra nhiều từ điển Tiếng Việt, nhưng tuyệt nhiên không thấy có sách nào giải thích từ “heo hút” như vậy, kể cả trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê mới xuất bản sau này (*). Nhưng, tôi tin là ông cụ già yếu ở làng quê Tiên Thọ kia đúng. Vì sao lại có thể quả quyết như thế?
Một ngày kia, tình cờ lục ra trong tủ sách cũ, cuốn “Lột trần Việt ngữ” của Bình Nguyên Lộc, tôi mới “ngộ” ra được những điều mới mẻ.
Về từ ghép, tưởng như có một tiếng đệm, nhà văn Nam Bộ này (và theo tôi, chỉ qua cuốn sách này thôi, cũng đã có thể khẳng định là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ), đã đưa ra một cách lý giải khá lý thú: Ngôn ngữ Việt Nam vốn có nguồn gốc từ ngôn ngữ Nam Á, nhưng sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của ngôn ngữ Hán tộc, chỉ còn giữ lại cái gốc Nam Á kia trong một số rất ít từ. Chẳng hạn, lâu nay ta vẫn quen nói là “chợ búa”, và cứ tưởng rằng “búa” là tiếng đệm; kỳ thực ra, “búa” trong tiếng Nam Á có nghĩa là mua hớ, chợ là nơi ta dễ bị mua hớ, món hàng chỉ có 10 đồng, ta có thể mua với giá 20 đồng. Cũng vậy, ta thường nói “nhỏ nhoi”, mà không ngờ rằng, “nhoi” là từ gốc Nam Á. Người Thái Lan nói NOI là “nhỏ”. Một ví dụ khác, ta thường nghe nói “đường sá” (trước đây, ở vùng quê hay phát âm là “đàng sá”), nhưng ít ai biết rằng, người Indonesia nói TANG SÁNA là đàng sá, mà SÁNA là hướng, là phía trước của con đường.
Trong những từ ghép vừa nêu, cả hai từ ghép ấy đều có cùng một nghĩa. Trước đây, ta thường cho rằng, một danh từ gồm 2 từ hoàn toàn đồng nghĩa là một sự chế tác rất vô lý trong cách cấu tạo ngôn ngữ. Nhưng thực ra, tổ tiên chúng ta không vô lý chút nào, vì tiền nhân của chúng ta vẫn còn giữ lại một chút rơi rớt của ngôn ngữ đa âm theo gốc Nam Á, sau khi đã bị ảnh hưởng rất nặng ngôn ngữ độc âm của Hán tộc, đến nỗi ta cứ ngỡ rằng, ngôn ngữ tiếng Việt là hoàn toàn độc âm.
Từ những tiếp xúc ở rất nhiều nơi trên khắp vùng đất Quảng quê hương như vậy, tôi đã có dịp nghiệm ra rằng, có biết bao nhiêu điều mà tôi còn cần phải học hỏi từ trí tuệ dân gian!
(*) Ngoài từ điển của Hoàng Phê, các từ điển sau đây cũng giải thích rất chung chung.
- Từ điển Tiếng Việt của Ban biên soạn Chuyên từ điển, New Era (Nxb Văn hóa Thông tin, 2009), giải thích: “Heo hút: hẻo lánh, vắng vẻ, hiu quạnh. Nơi rừng núi heo hút”. (tr. 930).
- Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học, (Nxb Đà Nẵng, 1998) thì “Heo hút: ở nơi vắng vẻ và khuất, gây cảm giác buồn, cô đơn” (tr. 416).
- Từ điển Tiếng Việt của Nhóm Lưu Văn Hy, (Nxb Thanh Niên, 2009), thì giải thích, “Heo hút: Ở nơi vắng vẻ, buồn tẻ và cô quạnh” (tr. 471).
Các giải thích trên đây không sai, nhưng rõ ràng là không cụ thể, không rõ nghĩa, và dĩ nhiên là “không hay!”.