Để có được những tiết dạy hay, làm cho các em yêu thích, chờ đợi giờ dạy của mình, mỗi thầy cô giáo phải luôn ý thức mình là một “nghệ sĩ trên bục giảng”, phải luôn thương yêu, lo lắng, biết cách dạy dỗ, hướng dẫn cho học trò mình phát triển, tiến bộ từng ngày.
Môn Toán không còn khô khan thông qua những trò chơi của cô Thùy Dương. Ảnh: Q.T |
Học sinh làm chủ bài học
Mỗi giờ học Địa lý, tấm bảng đen của lớp 11/1 Trường THPT Hermann Gmeiner (quận Ngũ Hành Sơn) được dán đầy hình ảnh về đất nước liên quan đến bài giảng. Những bức vẽ minh họa rõ ràng, ngộ nghĩnh, đầy đủ từ vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, cộng đồng dân cư, sắc tộc… được nhóm thuyết trình hôm nay chuẩn bị chu đáo. Tranh thủ những phút chuyển tiết ít ỏi, hai bạn trong một nhóm trao đổi kỹ lại bài thuyết trình. Mỹ Linh, thành viên của nhóm chia sẻ: Bài học sắp tới sẽ do chính tụi em soạn và chia sẻ cùng các bạn. Nội dung được tụi em chắt lọc từ sách giáo khoa và một số nguồn kiến thức trên Internet. Giờ học chủ động này khiến tụi em rất vui và thoải mái. Mỗi nhóm chỉ gồm 2 thành viên nên ai cũng phải bắt tay vào làm, ai cũng phải nói được vì cô sẽ gọi bất kỳ. Tụi em cũng chuẩn bị kỹ những kiến thức liên quan vì các bạn sẽ vấn đáp nhiều. Nhờ tìm hiểu trước như vậy mà gần như tụi em học thuộc bài luôn trên lớp mà không phải “gạo” bài như trước đây nữa.
Tiết học này là một trong những “giờ học chủ động” - phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, để học sinh tự học, tự nghiên cứu của cô Hồ Thị Thanh Nga (giáo viên Địa lý, Trường Hermann Gmeiner). Cô Nga chia sẻ, sau nhiều năm đứng trên bục giảng, cô nhận ra rằng, phương pháp học tập tối ưu là tự học. Vấn đề tự học rất khó. Các em cần được khơi gợi niềm đam mê. Và giáo viên là người phải làm nhiệm vụ ấy. Dẫu khi tự soạn bài, học sinh còn ngây ngô, đôi khi cung cấp sai kiến thức nhưng không sao cả, các em sẽ tự học hỏi được từ chính cái sai của mình. Đặc biệt, từ chính những bài học chủ động này, cô đã phát hiện ra nhiều em vốn rụt rè, nhút nhát trong lớp nhưng lại rất cá tính, thuyết trình rất tốt. Khả năng tiềm ẩn của các em lâu nay không được khai thác đúng mức nên “ngủ quên”. Chỉ cần được trao cơ hội, được tin tưởng, các em sẽ làm tốt.
Không chỉ là những giờ học chủ động, cô Nga còn thành lập CLB Địa lý, thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế cho học sinh. Trước khi bắt đầu mỗi chuyến đi, cô cung cấp cho học trò về điểm đến và yêu cầu tìm hiểu cặn kẽ về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, độ ẩm, tình hình thời tiết… của địa điểm ấy. Vậy là không cần bắt buộc, các em cũng tự tìm hiểu. Những kiến thức thực tế ấy sẽ được nhớ rất sâu, rất lâu.
Cô Nguyễn Thùy Dương (giáo viên môn Toán, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ) cũng là một trong những người tiên phong đổi mới phương pháp dạy bằng cách sử dụng trò chơi và ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng. Được sự khuyến khích của Ban Giám hiệu nhà trường về đổi mới phương pháp dạy học, phần đầu tiên của tiết học, cô giới thiệu tổng quan môn học, phương pháp học tập thông qua các trò chơi “đi chợ” hoặc “ước gì”. Trong suốt tiết học, thay vì kiểm tra bài cũ, cô tổ chức trò chơi giúp học sinh bớt căng thẳng; thay vì yêu cầu về nhà làm những bài toán khô khan, cô cho trò tự làm trò chơi mà câu hỏi tương tự các bài tập trong sách giáo khoa. Bên cạnh đó, cô còn có nhiều cách tiếp cận bài mới, trình bày bảng thay đổi làm học trò hứng thú, luôn cảm thấy không biết hôm nay cô sẽ dạy như thế nào, có được chơi trò chơi không…
Em Hoàng Bách (học sinh lớp 6/1 được cô Dương dạy Toán) chia sẻ: “Hồi học lớp 5, em ít thích đi học vì đến lớp rất chán. Vào mỗi tiết học, cô giáo chỉ giảng bài xong rồi ra bài cho cả lớp làm. Tụi em chỉ ngồi im lặng từ đầu đến cuối, rất buồn ngủ. Từ khi lên lớp 6 và học lớp cô Dương, em thích đến trường hơn. Cô Dương tổ chức nhiều trò chơi, cho tụi em phát biểu, làm bài tập nhóm. Vui lắm”. Em Khánh Tĩnh (học cùng lớp) cũng hào hứng nói: “Môn Toán rất khó và khô khan nhưng giờ đã thành môn học em yêu thích nhất. Em tưởng Toán học chỉ có số và số nhưng không phải, Toán học rất gần gũi với đời sống. Ở mỗi bài học, cô Dương đều chỉ cho tụi em thấy Toán học vui nhộn thế nào, thực tế thế nào. Nhờ môn học vui như vậy mà học sinh hiểu bài tại lớp luôn, không phải làm bài tập về nhà nữa”.
Khi thầy cô chúng ta thay đổi
Năm 2017, Trung tâm Sản xuất chương trình giáo dục VTV7 thực hiện phim tài liệu “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”. Thay vì đi tìm công thức tạo ra những lớp học có nhiều học sinh giỏi, các thầy cô đi tìm đáp án cho câu hỏi: Làm thế nào để có lớp học hạnh phúc? Chương trình gắn camera vào lớp học của 8 thầy cô (đến từ nhiều địa phương trên cả nước) tham gia trong suốt thời gian dài để ghi lại các hoạt động, ứng xử, lời nói của giáo viên và học sinh... Sau đó, các chuyên gia cố vấn là những nhà sư phạm uy tín sẽ phân tích và giúp các giáo viên hiểu rõ hơn về bản thân và học sinh, cũng như những ưu khuyết điểm trong phương pháp giảng dạy, cách thể hiện tình cảm đối với học sinh của mình.
Học sinh làm chủ hoàn toàn bài học trong giờ học Địa lý của cô Thanh Nga. Ảnh: Q.T |
Tiêu chí “học sinh sẽ thay đổi khi giáo viên thay đổi” được dẫn dắt trong mỗi tập phát sóng. Chương trình sau khi lên sóng đã nhận được nhiều sự chú ý của những người hoạt động trong ngành giáo dục. Cô Nguyễn Thùy Dương cho rằng, để có tiết học hạnh phúc, trước hết thầy cô phải thay đổi bởi chỉ khi thầy cô hiểu nhu cầu và tâm sinh lý học sinh, có phương pháp dạy học phù hợp với lứa tuổi mới giúp các em cảm thấy tin tưởng, thấy được việc học là cần thiết đối với bản thân. Qua đó, các em biết các phương pháp học hiệu quả, thấy yêu môn học, tự tin với bản thân từ đó sẽ tự giác học. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp với gia đình, phụ huynh cần đồng hành cùng con trong quá trình học tập và trưởng thành.
Cô Dương chia sẻ, cô bắt đầu thay đổi bản thân từ lúc dự giờ tiết Địa lý của cô Hồ Thị Thanh Nga. Tiết học thực sự vui nhộn, lấy học sinh làm trung tâm, tạo được niềm vui thích ở các em. Và sau đó cô tham gia diễn đàn Lớp học tích cực (cũng do một số thầy cô nặng lòng với giáo dục lập ra). Các lớp học này truyền cảm hứng để cô áp dụng phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực khơi gợi niềm đam mê học tập của học sinh. Cô cho học sinh xem Kim tự tháp học tập để các em biết học chủ động là phương pháp học tập đem lại hiệu quả cao nhất. Phương pháp mới tốn nhiều thời gian để xây dựng bài giảng nhưng đã giúp các em tự giác hơn rất nhiều, lớp học cũng sôi động, vui nhộn hẳn. “Tuy rằng chưa phải 100% học sinh đạt hiệu quả tốt như mình mong ước nhưng bước đầu lôi kéo được sự chú ý của các em, truyền được cảm hứng cho học sinh và một số đồng nghiệp cũng là vui rồi”, cô Dương nói.
Theo một cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn Đà Nẵng, có rất nhiều nguyên nhân để học sinh không thích đến trường, đặc biệt là các em còn nhỏ tuổi. Chẳng hạn ở nhà các em được nuông chiều, muốn gì được nấy, trong khi lên lớp phải chấp hành nội quy kỷ luật của nhà trường; một số gia đình quá dễ dãi cho con sử dụng điện thoại, xem ti-vi, chơi trò chơi trực tuyến..., những điều này có sức hấp dẫn rất lớn đối với các em ở độ tuổi thích tò mò, khám phá, vì thế việc đến lớp, đến trường trở thành “cực hình”.
Ngoài ra, nguyên nhân có thể là do một số giáo viên chưa thực hiện tốt chủ trương của ngành về xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”; thiếu sáng tạo, thiếu sự đầu tư cho tiết dạy dẫn đến giờ dạy không thu hút học sinh. “Ở góc độ người dạy, theo tôi, mỗi giáo viên cần phải thực hiện đúng những quy định của ngành về đạo đức nhà giáo. Những ngày còn công tác ở trường học, khi hướng dẫn sinh viên thực tập, tôi thường căn dặn các bạn ấy rằng: “Trong nghề dạy học của mình, có những món nợ mà chúng ta không có cơ hội để trả đó là những tiết dạy không tốt, kém chất lượng. Chúng ta sẽ không có cơ hội để quay lại chính lớp ấy, dạy chính các em học sinh ấy để mà trả nợ được”.
Nghề dạy học là nghề cao quý. Cho dù xã hội phát triển đến đâu, cuộc sống có thay đổi như thế nào thì người thầy luôn là hình ảnh đẹp nhất, đáng kính trọng nhất trong lòng mọi người, mọi thế hệ. Vì thế, để có được những tiết dạy hay, làm cho các em yêu thích, chờ đợi giờ dạy của mình, mỗi thầy cô giáo phải luôn ý thức mình là một “nghệ sĩ trên bục giảng”, phải luôn thương yêu, lo lắng, biết cách dạy dỗ, hướng dẫn cho học trò mình phát triển, tiến bộ từng ngày”, vị cán bộ này nói.
Quỳnh Trang