Thuở chưa bắc cầu nối liền hai bờ sông, dân quê tôi vẫn đều đặn ngày hai bận thong dong trên những chuyến đò xuôi ngược. Hành trình thân thuộc được bắt đầu từ tảng sáng tinh sương, rồi kết thúc khi mặt trời rụng sau khóm lau sậy gọi màn đêm buông mình lả lơi.
Chuyến đò xuôi ngược ấy, tự khi nào trở thành hồi ức của những người dân quê mỗi sáng sang sông với những gánh hàng mưu sinh nặng oằn khó nhọc.
Nhà gần bến sông, mở mắt đã nghe tiếng ông lái đò buông câu chào khách. Một lời hỏi han dành cho những người dân quê lam lũ, hay câu chúc buôn may bán đắt cũng làm ấm lòng những bà, những mẹ quầy quả cuộc sống của cả gia đình nơi góc chợ quê. Ấy là gánh xôi xéo còn phảng phất mùi hành phi thơm nức mũi, là gánh rau cải đang độ chớm ngồng, thân cây mập mạp, lá tươi mơn mởn.
Đò xuôi giữa dòng, cũng là khi gió từ đâu ùa về vờn qua mái tóc, ủ những quầng sương lạnh thấu buốt phả vào từng gương mặt đã nhăn nhúm bởi thời gian. Đò sáng và chiều là lúc đông đúc hơn, chẳng ai bảo ai, mỗi người cố ngồi co kéo vào một chút, nhường chỗ cho những người đến sau cho kịp giờ họp chợ, hoặc kịp giờ trở về chuẩn bị bữa cơm chiều.
Mấy đứa trẻ con nhờ thế mà được ưu ái hơn, có khi ngồi lên cả lòng những bà, những mẹ trong xóm để kịp giờ đến trường, đến lớp. Niềm vui của người chèo đò sau một ngày dài xuôi mái là thấy gương mặt đủ đầy của những vị khách thân quen. Là nụ cười của mấy bà, mấy mẹ trở về với đôi quang gánh nhẹ tênh, cùng gương mặt của mấy đứa trẻ con hồ hởi khoe nhau những điểm chín, điểm mười đỏ chói.
Đò quê bao đời độc nhất với chiếc đò của vợ chồng ông lão quê tận xứ Huế neo về. Quê nghèo, nhưng tình người thì chất ngất. Thương nhất ông lái đò, có bận ốm đau vẫn giữ thói quen đều đặn mỗi ngày sang sông dăm bảy chuyến. Hoặc nửa đêm có người bệnh cần cấp cứu, chỉ cần hú một tiếng là đò đã sẵn sàng. Rồi những mùa thi cử, mấy đứa trẻ con được “độc quyền” trở về trên chuyến đò lúc trăng đã ở lưng chừng những ngọn tre, dòng sông như vỡ loang cả ánh trăng huyền ảo lóng lánh.
Quê nghèo, chỉ có ước mơ thì to lớn. Cái rét, cái đói không thể cản bước những dáng người nhỏ bé với tấm áo trắng vẩn đục, đôi khi ngả màu cháo lòng, đi trên con đường đất với chiếc cặp chắp vá, đựng ước mơ và hoài bão đổi đời nhờ con chữ của đám trẻ quê. Đều đặn như thế trên những chuyến đò, trên dòng sông mà cả xóm nghèo mắc nợ. Thế nên ai đã từng sinh ra, lớn lên nơi xóm nghèo hiu quạnh, tắm mát nơi dòng sông quê, hoặc thong dong trên những chuyến đò xuôi ngược, mỗi bận đi xa trở về đều dành cho dòng sông, con đò những tình cảm da diết.
Cầu bắc ngang sông, nối gần hơn khoảng cách đôi bờ. Trở về sau những chuyến đi xa, ngập ngừng đặt bàn chân bước đi trên cây cầu còn tinh khôi mùi của vôi vữa, tôi thấy trong lồng ngực nhói lên những hồi ức, về cảnh vật và con người đã từng gắn bó với mình suốt thời niên thiếu đã qua. Là dáng bà ngồi sàng sẩy bao mùa thóc lép giữa sân nhà, là dáng cha tôi vác bừa ra đồng gieo mạ.
Là hương khói nồng nồng quyện đều cay xè nơi hốc mũi. Là bữa cơm sum họp nơi gian bếp lợp bằng rạ rơm liêu xiêu. Nhưng có lẽ, hoài niệm về vợ chồng ông lão và những chuyến đò thì chẳng thể nguôi ngoai. Như món nợ đời ta với hai chữ quê hương suốt đời đọng mãi…
Song Ninh