Kịch bản trước thiên tai là một nguồn tư liệu quý để các cấp chính quyền và người dân chủ động triển khai biện pháp cần thiết, hợp lý trước, trong và sau thiên tai.
Cán bộ Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng giúp dân phòng chống lụt bão. Ảnh tư liệu do Hội Chữ thập đỏ cung cấp |
Chuẩn bị từ sớm
Xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) bao năm nay là vùng “rốn lũ” của Đà Nẵng. Cứ gần đến mùa mưa lũ, người dân Hòa Liên lại lo lắng với tình trạng ngập úng cục bộ, sạt lở nghiêm trọng. Những năm gần đây, trên địa bàn Hòa Liên triển khai nhiều dự án trọng điểm của thành phố.
Trong đó, có những dự án kéo dài đến 20 năm gây nhiều mối lo cho người dân mỗi lần nghe tin bão đến. Đơn cử như tại thôn Trung Sơn hiện có tới 5 dự án bao quanh: Dự án Nhà ở liền kề KCN Hòa Khánh; dự án Kênh thoát nước - vệt cây xanh cách ly KCN Hòa Khánh; dự án Nhà máy nước thải Liên Chiểu; dự án Khu di tích rừng Trung Sơn; dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài.
Nằm giữa các dự án này là cánh đồng Bàu Giáng và hơn 100 hộ dân thôn Trung Sơn đang sinh sống. Mỗi mùa mưa đến, nước thải từ KCN Hòa Khánh, Cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng, giai đoạn 2 đổ xuống, cống thoát nước từ Bàu Giáng ra Dự án Đô thị xanh Dragon City Park để thoát ra sông Cu Đê không đủ tải, nước ngập ứ khắp làng.
Hay tại thôn Quan Nam 3, mỗi khi mưa lớn, đất, đá từ công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo nước mưa chảy xuống đường ĐT 601 và tràn vào nhà dân, nhất là người dân ở hạ lưu cầu Km64. Nhiều người dân ở các thôn Quan Nam 2, 3, 5 và Trường Định cũng gặp tình cảnh tương tự.
Nhiều tuyến đường ở các khu tái định cư vẫn chưa được thảm bê-tông nhựa khiến đường sá vào mùa mưa luôn trong tình trạng ngập nước và lầy lội. Trong khi đó, ở các khu này, người dân lưu thông theo hướng đường Nguyễn Tất Thành rất khó khăn, vất vả.
Anh Trần Thạnh (người dân thôn Quan Nam 3) nói: “Xã Hòa Liên vốn hay ngập lụt. Chuyện mỗi mùa mưa đến nước tràn vào nhà, phải lội bì bõm đã quá quen thuộc. Mấy năm gần đây, trên địa bàn xã còn có nhiều công trình xây dựng. Cứ có trận mưa lớn là nhiều đất, đá và nước mưa chảy xuống, bồi lấp đường và trôi vào nhà dân, thực sự rất nguy hiểm”.
Những năm gần đây, công tác theo dõi, giám sát và triển khai các biện pháp ứng phó với các hiện tượng thiên tai trên địa bàn huyện Hòa Vang gặp một số khó khăn nhất định, trong đó có nguyên nhân là sự thay đổi lớn về địa hình do xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường ADB 5 (đường Hòa Tiến - Hòa Phong), đường vành đai phía nam thành phố (đường Hòa Phước - Hòa Khương)...
Chính vì vậy, việc chủ động ứng phó trước mỗi mùa mưa bão không chỉ là việc của chính quyền, người dân mà còn của chủ đầu tư. Hiện tại, trước mỗi mùa mưa bão, UBND huyện đều có văn bản gửi các chủ đầu tư có dự án đang thi công trên địa bàn lập phương án phòng, chống bão, lũ chi tiết đối với các công trình để phục vụ chỉ đạo ứng phó; đồng thời, có biện pháp bảo đảm thoát nước trong mùa mưa bão.
Ông Trương Tấn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho hay, để tránh rơi vào tình huống bị động, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão của xã (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) chủ động xác định những vùng trọng điểm ứng phó thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn trên địa bàn. Cụ thể là ở các thôn có địa hình thấp trũng như: Trường Định, Trung Sơn, Quan Nam 2, 3, 5…, Ban Chỉ đạo phối hợp với các chủ đầu tư rà soát các điểm ngập úng, các điểm cần khơi thông trước mùa mưa bão; đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư có kịch bản/phương án chi tiết, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình; neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, cần tháp trục, máy vận thăng và các thiết bị thi công trên cao trước khi có gió, bão; rà soát các quy hoạch thoát nước và kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị bảo đảm phân vùng thoát lũ, chống ngập đô thị; kiểm tra biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật như hào kỹ thuật, tuynel, trạm biến áp, cột điện; chặt tỉa cây xanh…
“Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng rà soát lại phương án di dời dân chính xác nhất. Những hộ có người già, trẻ em, người khuyết tật phải được ưu tiên di dời trước. Hiện tại, nếu có thông tin về bão, lũ thì xã Hòa Liên phải sơ tán ít nhất 200 dân”, ông Mạnh cho biết.
Chỗ dựa tin cậy của người dân
Không thuộc vùng trũng như Hòa Liên, nhưng phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cũng được đánh giá là địa bàn có khả năng chống chịu kém nếu xảy ra bão lớn. Địa bàn phường nằm trong diện di dời giải tỏa trên diện rộng, có 6 khu tái định cư mới hình thành và một số công trình đang xây dựng dở dang, mật độ cây xanh phủ kín rất ít, nhiều khu vực ở ngay vùng cửa sông nên chịu tác động mạnh khi có bão xảy ra.
Trong những năm gần đây, do việc quy hoạch, giải tỏa, chỉnh trang đô thị không đồng bộ, một số khu dân cư nằm trong vùng nghiên cứu quy hoạch nên nhà cửa còn thiếu kiên cố, nhà cấp 4, nhà tạm nhiều.
Các cán bộ phường Nại Hiên Đông giúp dân chằng chống nhà cửa trước bão. Ảnh: Q.T |
Ngoài ra, phường Nại Hiên Đông cũng là địa bàn được đánh giá nghèo nhất quận Sơn Trà và xếp thứ 3 toàn thành phố. Khu vực này cũng gây nhiều mối quan ngại khi có số lượng tàu bè neo đậu lớn, trong đó, chủ yếu là tàu có công suất trên 90CV.
Nhiều khu dân cư nhà cửa xuống cấp, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt khi thời tiết có diễn tiến bất thường. Đơn cử như khu dân cư Nại Nghĩa-khu tái định cư đầu tiên của phường. Hiện khu vực này có khoảng 67 hộ dân với 300 nhân khẩu đang sinh sống.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Hồ Tấn Phước, mỗi khi nghe tin bão, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão của phường tập trung sức lực lo cho khu này đầu tiên. “Hiểu rõ tình hình địa phương nên chúng tôi đều lên kịch bản ứng phó chi tiết từ bão vừa, bão mạnh, bão đặc biệt mạnh đến sóng thần.
Lãnh đạo UBND phường thường xuyên duy trì thông tin liên lạc với bí thư chi bộ khu dân cư, chỉ đạo các trưởng tiểu ban phòng, chống lụt bão thực hiện nhiệm vụ, cử cán bộ phụ trách đứng điểm từng địa bàn, nhất là khu vực xung yếu như: Nại Nghĩa, Nại Hưng 1, Nại Hưng 3, Vũng Thùng, Nại Hưng 3B... Ban Chỉ đạo còn phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, từ người phụ trách truyền thanh đến trạm y tế, công an khu vực, đến tổ trưởng dân phố, mặt trận khu dân cư… ”, ông Phước nói.
Những năm gần đây, Đà Nẵng ít chịu ảnh hưởng của bão lớn, song tình trạng ngập úng là vấn đề luôn phải đối mặt. Để khắc phục tình trạng này, không để xảy ra ô nhiễm môi trường và hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người dân, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố đã chỉ đạo các bộ phận liên quan, phối hợp với các đơn vị môi trường, thoát nước đô thị tổ chức nạo vét, tháo dỡ vật cản trên hệ thống các luồng tiêu; rà soát đánh giá lại mức độ an toàn của các hệ thống hồ chứa và trạm bơm tiêu úng; từ đó có kế hoạch đầu tư, cải tạo sửa chữa kịp thời.
Song song với đó, công tác trực ban cũng được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, bảo đảm 24/24 giờ để theo dõi, tổ chức thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn xảy ra trên địa bàn.
Đại diện văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố cho biết, kịch bản ứng phó với thiên tai được xây dựng dựa trên số liệu từ địa phương cung cấp. Qua các năm, hồ sơ kịch bản càng dày lên. Đây là phương tiện phục vụ rất tốt cho các cấp chính quyền.
Trong mỗi kịch bản đều phân công rất rõ trách nhiệm từng đơn vị sở, ban, ngành. Có thể nói, kịch bản trước thiên tai là một nguồn tư liệu quý để các cấp chính quyền và người dân chủ động triển khai biện pháp cần thiết, hợp lý trước, trong và sau thiên tai.
QUỲNH TRANG