Một dòng phim riêng về Hà Nội

.

Nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan từng khẳng định: “Luôn có một dòng phim gồm nhiều bộ phim hay gắn với thủ đô Hà Nội. Có lẽ bởi thành phố nghìn năm văn hiến mang trong mình những giá trị văn hóa sâu sắc, có sức truyền cảm xúc và nuôi nấng, lưu giữ tình cảm lâu bền…”. Thế nhưng, những bộ phim truyền hình hiện nay chưa thỏa mãn được khát khao của công chúng...

Người Hà Nội - bộ phim xoay quanh cuộc sống đời thường của những người lính trở về sau chiến tranh. Ảnh: ANH TUẤN (chụp lại từ màn hình)
Người Hà Nội - bộ phim xoay quanh cuộc sống đời thường của những người lính trở về sau chiến tranh. Ảnh: ANH TUẤN (chụp lại từ màn hình)

Những bộ phim một thời vang bóng

 Hiếm có thành phố nào có nhiều bộ phim như Hà Nội. Một phần cũng bởi người Hà Nội rất yêu điện ảnh và thích ghi lại đời sống của mình qua những thước phim. Theo tư liệu của Hội Điện ảnh Hà Nội, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, điện ảnh xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam tại Hà Nội. Và các rạp chiếu bóng ra đời ở Việt Nam từ năm 1910 cùng với việc thành lập hãng phim và Cinema Đông Dương (Indochine Film et Cinéma).

Theo hồi ký Nhớ và ghi của nhà văn Nguyễn Công Hoan, rạp chiếu bóng đầu tiên ở Hà Nội là rạp Tonkinois ở Hàng Quạt, rồi Pathé Frères gần đền Bà Triệu. Người Hà Nội lúc đầu còn bỡ ngỡ trước loại hình nghệ thuật này, nhưng rồi dần quen thuộc và đam mê, không những xem mà còn tham gia đóng phim và làm phim. Trong số những văn nghệ sĩ đam mê đóng phim, làm phim trong buổi khởi đầu ấy có nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân.

Sau năm 1954, Hà Nội trở thành trung tâm hoạt động điện ảnh sôi động của cả nước, một dòng phim về Hà Nội được hình thành. Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến rất nhiều bộ phim tài liệu đã tạo những xúc cảm mạnh mẽ trong sâu thẳm trái tim người Hà Nội, động viên tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân, dân thủ đô cũng như đồng bào cả nước, trở thành những mẫu mực trong cách làm phim như: Hà Nội bản hùng ca, Hà Nội năm ngày đọ sức, Hà Nội niềm tin, Phố Khâm Thiên, Những ngày đêm không thể nào quên, Vĩnh biệt khách không mời…

Nhưng khiến người xem, thế hệ này qua thế hệ khác phải ghi nhớ có lẽ là những thước phim điện ảnh đầy xúc động như: Em bé Hà Nội, Bài ca ra trận, Chuyện cổ tích cho tuổi 17, Hà Nội mùa đông năm 1946, Chiếc chìa khóa vàng, Hà Nội 12 ngày đêm, Đừng đốt, Mùi cỏ cháy…; các phim về thời hậu chiến như Những người đã gặp, Hà Nội mùa chim làm tổ, Hy vọng cuối cùng, Anh và em, Ngọn đèn trong mơ, Mùa ổi…; phim lịch sử như Đêm hội Long Trì, Khát vọng Thăng Long, Long Thành cầm giả ca…

Thấy mình trong mỗi thước phim

Nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan kể: “Tôi thuộc thế hệ Em bé Hà Nội. Gia đình tôi ở làng Đại Yên (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình), xung quanh người dân trồng hoa và cây thuốc nam. Vì vậy, cuộc sống tuổi thơ của tôi thật êm đềm, không có cái náo nhiệt của phố phường. Tôi học Trường cấp I Ngọc Hà, ngay cổng trường là hồ nước có xác máy bay B52 bị bắn rơi, đã thành di tích lịch sử.

Vì vậy, tôi vẫn xúc động mỗi khi xem lại phim Em bé Hà Nội”. Có lẽ không chỉ những người từng trải, mà cả khán giả hôm nay cũng dễ dàng đồng cảm với câu chuyện của những trí thức Hà Nội trước tiếng gọi của thời đại trong phim Tiền tuyến gọi, hay câu chuyện người Hà Nội lên đường tản cư, những thanh niên kiên trung ở lại cùng thủ đô quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh trong tác phẩm điện ảnh Hà Nội mùa đông năm 1946.

Không thể cầm được nước mắt trước câu chuyện của cô bé Ngọc Hà lạc gia đình sau một đêm thành phố bị bom B52 tàn phá trong Em bé Hà Nội, hay vỡ òa cùng cảm xúc chiến thắng của những người lính trong Hà Nội 12 ngày đêm… Những bộ phim như vậy đã viết nên bản anh hùng ca về người Hà Nội. Đây cũng là cảm hứng chủ đạo về người Hà Nội được ghi nhận qua nghệ thuật thứ 7.

Bên cạnh đó là những bộ phim về người Hà Nội trong đời sống bình thường, khi hòa bình đã lập lại, họ cũng có những trăn trở, lo toan trước thời cuộc, cũng bị chống chếnh giữa các giá trị cũ - mới, chịu những dằn vặt do đổ vỡ niềm tin, đổ vỡ hạnh phúc gia đình như trong Mùa ổi, Hà Nội mùa chim làm tổ, Tết này ai đến xông nhà… Ở mảng đề tài này, phim truyền hình có thế mạnh đặc biệt. Nhiều bộ phim như Người Hà Nội, Mùa lá rụng, Ngõ hẹp, Hy vọng cuối cùng, Chuyện phố phường, hay mới đây là Chiều ngang qua phố cũ… đã nhận được sự đồng cảm, yêu thích của người xem bởi đề cập chân thực đời sống của người Hà Nội hôm nay.

Sự thay đổi không ngừng của Hà Nội có tác động mạnh mẽ đối với hoạt động sáng tạo, đồng thời đặt ra nhiều thách thức hơn cho nghệ thuật thứ bảy. Người Hà Nội hôm nay cũng cần lắm những thước phim về đời sống của họ. Sự phát triển công nghệ mang đến cho các nhà làm phim cơ hội kiến tạo những câu chuyện gần như không có giới hạn về sự sáng tạo. Thế nhưng, điện ảnh Hà Nội hôm nay không còn sôi động như quá khứ. Điều này sẽ tạo ra một khoảng lặng trong lịch sử điện ảnh nói riêng và trong dòng chảy văn hóa nghệ thuật nói chung.

ANH TUẤN

 

;
;
.
.
.
.
.