Bức ảnh này tôi chụp từ trên một cây cầu bắc qua kênh Vĩnh Tế, đoạn chảy qua An Giang. Thật khó để hình dung rằng một con kênh nhân tạo lại có thể mênh mông đến như thế. Và nó đã được hình thành từ cách nay hai thế kỷ. Suốt hai thế kỷ qua, con kênh này đã chứng kiến bao nhiêu đổi thay, biến thiên của một vùng rộng lớn phía Tây Nam bộ.
Kênh Vĩnh Tế - đoạn chảy qua tỉnh An Giang.Ảnh: T.A |
Kênh Vĩnh Tế - có tài liệu cho rằng được vua Minh Mạng đặt tên theo tên của vợ vị đổng lý trực tiếp điều hành thi công Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), bà Châu Thị Tế. Lý do nhà vua làm vậy là bởi ghi nhận công lao người vợ hiền đã dốc sức phò tá cho chồng hoàn thành công việc lớn lao. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, tên của dòng kênh được đặt ngay từ khi bắt đầu thi công, tức là từ thời vua Gia Long còn đang tại vị. Nhưng cho dù ý kiến nào là đúng thì lịch sử vẫn ghi nhận công lao vĩ đại của Đổng lý Nguyễn Văn Thoại.
Trong suốt 5 năm (1819-1824), và trải qua 3 giai đoạn, vắt qua 2 triều đại, nhiều chục nghìn người, cả người Việt và người Chân Lạp đã đổ mồ hôi mới tạo ra được một dòng kênh dài hơn 80km theo cách đo ngày nay. Rất nhiều người trong số đó đã bỏ mạng vì bị thú dữ tấn công, bệnh tật hiểm nghèo. Hai thế kỷ đã trôi qua, dòng kênh vẫn tồn tại và mang lại một nguồn lợi lớn không kể xiết cho biết bao nhiêu con người sinh sống hai bên bờ kênh, cũng như là một tuyến đường thủy mang lại lợi nhuận vô ngần cho cả một vùng đất lớn.
Tôi đã chỉ dự định dừng chân ở
An Giang 1-2 ngày, nhưng rốt cuộc đã phải ở lại đến 1 tuần lễ. Tất cả chuyến đi khác, đến các địa danh khác ở “lục tỉnh Nam Kỳ” đều hủy bỏ. Sở dĩ như vậy là bởi, An Giang là nơi hội tụ quá nhiều những trang sử kỳ diệu. Nếu tính từ thời hình thành, phát triển của nền văn hóa Óc Eo, vương quốc Phù Nam, thủ phủ Ba Thê, tức là từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI, thì một đời người không thể giở hết tất cả những trang sử của vùng đất này.
Kênh đào từng phát triển đến mức đỉnh cao ở thời kỳ Óc Eo. Vùng Óc Eo - Ba Thê từng là một thương cảng lớn, nơi neo đậu, buôn bán giao thương của rất nhiều tàu bè từ nhiều vùng trên thế giới. Tàu lớn đậu ở ngoài xa, buôn bán trao đổi sản vật của Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Mã Lai… Tàu nhỏ đậu ở sâu trong các kênh đào, hoạt động như các chợ nổi ngày nay. Cũng tàu nhỏ gom sản vật địa phương mang ra xa bán lại cho các tàu lớn. Có đến hàng trăm km kênh đào được thực hiện trong thời kỳ Óc Eo.
Phù Nam từng là một vương quốc lớn mạnh, giàu có, phồn thịnh. Ba Thê - Óc Eo từng là một đô thị sầm uất. Khoa học khảo cổ đã từng bước vén những bức màn bí ẩn của thời gian, lật lên dưới những lớp đất sâu, tái hiện cả một vương quốc.
Hôm nay đứng ở trên cầu nhìn xuống dòng kênh mênh mông, với vô số những căn nhà sàn đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, tôi có cảm giác mình hình dung được những con kênh nhân tạo từ hàng nghìn năm trước đang chở theo nó những con thuyền trĩu nặng hương liệu, tiền bạc, đồ thủ công mỹ nghệ vô cùng tinh xảo…
Trở lại với kênh Vĩnh Tế, Đại Nam Thực Lục Chính Biên ghi: “Năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18 (1919): Vét đào sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên. Cho tên là sông Vĩnh Tế. Vua thấy Vĩnh Thanh và Hà Tiên tiếp giáp với Chân Lạp, việc công tư đi lại, trước không có đường thủy, bàn muốn nhân sông Châu Đốc mà đào cho thông suốt. Gặp Chiêu Chùy nước Chân Lạp là Đồng Phù đến chầu, vua triệu cho yết kiến hỏi han. Đồng Phù trả lời rằng: “Khai sông ấy thì dân Chân Lạp được nhờ lợi, vua Phiên cũng muốn thế, không dám xin mà thôi”.
Vua khen và lấy làm vui lòng, dụ bảo thành thần Gia Định, do từ phía tây đồn Châu Đốc qua cửa Ca Âm, Cây Báng, đến sông cũ hơn 200 dặm, tính công đào đất và lượng sức người. Sai Trấn Thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại và Chưởng Cơ Phan Văn Tuyên đốc suất dân Chân Lạp 5.000 người, đến tháng 12 khởi công đào. Dân người Hán (Việt) cùng với binh đồn Uy Viễn thì mỗi tháng cấp cho mỗi người 6 quan tiền và 1 phương gạo; dân Chân Lạp mỗi tháng cũng cấp cho mỗi người 4 quan 5 tiền, 1 phương gạo.
Chiếu dụ dân Vĩnh Thanh rằng: “Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của Nhà nước, mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi nay khó nhọc, mà thực có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc”…
Con kênh mang theo mình bao nhiêu huyền thoại đã từ đó mà hình thành.
Dù rằng thương cảng Óc Eo về sau đã biến mất do nạn hải xâm, hàng nghìn hàng nghìn năm, phù sa dần vùi lấp mất những đền đài thành quách, nhưng dường như khí chất giàu có, chơi sang của người Phù Nam xưa vẫn còn lưu lại đến tận ngày nay. Người miền Tây sống hiền hòa, phóng khoáng, cởi mở, tốt bụng. Những cánh cửa luôn mở rộng để bạn có thể ghé vào bất kỳ lúc nào lỡ độ đường; những nụ cười tươi sáng ấm áp luôn nở trên môi. Gió miền Tây dữ dội mà hồn hậu. Thiên nhiên vì thế mà cũng ban tặng cho vùng sông nước này nhiều sản vật, khí hậu ôn hòa dễ chịu, cây cối tốt tươi, bốn mùa hoa trái bời bời…
Kênh Vĩnh Tế, vương quốc Phù Nam, văn hóa Óc Eo… cuối cùng cho chúng ta thấy một điều rất lý lẽ, mà cũng rất thường tình, đó là sống hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, đề cao thiên nhiên, thì thiên nhiên sẽ bù đắp lại cho con người những giá trị lớn đến mức chính họ cũng có thể không hình dung được.
THANH AM