Dạy từ thủa hãy còn trứng nước/ Yêu cho đòn bắt chước lấy người/ Trình thưa, vâng dạ, đứng ngồi/ Gái trong kim chỉ, trai ngoài bút nghiên.
(Gia huấn ca - Nguyễn Trãi)
Đại gia đình ông Nguyễn Hạ và bà Đặng Thị Phương Lan trong lần họp mặt gia đình Tết Kỷ Hợi – 2019. (Ảnh:Nhân vật cung cấp) |
Coi chữ hơn vàng
Nghe tiếng xe máy buổi sáng sớm, cô Nguyễn Thị Thanh ra mở cổng. Tôi chỉ nhớ mang máng đã gặp cô hồi kỷ niệm 40 thành lập Trường THPT Thái Phiên năm 2003, khi đó cô là Tổ trưởng Tổ Văn. Chồng cô, ông Nguyễn Thông cũng từng là giáo viên của trường, hai người gặp nhau trong môi trường giáo dục và cùng về chung một nhà.
Cô Thanh người Huế, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 1972, rời đất Thần kinh vào Quảng dạy học ở Trường Trung học Hòa Vang, sau năm 1975, chuyển về Trung học Ngoại Ô, về sau đổi thành Trường THPT Thái Phiên. Sách xưa dùng chữ “nghiêm đường” để nói về người cha, từ này vận vào tính cách của cha cô, một người rất nghiêm khắc. Con cái đi thưa về trình là chuyện đương nhiên. Nếu có việc gì cha gọi vào là khép nép né qua một bên, không dám ngồi đối diện với cha. Nhà có 3 anh em, cô là con út. Người anh đầu được cha “chăm sóc” rất cẩn thận, mãi về sau khi các con đã yên bề gia thất, ông mới “bật mí” rằng, trong giáo dục nền nếp gia phong, chỉ cần dạy cho kỹ đứa đầu là mấy đứa sau cứ thế răm rắp tuân theo.
Về làm dâu xứ Quảng, cô gặp được người làm cha các con của mình cũng không khác người cha xứ Huế là mấy. “Mẹ đánh trăm roi không bằng cha ngăm một tiếng”, ông Thông tuy không hề đánh các con một roi nhưng con cái nghe răm rắp. Nhà có hai con, gái đầu, trai kế. Thấy con sai, cha la con là mẹ không được nói vô nói ra gì, và ngược lại.
Con trai cô năm học lớp 10 được vô đội tuyển Kỳ thi Olympic truyền thống 30-4, được chọn đi thành phố Hồ Chí Minh thi và đoạt giải. Lên lớp 11, cu cậu mê chơi bóng bàn cùng bạn, bỏ học mấy buổi. Tới Tết, ông Thông gọi con đến, nghiêm mặt hỏi: Việc học của con có gì khó khăn không? Cậu con trai rụt rè thưa: Dạ, con chỉ đạt 7,9 điểm, không được học sinh giỏi, không được vô đội tuyển. Ông quắc mắt: Chừ thì sao? Chỉ 3 từ ngắn gọn thôi nhưng sức “công phá” thì vô cùng dữ dội, nó buộc cậu quay lại việc học hành với một tinh thần tự giác. Không bao lâu sau đó, cậu được vào lại đội tuyển và mang giải về cho nhà trường.
Trong suốt 15 năm nghỉ hưu, cô cùng chồng dành hết tâm lực vào “lớp học” tại gia chỉ vẻn vẹn 2 học sinh là con của mình. Cả hai khi thi vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, một đỗ á khoa, một đỗ thủ khoa. Có giải quốc gia, cả hai được chuyển thẳng đại học và không phụ lòng tin tưởng, dạy dỗ của cha mẹ khi tốt nghiệp với tấm bằng thủ khoa. Năm 2008, Hội Khuyến học Đà Nẵng phong tặng gia đình cô danh hiệu “Gia đình Tiến sĩ tiêu biểu cấp thành phố”. Hai người con giờ đã thành danh, có gia đình riêng và bắt đầu trở thành những “nghiêm đường”, “từ mẫu” cho thế hệ kế tiếp.
Vợ chồng cô luôn nhắc con cái, dâu, rể rằng, làm cha làm mẹ thì việc làm gương rất quan trọng, từ lời ăn tiếng nói đến cách hành xử trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Bữa cơm gia đình rất quan trọng, là lúc gặp gỡ các thành viên, nên không được la rầy con cái (trời đánh tránh bữa ăn). Trước khi con đến lớp cũng không được la mắng con, bởi con sẽ mang tâm trạng buồn bực, lo lắng trong suốt quãng thời gian ở trường mà không chú tâm vào việc học.
40 năm sống trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm trên đường Phạm Nhữ Tăng, vợ chồng cô gần như không thay đổi gì nhiều. Mấy người học trò cũ đến thăm thầy, cô xưa cũng cảm nhận điều đó. Họ tặng tấm thư pháp ghi câu thơ của Nguyễn Bính: “Nhà ta coi chữ hơn vàng. Coi tài hơn cả giàu sang trên đời”.
Ông Thông đưa tôi dạo một vòng quanh nhà, đi qua những cây khế chua, khế ngọt, những chậu mai vàng chúm chím nụ xuân. Cả khu vườn lẫn căn nhà không có gì là “giàu sang”, như ẩn giấu bên trong là những con chữ - điều làm cho người ta vượt lên trên những giá trị thường tình của nhân thế.
Tuổi già chậm lại
Ông Nguyễn Hạ, năm nay đã ngoài tám mươi, nhà ở cuối một con hẻm trên đường Lê Duẩn, Đà Nẵng, cũng lấy câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” làm phương châm dạy con.
Gia đình PGS.TS.BS. Nguyễn Đăng Quốc Chấn chụp hình lưu niệm cùng cha mẹ mình. (Ảnh:Nhân vật cung cấp) |
Thường thì những ngày cuối tuần, vợ chồng ông tổ chức các buổi họp mặt gia đình, thẳng thắn nhận xét đánh giá và phê bình khuyết điểm từng thành viên; qua đó, giúp từng cá nhân nhận thấy trách nhiệm, quyền hạn, lỗi lầm mà tự khắc phục và sửa chữa hoàn thiện chính bản thân mình. Có lúc ông thẳng thừng nói tuột ra theo tính cách người Quảng, nhưng cũng có khi ông chỉ trừng mắt, nhíu mày là con cái hiểu ngay và một mực làm theo ý của cha.
Vợ chồng ông có 9 người con thì hết 8 người tốt nghiệp đại học và trên đại học. Trong đó, thành đạt về “khoa bảng” hơn cả là người con trai thứ, Nguyễn Đăng Quốc Chấn, hiện là PGS.TS.BS Trưởng khoa Y dược, Giám đốc Trung tâm Y khoa - Đại học Đà Nẵng.
PGS Chấn nhớ lại: “Lúc nhỏ, tôi rất đam mê chơi bi-a, đam mê đến nỗi trốn học và rủ rê bạn học cùng lớp đi chơi. Khi nhà trường phát hiện và thông báo cho gia đình, ba tôi nổi trận lôi đình, cho tôi ăn no đòn và bắt tôi viết bản kiểm điểm không được tái phạm. Rút kinh nghiệm từ sự việc này, tôi không dám tái phạm và dần ý thức được rằng việc học tập rất quan trọng, chỉ chơi khi nào rảnh rỗi mà thôi. Nhờ vậy, sau này tôi đã chuyên tâm vào việc học và việc học tập ngày một cải thiện tốt hơn. Đây là dấu ấn khó quên nhất trong đời tôi. Tôi luôn thầm cảm ơn ba tôi về trận đòn nhớ đời đã giúp tôi tỉnh ngộ và đạt được thành quả như ngày hôm nay”.
Ông Chấn giờ đã là ông bố của hai đứa con. Khi được hỏi về tình trạng trong xã hội hiện đại, sợi dây gắn kết gia đình ngày càng lỏng lẻo, con cái khi trưởng thành dường như chỉ biết hưởng thụ mà dửng dưng trước những hy sinh của cha mẹ, ông cho rằng một phần là do các thế hệ điện thoại thông minh ngày một phát triển; thêm vào đó, cha mẹ lại nuông chiều, mua sắm cho con cái sử dụng vô tư nhưng không kiểm soát hoặc có nhưng quá qua loa nên dần hình thành một lớp người chỉ giao tiếp với nhau qua điện thoại thay vì giao tiếp trực tiếp ngoài đời thường.
PGS Chấn ở chung nhà với cha mẹ mình. Trong nhà, ông Nguyễn Hạ cho treo nhiều tấm biển nhỏ bằng gỗ có ghi mấy chữ Quốc ngữ như: Tâm, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín… Vợ chồng ông thỉnh thoảng cho cháu chạm vào các hoa văn, các nét chữ để làm quen. Khi cháu lớn lên chút, ông lần hồi giảng giải, ví như chữ Nhân: Nhân là con người, cũng có nghĩa là lòng nhân ái, tức là thương người… Cứ thế, trước khi đến trường học chữ, cháu đã được hai ông bà-nhà giáo dạy về đạo đức làm người.
Con cái của ông đã có được những chỗ đứng trong xã hội mà nhiều người mong ước. Thành công ngoài xã hội nhưng tất cả vẫn luôn đặt gia đình lên trên. Gặp lại lúc ông đang chuẩn bị đón năm mới, ông nheo mắt lật lật cuốn album một lát rồi lấy ra tấm ảnh nhỏ, bảo tôi: “Cái hình này tui rất thích, nó nối tuổi già của vợ chồng tui với cái thế hệ trẻ nhất trong gia đình. Ông bà mình nói nước mắt chảy xuôi thiệt chẳng sai. Dạy con từ thuở con thơ. Vợ chồng tui hết dạy con chừ lấy việc dạy cháu làm niềm vui tuổi già”.
Tết này con cháu rủ nhau về thăm cha mẹ, ông bà. Ngôi nhà nhỏ nằm cuối con hẻm 48 Lê Duẩn lại tràn ngập tiếng reo cười, lời chúc phúc. Hai ông bà cảm thấy tuổi già của mình chừng như chậm lại...
“Cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con cái noi theo, từng bước cải thiện thay đổi chính mình sao cho phù hợp và thích ứng với xã hội ngày càng văn minh hiện đại. Cha mẹ phải luôn luôn đặt mình ở vị trí của con cái. Xem con như là người bạn, người đồng hành, quan tâm và trao đổi ý kiến để thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng của con. Đừng vì quá lao tâm, lao lực vào việc làm mà quên đi trách nhiệm làm cha làm mẹ là phải chăm sóc và hướng dẫn con cái. Có như vậy, sợi dây gắn kết gia đình ngày càng sẽ được thắt chặt hơn” PGS.TS.BS. Nguyễn Đăng Quốc Chấn - Trưởng khoa Y dược, Giám đốc Trung tâm Y khoa - Đại học Đà Nẵng |
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ