Mỗi một cây trồng, con giống muốn cho sản lượng cao, người nông dân phải nắm rõ quy luật sinh trưởng, phát triển, phòng trừ bệnh có thể gây nguy hại đến chất lượng sản phẩm của mình. Do đó, nhiều năm qua, với nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống, nhiều nông dân Đà Nẵng đã cần mẫn tham gia các lớp dạy nghề để bổ sung kinh nghiệm và phương pháp nuôi, trồng hiệu quả…
Nông dân xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang phát triển mô hình trồng lan. |
Hiệu quả từ công tác dạy nghề nông dân
Xã Hòa Tiến từ lâu được xem là vựa trồng nấm của vùng đất Hòa Vang. Cả xã có hơn 100 hộ chuyên nghề trồng nấm, cho thu nhập bình quân mỗi tháng 5-7 triệu đồng. Và tính tới thời điểm này, có thể nói 100% hộ trồng nấm ở xã Hòa Tiến đã tham gia đầy đủ các lớp dạy nghề do các cấp Hội Nông dân tổ chức.
Ông Nguyễn Mai Hồng (62 tuổi), Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nấm Hòa Tiến cho biết, bản thân ông cũng từng tham gia lớp học trồng và chế biến nấm ăn. Học bao nhiêu cũng không đủ. Mỗi lần học, ông lại có thêm một chút kiến thức, một chút kinh nghiệm nên khi áp dụng vào thực tế, ông thấy yên tâm hơn. “Xưa nay, người nông dân nuôi con gì, trồng cây gì cũng dựa trên kinh nghiệm bản thân. Đôi khi nuôi càn, nuôi đại, mùa sau rút kinh nghiệm mùa trước nên năng suất khi trồi khi sụt. Việc tham gia các lớp học nghề giúp chúng tôi nắm rõ phương pháp trồng nấm linh chi, nấm rơm, nấm sò, nấm tuyết, đồng thời kết nối được với những người có kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện HTX Nấm Hòa Tiến có gần 10 lao động lành nghề, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi”, ông Hồng chia sẻ.
Tại phường An Khê (quận Thanh Khê), hộ ông Đinh Văn Hòa cũng mạnh dạn phát triển cơ sở sản xuất nấm sò, nấm linh chi tại nhà với số lượng duy trì thường xuyên từ 5.000-6.000 bịch. Nấm sau khi hái, sẽ được các thương lái thu mua tại nhà. Được biết, so với cách đây vài ba năm, ông Hòa đã phát triển quy mô sản xuất gần gấp đôi, cho mức thu nhập hằng tháng ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho một số lao động tại địa phương.
Từ năm 2013 đến nay, Hội Nông dân thành phố đã trực tiếp tổ chức 23 lớp dạy nghề cho 263 hội viên, nông dân, đồng thời phối hợp với các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tổ chức 121 lớp cho 4.163 hội viên, nông dân khác. Qua kết quả khảo sát của Hội Nông dân thành phố, sau khi kết thúc khóa học, đã có 4.011 học viên có việc làm, phát triển ngành nghề, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ông Hồ Đăng Ninh, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân thành phố cho biết, hằng năm, Hội chỉ đạo các cấp Hội quận, huyện và cơ sở tăng cường tuyên truyền về chính sách dạy nghề; đồng thời tư vấn cho hội viên, nông dân chọn ngành, nghề phù hợp.
Cũng theo ông Ninh, hoạt động đào tạo nghề của Hội Nông dân thành phố được triển khai thực hiện ngay tại địa bàn dân cư, thôn, tổ dân phố, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của học viên. Bên cạnh phương pháp “cầm tay chỉ việc”, “nông dân dạy nông dân”, các lớp dạy nghề được thực hành ngay tại các hộ gia đình, tổ hợp tác có quy mô, có điều kiện cơ sở vật chất hoặc tại các vườn hoa của hộ nông dân hoặc gia trại. Ngoài ra, Hội Nông dân thành phố còn mời một số giáo viên, nông dân có tay nghề, kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tham gia giảng dạy, kết hợp tuyên truyền vận động học viên mạnh dạn thành lập các nhóm sản xuất như tổ hợp tác, HTX, các chi hội nghề nghiệp…
Hiện nay, Hội Nông dân thành phố đã chọn ra 4 nghề chính, phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân nói chung và nông dân nông thôn nói riêng để triển khai giảng dạy. Đó là nghề trồng và chế biến nấm ăn; trồng hoa, cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm và kỹ thuật trồng rau an toàn. Từ hiệu quả của mô hình sản xuất nấm, trồng hoa, cây cảnh đã tạo nên sức lan tỏa cho người dân. Trở về từ những lớp học, các hội viên nông dân đã cùng nhau lập 20 HTX, 18 tổ hợp tác, 23 chi hội nghề nghiệp nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa như: HTX Kim Thanh, HTX Nhơn Phước, HTX Nấm Hòa Tiến, HTX Nấm Khuê Mỹ...
Cần phù hợp nguyện vọng, lứa tuổi của nông dân
Dù đạt khá nhiều kết quả, nhưng khi đi sâu phân tích mới thấy công tác dạy nghề cho nông dân đang bộc lộ một số hạn chế cần sớm được giải quyết. Ví dụ, có khá nhiều nông dân lớn tuổi muốn tham gia học nghề nhưng không được giải quyết do không có lớp học phù hợp; một số phường, xã không đủ điều kiện cơ sở vật chất để mở lớp dạy nghề cho nông dân. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh, giá cả bấp bênh, không ổn định nên một bộ phận nông dân muốn chuyển nghề, có nhu cầu đào tạo nghề khác nhưng theo quy định, mỗi lao động chỉ được hỗ trợ học nghề một lần nên việc đào tạo chuyển đổi ngành nghề cho người nông dân không được thực hiện.
Ông N.V.H (đề nghị không nêu tên) ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, bản thân ông từng được địa phương quan tâm, cho tham gia lớp học trồng nấm các loại. Sau khi có chứng nhận học nghề, ông tận dụng căn phòng trống để trồng hơn 100 bịch nấm tuyết. Thời gian đầu, nấm tuyết cho sản lượng tốt, nhưng giá thị trường của dòng nấm này khá rẻ, số lượng trồng ít dẫn đến thu không đủ bù chi. Quyết không bỏ cuộc, gia đình ông H. chuyển sang trồng nấm rơm, nấm linh chi nhưng diện tích căn phòng khá nhỏ, độ ẩm cao khiến sản lượng nấm không đạt như mong muốn. “Bây giờ tôi muốn được tham gia một lớp dạy lái xe hay sửa đồ điện để đi lái xe thuê hoặc làm việc trong các công trình xây dựng nhưng quy định không cho phép, trong khi hoàn cảnh kinh tế hiện tại khá khó khăn khiến tôi không thể bỏ tiền túi theo học những lớp này”, ông H. chia sẻ.
Ông Hồ Đăng Ninh đánh giá, hiện nay, có khoảng 20% nông dân tham gia học nghề theo kiểu phong trào, học cho vui hoặc học nghề xong không tham gia phát triển sản xuất. Chưa kể, nhiều nông dân đang sinh sống tại các phường, quận trên địa bàn, học xong cũng để đó vì không có quỹ đất đầu tư sản xuất. “Có rất nhiều khó khăn trong công tác dạy nghề nhưng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc kinh phí dành cho công tác dạy nghề khá thấp. Trong khi đó, một số ngành, nghề mới thu hút nông dân trẻ tuổi, có nhu cầu nhưng lại không nằm trong danh mục dạy nghề, như nghề lái xe, sửa chữa điện máy, điện lạnh, cơ khí. Bên cạnh đó, nhận thức về công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân của một số cấp Hội Nông dân còn hạn chế, còn tình trạng “ghi tên báo cáo số lượng”, việc điều tra, đánh giá, tư vấn hỗ trợ nông dân chọn nghề chưa thật sự phù hợp”, ông Ninh cho biết thêm.
Nhiều năm qua, công tác dạy nghề cho nông dân được thành phố giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội điều phối, phân bổ chỉ tiêu về Hội Nông dân thành phố, các trung tâm dạy nghề và Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng… Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2019, Hội Nông dân không được thành phố giao chỉ tiêu, kinh phí tổ chức dạy nghề khiến không ít nông dân tỏ ra băn khoăn, lo lắng. Ông Nguyễn Tiến Lực, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) bày tỏ quan điểm, đối với công tác dạy nghề cho nông dân, đặc biệt là nông dân nông thôn nên giao cho Hội Nông dân thành phố tổ chức hoặc phối hợp tổ chức như lâu nay; bởi với chức năng nghề nghiệp của mình, Hội Nông dân có thể hiểu rõ hội viên muốn gì và đào tạo gì cho phù hợp với thực tế sản xuất tại địa phương, có như thế công tác dạy nghề cho nông dân nông thôn mới thật sự phát huy hiệu quả.
KỲ NAM - ĐĂNG BÌNH