1. Mới đây, trong buổi giao lưu cùng người hâm mộ, khi nhận được câu hỏi về dự định sinh em bé, một cặp vợ chồng ca sĩ chia sẻ cả hai thống nhất không sinh con mà sẽ sống với nhau như vậy đến già. Đến một thời điểm nào đó thấy cần có con thì cả hai sẽ tính tiếp. Ngay lập tức, nhiều người chỉ trích quyết định không sinh con của cặp ca sĩ là ích kỷ.
Không riêng vợ chồng ca sĩ ấy, nhiều đôi cũng đang “đau đầu” về chuyện sinh con - vấn đề tưởng riêng tư nhưng lại trở thành vấn đề cộng đồng. Giữa một xã hội trọng những giá trị gia đình như Việt Nam, con cái từ lâu đã trở thành thước đo hạnh phúc, không chỉ của cá nhân mà còn của gia đình. Khi không có con, dù bạn ổn hay không ổn, bạn đều sẽ trở thành một cá thể tận cùng bất hạnh trong mắt người khác. Lâu dần, dù nỗ lực đến đâu, ánh nhìn này vẫn ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc của những người không con. Từ đây, sức ép vô hình nặng nề đổ xuống - nhất là với phụ nữ, như quan niệm “cây độc không trái, gái độc không con”.
Tôi biết nhiều đôi sinh con vì gia đình thúc ép chứ không xuất phát từ nguyện vọng của những người sẽ sinh và nuôi dưỡng trẻ. Họ chưa chuẩn bị sẵn sàng cả về kinh tế lẫn tâm lý nên bước vào hành trình trở thành bố mẹ đầy lúng túng. Và có trường hợp rơi vào trầm cảm, phải điều trị tâm lý. Cũng có không ít đôi phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để chữa trị hiếm muộn với khát khao cháy bỏng - được đón chào một sinh linh nhỏ. Trên chặng đường gian nan ấy, họ không ít lần sượng sùng, chẳng biết trả lời như thế nào trước câu hỏi “Tại sao chưa đẻ?” của cả người quen lẫn người chỉ mới gặp. Tôi cũng biết vài cuộc hôn nhân đang đẹp bỗng tan vỡ chỉ vì chưa có con, mà sâu xa hơn là vì “tảng đá” dư luận.
2. Con cái là món quà quý giá. Nhưng nếu món quà đó đến muộn hoặc không dành tặng một ai đó, xin đừng tạo áp lực lên họ - những người đã quá đủ nỗi buồn và niềm thất vọng. Vài năm trước, clip “Món quà muộn của cha mẹ” nhanh chóng nhận được nhiều lượt yêu thích của cộng đồng mạng, đến nay vẫn được những người dùng facebook chia sẻ với thông điệp đầy yêu thương rằng, mỗi em bé là một món quà mà các bà tiên đã nhờ những chú cò mang đến cho cha mẹ. Nếu có chú cò nào đến muộn thì cha mẹ đừng bao giờ thôi hy vọng, bởi đôi khi phép màu cũng cần có thời gian. Và nếu có chú cò nào lạc đường, không thể mang món quà đến thì cũng chỉ là một nốt trầm buồn thoáng qua trong một bản nhạc đang ngân vang.
Đại văn hào Lev Tolstoy từng khẳng định: “Người ta chỉ hạnh phúc thật sự khi nhận được những gì họ cần có và họ có tất cả những gì cần cho họ”. Tựa như, hạnh phúc của một đứa trẻ đôi khi không phải là thành tích học tập cao như nhà trường hay cha mẹ kỳ vọng mà là khám phá điều yêu thích. Tựa như, hạnh phúc của cô bạn tôi không phải là “việc nhẹ, lương cao” như gia đình mong muốn mà là những chuyến lang thang mọi miền Tổ quốc. Tựa như, hạnh phúc của anh bạn tôi không phải có thật nhiều tiền mà là được sống đúng với giới tính của mình… Tựu trung hạnh phúc giản đơn là được tự chủ với lựa chọn của chính mỗi người.
3. Nhưng không phải ai cũng đủ dũng cảm để đấu tranh đến cùng cho hạnh phúc mà họ thật sự mong muốn. Thế nên, việc căng mình để gánh gồng dư luận hay chạy đua để đạt được thước đo hạnh phúc mà xã hội quy chuẩn vẫn tồn tại rất nhiều trong cuộc sống. Điều này khiến nhiều người cô đơn trong “vỏ bọc” hạnh phúc…
Xóa bỏ định kiến chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng nếu không thử, chắc chắn không bao giờ đạt được. Vậy nên, hãy cứ tin tưởng vào quyết định hay hạnh phúc bạn đã chọn lựa. Không ai có thể sống thay cuộc đời của bạn, nên cũng không ai có quyền đặt để giá trị hạnh phúc của họ lên bạn.
KHA MIÊN