Hướng tới "Thành phố xanh"

Dọn rác… dưới mặt đường

.

Giống như công nhân Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng hằng ngày “đi tua” quét dọn rác trên mặt đường, công nhân Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng ngày nào cũng xuống dưới mặt đường vớt vài ba bao rác ở các đập thu nước.

Có đến 3,5 – 4m3 bùn đen trong mỗi lần nạo vét giếng thu gom nước thải ở Trạm bơm HTN1 (Hồ Trung Nghĩa 1).
Có đến 3,5 – 4m3 bùn đen trong mỗi lần nạo vét giếng thu gom nước thải ở Trạm bơm HTN1 (Hồ Trung Nghĩa 1).

Dọn rác “trên từng cây số”

Ông Võ Đăng Dục, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải (XLNT) Đà Nẵng giới thiệu tôi đến gặp anh Nguyễn Tấn Tuấn ở Trạm XLNT Hòa Cường. Tuấn đang lúi húi vớt rác dưới đáy đập thu nước thải cầu Rồng phía đường Bạch Đằng, chuyển lên cho một công nhân khác ở gần miệng đập để anh này bỏ rác vào bao tải và đưa lên mặt đất. Đứng trên nhìn xuống thấy đáy đập tối om, loáng thoáng bóng dáng chiếc mũ bảo hộ lao động của công nhân và thỉnh thoảng gợn lên vài tia sáng yếu ớt do nước phản chiếu ánh mặt trời.

Một lát, Tuấn và đồng nghiệp leo lên nghỉ. Trang phục bảo hộ lao động lấm tấm bùn đen, nhất là đôi ủng. Ngồi xuống bên chiếc ghế đá, Tuấn bảo đây là công tác dọn vệ sinh định kỳ nhằm bảo dưỡng tuyến thu gom nước thải. Đập cầu Rồng là một trong những đập thu nước thải lớn đổ ra sông Hàn, có cửa xả rộng đến 20m. Những ngày mưa lớn hoặc nước triều dâng, nước từ sông tràn vào đập, mang theo cơ man nào là rác, bao ni-lông, chai nhựa các loại, lá và những cành cây gãy đổ... Rác từ sông lên, từ các tuyến cống rãnh tích tụ về, nếu công nhân không có mặt ở hiện trường để khơi thông dòng chảy thì sẽ bị ngập úng cục bộ chỉ trong tích tắc.

Giống như công nhân Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng hằng ngày “đi tua” quét dọn rác trên mặt đường, công nhân Công ty Thoát nước và XLNT Đà Nẵng ngày nào cũng xuống dưới mặt đường vớt vài ba bao rác ở các đập thu nước. Gần 20 năm gắn bó với công việc “dọn rác dưới mặt đường”, anh Tuấn gặp không ít tình huống nhớ đời. Như lần ở đập 14/9 (ký hiệu chỉ đập gần đường dẫn qua cầu Trần Thị Lý) có hiện tượng không rút nước, anh và đồng nghiệp xuống kiểm tra thì thấy nguyên một thùng nhựa 18 lít bị mắc kẹt, có lẽ từ sông dâng lên, bịt luôn đường ống. Nước ngập tứ bề, công nhân phải lặn xuống vừa tìm cách tháo gỡ thùng nhựa ra, vừa giữ mình để không bị áp lực nước kéo tuột cả người ra cửa xả.

Đúng một năm trước, ngày 8-12, tại Đà Nẵng xảy ra đợt mưa to đạt đến 635mm, thiết lập lượng mưa ngày lịch sử mới tại Đà Nẵng, vượt trên công suất thiết kế của hệ thống cống rãnh thoát nước của thành phố. Đợt mưa lịch sử này đã gây nên ngập úng đô thị tại nhiều khu vực trũng thấp trên địa bàn thành phố như: đường Hàm Nghi, Đống Đa, Nguyễn Văn Linh, Trưng Nữ Vương…

Lúc đó, anh Tuấn và đồng nghiệp đi kiểm tra chống ngập ở khu vực Bệnh viện Đà Nẵng, nơi cần được thoát nước nhanh nếu có mưa lớn để mang lại an toàn cho người dân đi khám, chữa bệnh, nhất là các trường hợp cấp cứu. “Anh em làm từ sáng đến 10 giờ đêm mới xong, buổi trưa ăn qua quýt tại hiện trường. Công việc hằng ngày theo giờ hành chính, nhưng nếu xử lý sự cố phải tức tốc khắc phục ngay, không kể ngày lễ hay chủ nhật”, anh Tuấn nhớ lại.

Nghề nguy hiểm, nặng nhọc

Cách Trạm XLNT Phú Lộc tầm 1km, trên đường Nam Trân là Trạm bơm HTN1 (Hồ Trung Nghĩa 1). Sáng thứ năm tuần rồi, ông Phạm Thành Được, Trạm trưởng Trạm XLNT Phú Lộc cùng công nhân tổ chức nạo vét bùn tại giếng thu gom nước thải của trạm để tránh tình trạng nghẽn máy bơm. Giếng có đường kính 4,5m, sâu gần 9m, công suất thu gom nước thải và bơm chuyển về Trạm XLNT Phú Lộc 30m3/giờ.
Trước khi vét bùn phải đóng tất cả các van đưa nước thải về giếng, mọi việc diễn ra tối đa một buổi. “Mùa này còn đỡ, chứ mùa hè hôi chịu không nổi. Hè, người đi đường còn bịt mũi nín thở, huống gì công nhân leo xuống đáy giếng”, một công nhân cho biết.

Quan trọng hơn, theo ông Được, dỡ nắp giếng xong phải dùng máy thổi ô-xy xuống đáy để “đuổi” khí độc mê-tan đi, sau đó 2 công nhân mới dùng thang dây leo xuống đáy giếng, múc bùn vào thùng. 6 công nhân trên mặt đất dùng ròng rọc kéo thùng bùn lên, mang đổ vào xe xuồng đặc chủng của công ty để vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn xử lý. Định kỳ 2 tháng vét giếng một lần, mỗi lần công nhân thu được tầm 3,5 – 4m3 bùn đen đặc quánh.

Trong công tác xử lý nước thải, toàn thành phố có 5 lưu vực: Hòa Cường, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Xuân, Phú Lộc. Trong đó, lớn nhất là lưu vực Phú Lộc với tổng cộng 14 trạm bơm, thu gom nước thải cho cả hai quận Thanh Khê và Liên Chiểu, hai phường Thanh Bình và Thuận Phước của quận Hải Châu, hai phường Hòa An và Hòa Phát của quận Cẩm Lệ. Trạm bơm lớn nhất của khu vực Phú Lộc có ký hiệu SPS21 nằm ở ngã ba Lý Thái Tông – Nguyễn Tất Thành, mỗi giờ chuyển về Trạm XLNT Phú Lộc trên 1.100m3 (307 lít/giây) nước thải.

“Do có nhiều trạm bơm trong lưu vực mình theo dõi, 36 công nhân của đơn vị phải làm việc với tần suất dày đặc, các công việc xuống đáy giếng múc bùn và đứng trên mặt đất kéo bùn đều được hoán đổi luân phiên để tạo sự phân công hợp lý và công bằng trong công nhân”, ông Được giải thích.

Ông Võ Đăng Dục cho biết, công nhân được cấp mỗi năm 3 bộ đồ bảo hộ lao động (mũ, giày, găng tay, áo quần); chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính vào lương. Thỉnh thoảng cũng có vài trường hợp công nhân lội cống bị vật nhọn đâm vào chân hoặc tay phải đi chích ngừa uốn ván.

Nạo vét mương cống, các giếng, đập thu gom nước thải là công việc nặng nhọc và không kém phần độc hại. Đó làm nghề dưới mắt nhiều người không được “danh giá”. Một công nhân trẻ đang làm công việc hằng ngày của mình, thấy tôi đưa máy ảnh lên chụp tấm hình minh họa cho bài báo, bèn vội quay mặt đi. Chạnh nghĩ, nếu ai cũng “chê” nghề nhặt rác dưới mặt đường thì môi trường sống của toàn thành phố sẽ ra sao?…

Quy trình khơi thông thoát nước nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng

- Thu nhặt rác, vật cản dòng chảy ở các cửa thu nước bỏ vào thùng rác;

- Trường hợp cửa thu không kịp nhưng mương cống thoát nước vẫn còn năng lực thoát nước thì cho dỡ đan, nắp cửa thu nước, đồng thời thực hiện biện pháp cảnh giới bảo đảm an toàn giao thông;

- Khi hết mưa nhặt tất cả rác, vật cản dòng chảy còn sót lại ở các cửa thu bỏ vào thùng rác, đậy đan, nắp cửa thu nước;

- Vệ sinh hiện trường sạch sẽ.

Nguồn: Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng

VĂN THÀNH LÊ

 

;
;
.
.
.
.
.