Vừa rồi, gặp anh cán bộ giảm nghèo của quận nọ, nghe anh “than”: “Sắp tới, chúng tôi phải khảo sát lại hộ nghèo, dù chưa hết năm”. Hỏi vì sao, anh bảo: “Trước nay, Đà Nẵng luôn “đi trước” Trung ương. Ví dụ, ở giai đoạn trước, Trung ương quy định các hộ ở khu vực thành thị có thu nhập từ dưới 900.000 đồng/người/tháng thì thuộc hộ nghèo.
Thời điểm ấy, quy chuẩn xét vào hộ nghèo của Đà Nẵng là dưới 1,3 triệu đồng/người/tháng. Giai đoạn này, Trung ương nâng mức quy chuẩn lên 1,3 triệu đồng/người/tháng thì Đà Nẵng phải tăng lên nữa. Nếu tăng lên, các hộ vừa thoát nghèo sẽ tiếp tục vào lại hộ nghèo. Vòng luẩn quẩn cứ tiếp diễn như vậy. Có nhiều gia đình thuộc hộ nghèo cả mấy chục năm, từ khi đứa con của họ còn chưa biết nói đến khi nó ra trường đi làm. Cứ nâng chuẩn nghèo lên, họ rơi vào hộ nghèo”.
Chúng ta vẫn thường nói, hỗ trợ người nghèo là phải cho “cần câu” chứ không phải cho “xâu cá”. Ở những giai đoạn trước, trong công tác giảm nghèo, chính quyền địa phương thường trao sinh kế cho người nghèo. Chẳng hạn, người nghèo có nhu cầu xe nước mía, bàn ghế quán cà phê, mở quán ăn tại nhà, hay mở tạp hóa… thì được hỗ trợ. Giải pháp hỗ trợ sinh kế một thời đã đem lại hiệu quả nhưng rồi nảy sinh vấn đề. Có lần đi lên xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), tôi dừng ở quán nước mía ven đường. Ngồi một lúc lâu cũng chỉ có duy nhất người khách là tôi. Hỏi chuyện chủ quán mới hay, chị được địa phương hỗ trợ xe nước mía từ hơn một năm nay. Tưởng được trao “cần câu” sẽ có thêm đồng ra đồng vô, ai ngờ chỉ ngồi “đuổi ruồi” vì đường sá vắng vẻ. Cả ngày chỉ có vài ba chục cuốc xe đi ngang thì mấy người dừng lại? Gia đình chị từ ngày được trao sinh kế nghèo vẫn hoàn nghèo.
Hai năm trở lại đây, thành phố chuyển hướng hỗ trợ người nghèo, tức là không còn “cho không” mà hỗ trợ vay vốn không lãi suất. Trong rất nhiều cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện chủ trương về giảm nghèo, một trong những giải pháp hết sức quan trọng là công cụ tín dụng ngân hàng trực tiếp cho người nghèo. Qua nhiều đợt tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, cũng như qua các hội thảo, những báo cáo đánh giá đều khẳng định: Tín dụng ngân hàng là công cụ hiệu quả nhất, tác dụng thiết thực nhất đối với người nghèo và mục tiêu giảm nghèo bền vững. Có “cần câu” - nguồn vốn, người nghèo có thêm cơ hội sản xuất kinh doanh, có thêm thu nhập vượt qua nghèo đói. Và khi có nhiều vốn hơn sẽ có chăn nuôi, trồng trọt nhiều hơn, sản xuất kinh doanh nhiều hơn và sẽ bảo đảm không tái nghèo, hay nói cách khác là bảo đảm giảm nghèo bền vững hơn. Đặc biệt, với nguồn vốn vay - có trả, họ có trách nhiệm hơn khi quyết định sử dụng đồng tiền của mình.
Để hiện thực hóa chủ trương “Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, Đà Nẵng rất quan tâm việc chống tái nghèo. Giai đoạn 2019-2020, Đà Nẵng ban hành các chính sách hỗ trợ hộ thoát nghèo và nâng mức hỗ trợ một số chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Nghị quyết số 244/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019, như hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT); 100% học phí đối với trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông có cha mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật trực tiếp nuôi dưỡng và hỗ trợ hằng tháng mức 300.000 đồng - 500.000 đồng/người... thuộc hộ thoát nghèo trong vòng 2 năm kể từ thời điểm thoát nghèo. Đồng thời, thành phố nâng mức hỗ trợ từ 70% lên 90% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố; từ 50% lên 90% học phí đối với trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông có cha mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật trực tiếp nuôi dưỡng thuộc hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố.
Song, dù hỗ trợ bao nhiêu đi nữa, ý chí vươn lên, nội lực thoát nghèo của người nghèo vẫn là quan trọng nhất. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, có biện pháp mạnh đối với những hộ chây lỳ, ỷ lại vào các chính sách giảm nghèo của thành phố… nhằm chống việc tái nghèo trên địa bàn.
PHƯƠNG MAI