Giữ nếp nhà

Lan man chuyện nàng dâu

.

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, trong mỗi gia đình, tình yêu thương, tôn trọng nhau luôn là sợi dây gắn kết bền chặt mỗi thành viên. Và trong cuộc sống hiện đại, có không ít nàng dâu giữ trọn cách yêu thương, kính trọng ba mẹ chồng, nâng niu quả ngọt trong đời sống hôn nhân.

Tấm ảnh ngày xuân của chị Hoàng Dung và ba chồng. (Ảnh từ Facebook nhân vật)
Tấm ảnh ngày xuân của chị Hoàng Dung và ba chồng. (Ảnh từ Facebook nhân vật)

1. Hơn 12 năm làm dâu, chị Hoàng Dung (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có chừng vài ba năm ở nhà chồng. Với chị, đó là quãng thời gian chị được sống trong sự yêu thương và thấu hiểu của ba chồng, người mà chị làm gì, chị “hư” như thế nào cũng nhẹ nhàng bảo ban chứ không bao giờ buông lời nặng nhẹ trách móc. Chị bảo đó là sự may mắn không phải cô con dâu nào cũng có được.

Nhiều năm trước, ba ruột của chị Dung ra đi sau cơn bạo bệnh, để vơi nỗi nhớ ba, chị tập tành hút thuốc lá, không nghe lời khuyên của ai. Thế rồi, ba chồng biết chuyện, gọi chị lên nhà, ông bảo: “Ba nghe mọi người nói con hút thuốc, ba biết con buồn nên mới vậy. Thôi, giờ con có ba đây. Ba sẽ là ba của con, nên con đừng hút thuốc nữa mà ảnh hưởng đến sức khỏe. Ba Hường (tên ba ruột chị Dung - PV) bị ung thư phổi mà, con phải thương ba nghe con”. Cảm động trước những lời nói thốt ra từ gan ruột của ba chồng, chị đã nghe lời ông và bỏ thuốc lá.

Những ngày còn ở nhà chồng, lúc chị mang bầu 2 đứa nhỏ, ba chồng luôn là người sáng tối gọi con đi tập thể dục. Chị tâm sự: “Ba chồng mình là thương binh ¼, chân đi khập khiễng và đau lắm nhưng ba vẫn đi cùng tôi. Quần áo bao giờ ông cũng giặt tay và phơi xếp rất cẩn thận. Nhiều khi, ông vừa xếp đồ vừa hỏi, con có cần ba cho tiền để con mua cái quần jean lành lành không, chứ quần gì rách quá trời vậy con (do chị có mấy cái quần mốt rách gối - pv). Rồi tôi xăm, tôi không sợ ai cả, chỉ sợ ba la.

Vậy mà, lần đầu tiên ba thấy hình xăm của tôi, ông bảo thời nay họ xăm đẹp quá, sắc quá, mà có đau lắm không con?”. “Ông là ba chồng nhưng rất hiểu nghề nghiệp và thương tôi nhất, có lẽ một phần vì ông muốn bù đắp sự mất mát về tinh thần mà tôi đã chịu đựng khi ba mình đi xa. Vui nhất là có lần tôi cắt tóc ngắn cũn cỡn về quê ăn Tết, ông đón tôi từ đầu ngõ và khi nhìn thấy mái tóc của tôi, ông cười rất to và nói: Ơ nhà mình bữa ni có thêm thằng cu Dung nữa bây ơi! Thế đó, ba là người đàn ông rất tâm lý và cả chồng tôi cũng vậy, tôi thấy mình thật sự may mắn khi được làm dâu về nhà ba má”, chị Dung chia sẻ.

2. Mối quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu hiện nay không còn phức tạp như trước. Có ai đó đã đúc kết rằng, cuộc sống hôn nhân giống như một chiếc gương, ta đối với chiếc gương đó như thế nào, gương cũng sẽ phản chiếu lại ta như vậy. Thuận hòa, ấm êm hay tan vỡ, mâu thuẫn đều do chính mình thay đổi. Là người phụ nữ khéo léo và khá tâm lý, chị Nguyễn Thị Kim Anh (1978), sinh sống tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà luôn thể hiện sự quan tâm đến ba mẹ chồng bằng những món quà nho nhỏ. Chị Kim Anh bộc bạch, nhà chồng chị ở thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), trong khi anh chị sinh sống, lập nghiệp tại Đà Nẵng. Công việc bận rộn nên chỉ khi nhà có giỗ tiệc, ma chay, hiếu hỉ, vợ chồng chị mới thu xếp đưa con về quê nội. “Do không thường xuyên ở gần ba mẹ chồng nên khi thì tôi gửi cho ông bà thùng trái cây, khi vài hộp thuốc bổ, lúc bộ quần áo mới, còn lại thường xuyên gọi điện thoại cho các cháu nói chuyện với ông bà.

Có thể vì sự hỏi han, chăm sóc của mình từ xa khiến ông bà xúc động nên chẳng bao giờ có tiếng nặng tiếng nhẹ, không khí gia đình luôn đầm ấm, vui vẻ. Ngay cả chuyện vợ chồng mình dạy dỗ con cái, ông bà cũng không can thiệp, lại còn khuyên nhủ các cháu phải biết vâng lời ba mẹ, ăn ngoan, chăm lo học tập. Không biết từ lúc nào, tình cảm của tôi dành cho ba má chồng cứ nhẹ nhàng và gần gũi như thế, điều này khiến chồng tôi vui ra mặt”, chị Kim Anh cười cho biết.

Nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Xuân (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) thuộc lòng nết ăn, nết ở của cô con dâu sinh năm 1984. Trương Thị Thanh Mai - tên con dâu bà Xuân - vốn sinh ra và lớn lên từ vùng đất Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Năm 2002, 18 tuổi, Mai ra Đà Nẵng học Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và ở trọ gần nhà bà Xuân. Hai cô cháu gần nhà, gần ngõ, quyến luyến nhau lúc nào không hay. Mỗi khi về quê, có nải chuối, bó rau chi ngon, Mai đều mang ra biếu bà Xuân một ít.

Ngược lại, mỗi lần nhà có giỗ tiệc hoặc bày biện nấu ăn, bà Xuân đều không quên gọi cô bé sinh viên qua ăn cùng. Rồi Mai và con trai bà “phải lòng” nhau, được bà Xuân âm thầm ủng hộ, vun vén. Có lần, con trai bà Xuân phải chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh hơn 3 năm, khoảng cách địa lý khiến đôi trẻ có nguy cơ đổ vỡ. Biết chuyện, bà gửi vài dòng tin, nhắn nhủ con trai mình: “Con làm chi làm, đừng để con gái người ta phải khổ vì con”. Nghe lời mẹ, đôi trẻ đã vượt qua những thử thách ấy để tiến hành đám cưới vào năm 2010 và sống hạnh phúc cho đến ngày nay.

Bà Xuân khoe, con dâu là người đơn sơ, mộc mạc, không phấn son ăn diện, mấy cũng lo cho gia đình, chồng con. “Nó chân chất, thật thà, làm gì cũng quyết làm tới nơi tới chốn. Từ ngày có nó về làm dâu, tôi có người tâm sự, thủ thỉ, chia sẻ chuyện gia đình, hình như chẳng khi nào tôi giận nổi nó vì nó khá hiền và ngoan”, bà Xuân chia sẻ.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.