Sống chậm để cảm nhận rõ hơn

.

Sống chậm là tìm ra cho mình những điểm “nghỉ” để nạp năng lượng, cảm nhận rõ hơn, yêu thương nhiều hơn, từ đó sắp xếp thứ tự ưu tiên và nhận ra đâu là giá trị bất biến trong cuộc đời. Ngày nay, không ít bạn trẻ đã bắt đầu tìm đến trào lưu này như một giải pháp tích cực để khám phá bản thân và cân bằng tâm hồn mình trong dòng chảy cuộc sống đầy áp lực và căng thẳng.

Anh Trần Phước Hùng tìm niềm vui để cân bằng cuộc sống từ việc thưởng thức trà sen mỗi ngày.  Trong ảnh: Anh Trần Phước Hùng đang ướp trà từ hoa sen. Ảnh: Đ.H.L
Anh Trần Phước Hùng tìm niềm vui để cân bằng cuộc sống từ việc thưởng thức trà sen mỗi ngày. Trong ảnh: Anh Trần Phước Hùng đang ướp trà từ hoa sen. Ảnh: Đ.H.L

Tìm niềm vui từ những thứ tao nhã

Vào một buổi chiều cuối tuần, tôi được anh Trần Phước Hùng (trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) rủ về quê thưởng ngoạn cánh đồng sen đang mùa bung hoa và thưởng thức trà sen. Nhà anh Hùng nằm cách hồ sen phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) chưa đầy một cây số. Đây là nơi khá yên tĩnh nhờ người dân trồng rất nhiều sen hồng để giữ đất sau khi vùng đất này được đưa vào quy hoạch. Vào lúc trời chạng vạng, giữa cánh đồng mênh mông không quạnh, gió thổi lồng lộng càng làm cho không gian nơi đây khá lý tưởng để thư giãn.

Hai bên những hồ sen còn có nhiều ao nước ngọt, người dân nuôi cá để làm khu câu cá cho dân đi câu muốn đến đây thư giãn. Khi hoàng hôn bắt đầu tắt dần, phía bên kia đường cái rộng, nhìn về thành phố chen chúc nhau những tòa nhà cao tầng, nơi đây dường như được tách biệt bởi cảnh đồng thơm nồng hương sen, hương lúa. Nhiều dân câu vẫn chong đèn ngồi câu cá thâu đêm như một thú vui tao nhã cuối tuần.

Dù bận rộn với việc điều phối tình nguyện viên trong CLB Máu nóng “Hiểu và thương” và làm tư vấn bất động sản, anh Hùng vẫn dành thời gian cho riêng mình để thưởng thức trà giữa hồ sen tĩnh lặng, êm đềm khi màn đêm buông xuống sau một ngày làm việc căng thẳng. Có khi anh ra đây ngồi một mình, cũng có khi ngồi với người bạn tâm giao hoặc vài người trong CLB Máu nóng. Để có một tách trà thơm ngon, anh Hùng chọn cách ướp trà sen truyền thống như các cụ ngày xưa.

Đó là chèo thuyền ra đầm sen vào buổi chiều, chọn những bông sen vừa mới nở rồi bỏ trà vào và buộc túm các cánh hoa lại hoặc lấy lá sen bọc bên ngoài bông sen. Sau một đêm, trà sẽ hút hương sen, đến sáng sớm hôm sau, anh Hùng có thể hái mang về dùng. Để giải tỏa căng thẳng, anh thường mang theo một tách trà và vài chiếc ly nhỏ cùng chiếu ra hồ sen chọn cho mình một góc yên tĩnh để vừa hít thở không khí trong lành, vừa ngắm hoàng hôn buông hoặc ngắm mặt trăng lên lấp ló sau những búp sen hồng mới khoe nụ.

Chia sẻ về cách thưởng thức này, anh Hùng chia sẻ: “Ngồi xuống đây quên đi danh với lợi/ Nâng chén trà nghe hơi thở vào ra. Qua 2 câu thơ ấy đã nói lên ý nghĩa rõ hơn việc mình ngồi thưởng thức chén trà. Nó không chỉ có công năng nuôi dưỡng trị liệu chuyển hóa những khó khăn, những thao thức, những trăn trở trong chính người hành giả ngồi thưởng thức chén trà mà còn giúp mình trở về với chính mình, trở về chăm sóc chính mình. Mình có dịp nhìn sâu hơn vào nội tâm và đón nhận mọi thứ một cách nhẹ nhàng. Mình chấp nhận những yếu kém vụng về đang có và nuôi dưỡng những hạt giống tốt nảy nầm; những vụng về yếu kém của mình sẽ nằm yên đó, nó sẽ ít có cơ hội phát triển”.

Hướng bản thân vào hoạt động ý nghĩa

Cũng có công việc khá bận rộn như anh Hùng, anh Trương Minh Cường (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) luôn chịu áp lực về doanh số, chỉ tiêu hằng tuần, hằng tháng của công ty đặt ra. Để có những điểm “nghỉ” nạp năng lượng cho bản thân, anh Cường thường xuyên tham gia các hoạt động chạy bộ thiện nguyện trên mạng. Chỉ cần đăng ký chương trình trên trang web của đơn vị tổ chức, anh có thể theo đuổi mục tiêu thông qua việc tải phần mềm đo quãng đường chạy bộ của mình hằng ngày. Hoạt động này không chỉ giúp anh luyện tập sức khỏe vào những lúc rảnh mà còn mang lại những việc làm có ích cho cộng đồng như chạy bộ vì môi trường, vì trẻ em khuyết tật...

Chị Trần Thị Thanh Huyền (áo kẻ sọc ngang ngồi ở giữa) tham gia cùng các con trong một buổi học ngoại khóa ở công viên do chị tổ chức. Ảnh: Đ.H.L
Chị Trần Thị Thanh Huyền (áo kẻ sọc ngang ngồi ở giữa) tham gia cùng các con trong một buổi học ngoại khóa ở công viên do chị tổ chức. Ảnh: Đ.H.L

Cũng nhờ tham gia các hoạt động này, anh Cường có thêm những người bạn mới cùng chung sở thích để theo đuổi mục đích thông qua những chuyến dã ngoại chạy bộ leo núi quanh bán đảo Sơn Trà, chạy bộ quanh biển Mỹ Khê-Non Nước, chạy bộ quanh sông Hàn... Từ đó, giúp anh nạp thêm năng lượng cho cuộc sống, sống tích cực hơn và cảm nhận thời gian trôi qua có ý nghĩa với bản thân mình.

Trong khi đó, chị Trần Thị Thanh Huyền, sáng lập viên Trường mầm non Hoa Hướng Dương (Sunflower Steiner Kindergarten) lại dung hòa cuộc sống của mình bằng cách tổ chức các hoạt động ngoài trời cùng các con vào cuối tuần. Chị thường kết nối với những người bạn có cùng chung sở thích đi dã ngoại trên bán đảo Sơn Trà khi có thời gian rỗi.

Thay vì đi ô-tô hay xe máy, chị chọn cách đi bộ để giải phóng năng lượng bản thân cùng với con cái và bạn bè. Mặc dù con chị còn nhỏ nhưng chị vẫn khuyến khích và động viên con đi bộ hết một vòng bán đảo Sơn Trà để vượt qua thử thách chính mình.

Để chuẩn bị cho một buổi dã ngoại như vậy, chị phải chuẩn bị đầy đủ thức ăn và thức uống đầy đủ cho mọi người, đặc biệt là cho các con. Chị là người đầu tiên sáng lập ra việc dạy học theo phương pháp Steiner tại Đà Nẵng (tức là dạy học bởi sự kết hợp giữa các nội dung nghệ thuật, kiến thức song song với thực hành, tập trung vào các kỹ năng xã hội và các giá trị tinh thần cho trẻ) nên chị luôn khuyến khích con hòa mình vào môi trường thiên nhiên. Muốn làm được điều này, trước hết chị phải là người hướng mình vào các hoạt động tự nhiên.

Qua những cuộc dã ngoại như thế này, chị Huyền cũng muốn lan tỏa đến mọi người những giá trị sống mang tính nhân văn và giúp các con phát triển một cách tự nhiên. Chị Huyền chia sẻ: “Dù con mình chỉ mới 7 tuổi, nhưng mình đã động viên con dùng ý chí để vượt qua quãng đường dài quanh bán đảo Sơn Trà bằng việc đi bộ.

Chuyến đi tuy kéo dài cả ngày (từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều) nhưng đó là lúc mình hiểu và đánh giá đúng năng lực của con; từ đó nuôi dưỡng sự tự tin vào bản thân của con và giúp con hiểu được giá trị của bản thân. Qua những hoạt động dã ngoại này, mình có thời gian để quan tâm đến con cái, gia đình và bản thân hơn. Nhờ đó mà nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống”.

Đúng vậy, sống chậm không có nghĩa là chúng ta trì hoãn mọi thứ, làm cho công việc trì trễ và bản thân trở nên chậm chạp, ù lỳ. Mà sống chậm có nghĩa là bạn tìm ra cho mình những điểm “nghỉ” thích hợp để có những giây phút thư giãn, nhìn nhận giá trị bản thân, từ đó nạp thêm năng lượng cho chính mình và yêu thương nhiều hơn.

Và tôi cũng tâm đắc với câu nói của anh Trần Phước Hùng khi chia sẻ về việc chọn cách thưởng trà ở hồ sen của mình rằng: “Uống trà là cơ hội để mình thưởng thức cuộc sống và cảm nhận những gì đang diễn ra trong ta và chung quanh ta. Nó giúp mình bình quân tâm ý và đưa tới cái quyết định tự nhiên là ta nên làm gì và không nên làm gì. Chính những điều ấy đưa nội tâm mình mỗi ngày được nuôi dưỡng vững chãi thảnh thơi, tháo gỡ những bài toán khó khăn áp lực hằng ngày”.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.