Trước ngày khai giảng năm học mới, một số chị em hội phụ huynh lớp con gái tôi bắt đầu í ới nhau trên mạng xã hội sau khi có thông tin lớp 2/6 (cũ) sẽ được tách thành 2 nhóm: một nhóm nhập vào lớp 3/4 và một nhóm vào lớp 3/5. Khỏi phải nói là tụi trẻ khi nghe tin này đã buồn như thế nào. Một chị kể, con trai chị đã bỏ ăn tối sau khi nghe mẹ thông báo việc tách lớp.
Cậu bé khóc vì nghĩ rằng mình không thể gặp lại bạn bè cũ. Một chị khác kể rằng con gái đã ngay lập tức yêu cầu mẹ dẫn đi nhà sách mua quà chia tay tặng bạn thân khi biết cô bạn mà bé hay kề cận không còn ngồi chung lớp mới. Còn con gái của chúng tôi, sau khi biết mình sẽ vào lớp 3/4, trong khi 2 cô bạn khác thuộc “hội bạn thân” khắng khít nhau từ năm lớp 1 sẽ nhập vào lớp 3/5, đã nằng nặc đòi ba xin cô giáo chuyển qua lớp 3/5 để không phải tách rời nhóm bạn.
Ngày dẫn con đi làm quen lớp mới, lòng tôi đã chùng lại khi nhìn thấy niềm vui, nỗi buồn của những cô bé, cậu bé khối lớp 3 khi gặp lại nhau, khi chia tay nhau đi về 2 lớp mới. Đừng bao giờ nghĩ rằng những đứa trẻ không biết buồn và cảm thấy hụt hẫng khi phải rời xa những gì quen thuộc. Mỗi mùa hè trôi qua, các con đều háo hức chờ đợi ngày được đến trường để gặp lại thầy cô, bạn bè, gặp lại nhóm bạn đã cùng mình nô đùa dưới sân trường trong giờ ra chơi hay chờ đợi ba mẹ đến đón. Nhờ có sự thân thương đó, mà các bậc phụ huynh đôi lúc bận công việc chưa thể đến đón con đúng giờ, cảm thấy yên tâm vì biết rằng con mình đang chạy chơi đâu đó trong sân cùng bạn bè của chúng.
Con cái buồn một lẽ, Hội Cha mẹ học sinh cũng “đau đầu” không kém bởi quỹ lớp cũ còn dư, giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý. Chưa kể, nào ti-vi, máy quạt mà hội vận động ba mẹ đóng góp từ năm lớp 1, lớp 2 định “để dành” sử dụng cho năm lớp 3 cũng phải chia ra. Quỹ lớp chia đôi, cơ sở vật chất chia đôi, chị em hội phụ huynh vừa kịp thân thiết cũng tách ra, theo con về lớp mới.
Chuyện tách lớp cũ để nhập vào các lớp mới, theo giải thích của lãnh đạo nhà trường, là do số lượng học sinh lớp 2/6 còn khá ít (gần 30 em), nên cần tách ra, nhập vào 2 lớp mới để việc quản lý, dạy dỗ thuận tiện hơn. Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh đều hiểu rằng, đây là một trong những giải pháp nhằm giảm áp lực cho ngành giáo dục trước thực trạng giáo viên đang thiếu hụt trầm trọng, nhất là hai bậc mầm non, tiểu học.
Đầu năm học mới, Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố cho biết, Đà Nẵng còn thiếu 132 giáo viên, chủ yếu ở hai cấp học mầm non và tiểu học, bởi không tuyển đủ chỉ tiêu biên chế được giao. Dù Đà Nẵng đã quyết định hạ tiêu chí tuyển dụng từ bằng đại học xuống cao đẳng, nhưng do thời gian ban hành gấp nên nhiều ứng viên đủ điều kiện không kịp nộp hồ sơ. Ngoài việc sáp nhập một số lớp có tỉ lệ học sinh ít, trước thềm năm học mới, lãnh đạo thành phố yêu cầu các trường khẩn trương hợp đồng giáo viên từ các nguồn để bảo đảm đủ số lượng giáo viên đứng lớp.
Để tiếp tục giải quyết bài toán thiếu giáo viên, trong tháng 10-2019, Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục đối với hơn 300 chỉ tiêu (trong đó có gần 200 chỉ tiêu chưa tuyển đủ từ năm học 2018-2019). Không phải đến bây giờ Đà Nẵng mới đối mặt với thực trạng thiếu giáo viên, đặc biệt ở bậc học mầm non và tiểu học. Từ năm 2016, trước thềm năm học mới, ngành giáo dục thành phố cũng từng loay hoay với bài toán thiếu hụt giáo viên và việc này liên tục lặp lại vào những năm học sau đó. Việc dự báo nguồn nhân lực cho ngành giáo dục có thể được thực hiện sớm nếu như các ngành liên quan tính toán tỉ lệ số trẻ sinh trong một năm, và 6 năm sau sẽ vào lớp 1; trong khi việc đào tạo chỉ cần 3 -4 năm là đã có một lượng sinh viên mới ra trường.
Là một người mẹ, tôi luôn mong con mình được sống, được học tập trong một môi trường giáo dục nơi có đội ngũ giáo viên giàu năng lực và đủ thời gian nghỉ ngơi sau mỗi giờ lên lớp. Mỗi ngày đến trường, con mình không phải ngồi nhồi nhét trong một không gian chật hẹp và các thầy cô giáo không phải vất vả vì phải tăng thêm tiết giảng dạy, tăng thêm công việc và trách nhiệm, trong khi nguồn thu nhập hằng tháng còn có phần hạn chế. Bên cạnh đó là nỗi lo, nếu giáo viên có quá nhiều việc phải làm, liệu các thầy cô còn đủ thời gian để tươi cười, lắng nghe và bao dung trước những sai lầm, thiếu sót của những đứa trẻ?
Có lẽ đã đến lúc, các cấp, ngành liên quan cần có những nghiên cứu cụ thể, mang tính dự báo về nguồn nhân lực giáo dục nhằm tránh tình trạng cứ đến đầu năm học lại thiếu giáo viên, kể cả nguồn giáo viên dự tuyển.
Huỳnh Lê