Vực dậy sau dịch bệnh

.

Hàng trăm hộ kinh doanh cá thể đang gặp khó khăn trong phục hồi kinh tế do gánh nặng chi phí mặt bằng, trả lương nhân công và xoay xở nguồn vốn tái đầu tư kinh doanh, sản xuất…

Sau giãn cách xã hội, tiểu thương các chợ trên địa bàn thành phố đang gồng mình vượt qua khó khăn, ổn định việc buôn bán. (Ảnh chụp tại chợ Cồn)Ảnh: T.Y
Sau giãn cách xã hội, tiểu thương các chợ trên địa bàn thành phố đang gồng mình vượt qua khó khăn, ổn định việc buôn bán. (Ảnh chụp tại chợ Cồn). Ảnh: T.Y

Gượng dậy sau Covid-19

Anh Nguyễn Văn Khánh, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng T.K trên đường Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu) cho biết, từ đầu năm đến nay, khi Covid-19 bắt đầu lan rộng, tình hình kinh doanh của cửa hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Hầu như các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở đều dừng lại khiến nguồn thu nhiều tháng trời ở tình trạng bù lỗ. Trong vòng 1 tháng tới, nếu các công trình xây dựng nhỏ ở Đà Nẵng chưa khởi động lại thì khả năng chúng tôi sẽ phá sản”, anh Khánh lo lắng nói.

Theo anh Khánh, lĩnh vực kinh doanh của anh thuộc nhóm hoàn thiện công trình như gạch ốp, vôi, sơn, điện, nước… với mức đầu tư ban đầu gần 1 tỷ đồng. Sau hơn 3 năm hoạt động, cửa hàng có nguồn khách ổn định, kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Covid-19 bùng phát khiến việc kinh doanh chững lại, mỗi tháng tổn thất gần 100 triệu đồng. Trong đó, nặng nhất vẫn là tiền thuê mặt bằng với hơn 20 triệu đồng mỗi tháng. Anh Khánh cho biết, dù kinh doanh khó khăn nhưng hiện anh vẫn cố gắng duy trì mức lương cơ bản cho nhân viên cửa hàng, hỗ trợ đội ngũ vận chuyển, duy trì mối quan hệ với khách hàng...

Khó khăn là vậy, song theo tìm hiểu của chúng tôi, cửa hàng của anh Khánh không nằm trong diện hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ. Anh chia sẻ: “Hiện nay doanh thu khai thuế của cửa hàng chúng tôi cao hơn mức 100 triệu đồng/năm nên không được hưởng chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng. Điều tôi cần hỗ trợ nhất lúc này là được giảm tiền thuê mặt bằng và tiếp cận được các gói vay ưu đãi từ ngân hàng để duy trì việc kinh doanh”.

Chị H.T.B.L, buôn bán tại ki-ốt 177 chợ Cồn cho hay, từ đầu tháng 4, tiểu thương chợ nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội, đóng sạp nghỉ bán. Doanh thu không có nhưng tiểu thương vẫn phải đóng một số loại thuế, phí chợ liên quan. Như nhiều tiểu thương khác, chị L. chia sẻ, hiện lượng khách đến chợ nhiều hơn nhưng tình hình buôn bán chưa ổn định, lượng mua thấp. Doanh thu mỗi ngày hiện chưa đến 1 triệu đồng, so với công sức, thuế, phí phải trả thì quá thấp.

Quán cà-phê của anh Nguyễn Trung nằm trên đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà) cũng trong tình cảnh tương tự. Theo anh Trung, vào năm 2018, anh đầu tư hơn 400 triệu đồng hình thành quán cà-phê rang xay, phục vụ xem bóng đá. Mỗi ngày, doanh thu của quán dao động từ 2-3 triệu đồng, nay xuống còn dưới 1 triệu đồng/ngày. Nguyên nhân do nhiều khách hàng trung niên vẫn còn e ngại dịch bệnh, ít la cà quán xá.

“Đây thực sự là giai đoạn cầm cự của chúng tôi. Tiền tiết kiệm gần 200 triệu đồng đã được rút ra để trả lãi ngân hàng và trả tiền công cho nhân viên, nhập thêm nguyên liệu pha chế, thanh toán tiền điện, nước. Chúng tôi vẫn còn may mắn là chủ nhà cho nợ tiền thuê mặt bằng, hy vọng thời gian tới lượng khách sẽ trở về mốc ổn định, việc kinh doanh tốt hơn trước”, anh Trung bày tỏ.

Hỗ trợ theo nhu cầu người dân

Từ cuối tháng 4 đến nay, Đà Nẵng tích cực triển khai các khoản hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ. Khoảng 12.000 hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đã được tiếp cận khoản hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng.

Chị Vân, bán các loại mắm, ruốc tại khu vực chợ Chiều (thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, từ cuối tháng 3, chị đã hoàn thành tờ khai gửi lên UBND phường nhờ xem xét, giải quyết hỗ trợ. “Mới đây tôi đã đến phường nhận 3 triệu đồng hỗ trợ. Số tiền này tôi sẽ đầu tư mua thêm nguồn hàng cũng như trả một số phí kinh doanh trong chợ, giảm bớt gánh nặng nợ nần”, chị Vân nói.

Là địa phương có chợ Mai và chợ Chiều, phường Thọ Quang có hơn 100 hộ kinh doanh cá thể, chủ yếu là tiểu thương buôn bán tại 2 chợ nói trên và các hàng quán nằm dọc các tuyến đường Ngô Quyền, Trần Quang Khải... thuộc diện được hỗ trợ Covid-19. Bà Lê Thị Kim Thương, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết, từ tháng 3, UBND phường đã cung cấp tờ khai đến tổ trưởng tổ dân phố, yêu cầu phát đến từng hộ dân, đồng thời hướng dẫn người dân điền tờ khai theo mẫu của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

Bà Thương cho hay: “Phường Thọ Quang có 103 tổ dân phố, số lượng người trong diện hưởng trợ cấp khá lớn. Do đó, chúng tôi chú trọng vào việc hướng dẫn người dân điền thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ để nhanh chóng nhận các gói hỗ trợ của chính phủ, góp phần ổn định an sinh xã hội, duy trì việc buôn bán, kinh doanh trên địa bàn”.

Luật sư Nguyễn Văn Vĩnh Điền, Văn phòng Luật sư Đồng Thông (Đà Nẵng) cho biết, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và hướng dẫn tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015, hộ kinh doanh cá thể do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, sử dụng dưới 10 lao động; hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Theo luật sư Điền, ưu điểm của hộ kinh doanh cá thể nằm ở quy mô gọn nhẹ, chế độ chứng từ, sổ sách kế toán đơn giản, phù hợp với cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ; tuy nhiên kèm theo đó là những nhược điểm như không có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chủ hộ, tính chất hoạt động manh mún, nhỏ lẻ. Ở thời điểm hiện tại, không phải hộ kinh doanh cá thể nào cũng có đủ tính pháp lý để nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Do đó, các hộ kinh doanh cần nắm rõ luật để chủ động tiếp cận mức hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng.

Sau gần 3 tháng “cầm cự” trong dịch bệnh, nhiều hộ kinh doanh cá thể có hoạt động nhỏ lẻ rơi vào khủng hoảng, đặc biệt đối với những hộ đang hoạt động trên cơ sở vốn vay. Để chia sẻ một phần khó khăn này, bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho biết, từ đầu năm đến nay, các cấp hội phụ nữ đã tạo điều kiện cho khoảng 400 chị em vay vốn làm ăn, trong đó có rất nhiều chị em đang phát triển kinh tế theo mô hình hộ kinh doanh cá thể. “Trong lúc Covid-19 còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế của người dân, thông qua nguồn quỹ vay, các cấp hội sẽ tạo điều kiện tối đa cho chị em vay vốn, hỗ trợ lãi suất nhằm đồng hành cùng chị em vực dậy nền kinh tế gia đình”, bà Thắm chia sẻ.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.