Dạy văn - đôi điều suy ngẫm

.

Hiện nay, ở bậc phổ thông rất khó tìm thấy những thầy cô dạy Văn hay có lực hấp dẫn đặc biệt. Nhiều học sinh còn tỏ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với môn Văn. Có nhiều nguyên nhân, ở đây chỉ xin nêu một trong những nguyên nhân dẫn đến môn Văn không còn được học sinh yêu thích như trước đây. Dạy văn là truyền cái hay cái đẹp của văn chương cho học sinh.

Một tiết học Văn ngoài trời của cô và trò Trường THPT Ngũ Hành Sơn .Ảnh minh họa: PHAN VĨNH YÊN
Một tiết học Văn ngoài trời của cô và trò Trường THPT Ngũ Hành Sơn .Ảnh minh họa: PHAN VĨNH YÊN

Không biết vì lý do gì mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi tên môn Văn thành môn Ngữ văn. Thêm “ngữ” vào trước “văn” là vô tình thu hẹp đặc trưng, chức năng và lợi thế của môn Văn. Cách ghép từ trong tiếng Việt khác với tiếng Trung. Nếu ghép đẳng lập thì từ quan trọng hơn thường đứng trước; nếu ghép chính phụ thì từ chính luôn đứng trước. Việc đặt chữ “ngữ” đứng trước chữ “văn” dẫn đến định hướng sai lầm là coi trọng dạy “ngữ” hơn dạy “văn”.

Thực ra trong “văn” đã có “ngữ”. Xu hướng biến những giờ dạy Văn thành dạy từ ngữ đã góp phần “giết chết” môn Văn. Trước khi nghỉ hưu (2009), tôi từng dự một số giờ dạy Văn theo phương pháp mới, thấy phần lớn thầy cô chủ yếu phân tích từ ngữ, rất ít chú trọng khai thác chất văn. Tác phẩm văn chương bị “băm nát” bởi một loạt câu hỏi vụn vặt. Chẳng hạn dạy bài “Mời trầu” của Hồ Xuân Hương, có giáo viên đặt các câu hỏi: “Miếng trầu hôi” là miếng trầu thế nào? Em hãy giải thích nghĩa của từ “quệt”! Vì sao “Có phải duyên nhau thì thắm lại”? Ở câu cuối tác giả sử dụng biện pháp tu từ gì? Học sinh trả lời ê a, ngắc ngứ, loanh quanh, chẳng còn thời gian để giáo viên bình giảng cái hay, cái đẹp, cái ẩn ý sâu xa của bài thơ. Giờ học Văn trôi qua một cách hết sức khô khan, tẻ nhạt. Cũng bài thơ này, trước đây tôi từng nghe thầy Nguyễn Trung Hiếu (khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh) bình giảng rất hay.

Thầy đưa dị bản bài thơ “Mời trầu” để sinh viên so sánh “mới quệt rồi” và “đã quệt rồi”. Sinh viên có những cách trả lời khác nhau. Thầy trình bày cách lý giải của mình. Thầy không đồng tình với việc cho rằng Xuân Hương “mời trầu” sao cho hấp dẫn khách như bao cô gái bình thường khác. Nghĩa là bà không hề che giấu thân phận hẩm hiu của mình: “quả cau” thì “nho nhỏ”, “miếng trầu” thì “hôi” và “đã quệt rồi” chứ không phải “mới quệt”… Giờ giảng nhờ thế mà hết sức sôi nổi, sinh động. Xu hướng biến giờ dạy Văn thành giờ phân tích từ ngữ sẽ còn dẫn đến một số hệ lụy khác.        

Về chủ trương “lấy học sinh làm trung tâm” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc dạy và học đều phải được đặt lên hàng đầu. Quá chú trọng học sinh mà coi nhẹ vai trò của thầy cô giáo cũng là một sai lầm nghiêm trọng. Thầy cô giáo dạy Văn chẳng khác gì những nghệ sĩ trên sân khấu. Câu hỏi trong giờ dạy Văn phải là những câu hỏi khơi gợi óc phán đoán, chứ không phải những câu hỏi kiểm tra kiến thức thông thường. Khi dạy tiểu sử nhà thơ Tố Hữu, từng có giáo viên đặt câu hỏi như sau: Em nào biết nhà thơ Tố Hữu sinh năm nào? Quê quán ở đâu? Ông giữ những chức vụ quan trọng gì? Ông xuất bản được mấy tác phẩm, gồm những tác phẩm nào? Thậm chí, đề thi tốt nghiệp phổ thông cũng có những câu hỏi tương tự như vậy. Lẽ ra, với phần tiểu sử nhà thơ Tố Hữu, chỉ cần tóm lược nội dung đã được trình bày trong sách giáo khoa. Thầy giáo dành ít phút kể vắn tắt vài giai thoại về nhà thơ (như xuất xứ bút danh Tố Hữu, nhận xét về thơ Tố Hữu…), như vậy sẽ làm cho giờ giảng tăng phần hấp dẫn, gây được hứng thú cho học sinh.

Thầy cô giáo dạy Văn cần có tài ăn nói. Khi dạy, thầy cô dạy Văn không chỉ đọc và nói diễn cảm “lên bổng, xuống trầm”, “nhả ngọc, phun châu” mà “nói” bằng cả ánh mắt, bộ điệu, cử chỉ. Những lời thuyết giảng hay của thầy cô không chỉ thu hút sự chú ý của học sinh mà còn khắc sâu vào trí nhớ, trở thành hành trang theo suốt cuộc đời các em.

Dạy được một giờ Văn hay phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố quan trọng là tạo được sự đồng cảm giữa thầy và trò. Nhưng để tạo được sự đồng cảm giữa thầy và trò trong giờ dạy Văn không hề dễ. Hơn bất cứ thầy cô dạy bộ môn nào, thầy cô dạy Văn phải nắm được tâm sinh lý, hoàn cảnh, giới tính… của học sinh lớp mình giảng dạy. Phải tìm cách “gãi đúng chỗ ngứa” của các em, phải gần gũi, tiếp xúc với các em trong cuộc sống thường ngày. Thầy cô dạy Văn không chỉ dạy trên lớp mà còn dạy ngoài giờ. Những chuyến đi dã ngoại với học sinh đối với thầy cô dạy Văn rất bổ ích.

Để trở thành giáo viên dạy Văn hay, thầy cô giáo phải có lòng yêu nghề, lòng say mê, khả năng cảm thụ, truyền thụ, và phải có cả môi trường giáo dục thật thông thoáng nữa. Cha ông nói: “Không thầy đố mày làm nên”. Điều đó đặc biệt đúng với bộ môn Văn. Muốn chấn hưng bộ môn Văn, lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo phải tạo điều kiện cho các thầy cô dạy đúng với đặc trưng bộ môn, vận dụng linh hoạt phương pháp giảng dạy; không rập khuôn, máy móc; không biến những giờ dạy Văn thành những giờ dạy chính trị, đạo đức hay dạy từ ngữ một cách giáo điều, sáo rỗng, khô khan, cứng nhắc.

Mai Văn Hoan
                                                                                                                                        

 

;
;
.
.
.
.
.