Thương lắm, chiếc áo blouse

.

1. Kể từ khi thực hiện phong tỏa 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng, trong những cuộc trao đổi ngắn với gia đình, anh họ của tôi - bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng - vẫn giữ thái độ vui vẻ, lạc quan. Những lời động viên tinh thần lẽ ra nên là hậu phương gửi gắm tiền tuyến thì bao giờ cũng diễn ra ở chiều ngược lại.

Minh họa: Trang Vũ
Minh họa: Trang Vũ

Không riêng anh, bất cứ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế nào cũng đều tỏa sáng tinh thần xung kích dù đang tham gia chống dịch, vào vùng dịch, tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm, điều trị bệnh nhân Covid-19. Họ gác lại nỗi nhớ gia đình, tạm quên những giấc ngủ an yên để bước vào trận chiến lớn, xông pha mạnh mẽ nơi tuyến đầu. Họ tình nguyện từ bỏ mái tóc dài thướt tha để phù hợp với đồ bảo hộ, thuận tiện cho công tác chống dịch cường độ cao, áp lực lớn. Họ làm việc hết công suất và sẵn sàng gánh vác không chỉ công việc chuyên môn mà tất cả việc có thể làm để bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc men, vật tư y tế đến bệnh nhân.

2. Cũng chính vì thế, những ngày này, không chỉ tìm hiểu thông tin về tình hình Covid-19, người người, nhà nhà còn đặc biệt quan tâm những “thiên thần áo trắng” với sự cảm kích và trân trọng từ đáy lòng. Và càng xem, càng thương; càng đọc, càng yêu. Bởi lẽ, trong những khuôn hình, bao giờ cũng là nụ cười vui tươi. Thật lạ, khi mà ngắm nhìn niềm vui, chúng ta lại chảy nước mắt!

Tờ mờ sáng, nếu không trong ca trực và điều trị bệnh, họ tăng cường tập thể dục để nâng cao sức khỏe, chuẩn bị cho chặng đường phía trước còn dài và nhiều gian lao. Tranh thủ giờ ngủ trưa hay giờ ăn, đêm khuya, họ đăng tải những bài viết chia sẻ với nội dung, thông điệp tích cực lên mạng xã hội Facebook. Lúc giải lao, họ đàn ca giải tỏa căng thẳng. Sau ca trực khuya mệt nhoài, họ trao gửi những khoảnh khắc đùa vui hóm hỉnh. Không điều gì có thể ngăn cản sự kiên cường của những người chiến sĩ áo trắng.

Chẳng những động viên nhau, cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu còn khích lệ ngược tinh thần những người bên ngoài rào chắn. Từ Bệnh viện C, ca khúc Đà Nẵng ngày bão giông (cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển, giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh sáng tác) vang lên ngập tràn sự cảm kích: “Bỗng một ngày Đà Nẵng có bão giông/ Mấy chục triệu trái tim nghiêng về nơi ấy/ Chợ Rẫy, Bạch Mai, bay vào không ngần ngại/ Cả nước một lòng chắc bão sẽ mau tan”. Từ Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đà Nẵng, giai điệu bài hát Vững tin Việt Nam (bác sĩ Hồ Văn Phước cùng bác sĩ Huỳnh Hữu Năm sáng tác) ngân vang hào khí: “Người lau chùi, người phun thuốc khắp nơi, tâm thế luôn sẵn sàng/ Cùng đồng lòng quyết chung tay đẩy lùi Covid/ Y tế Việt Nam quyết chung tay bảo vệ nhân dân”.

Cứ thế, lời ca, tiếng hát mang theo niềm vui, niềm tin, bay cao và lan xa từ bên trong tâm dịch đến mọi nhà, mọi người. Thương lắm chiếc áo blouse, dù mướt mồ hôi phía sau lớp đồ bảo hộ vẫn luôn nở nụ cười tươi, dành hết tấm lòng vì sức khỏe cộng đồng!

3. Có hôm, trên một thùng hàng chờ mang vào tiền tuyến, có lời đề gửi từ người vợ đến người chồng là bác sĩ khiến không ít người xúc động: “Cả nhà thương ba N.”. Chỉ vỏn vẹn vài chữ nhưng biết bao thân thương. Đà Nẵng những ngày xảy ra Covid-19, đâu đâu cũng mênh mang nghĩa tình. Như những dòng chữ mà nhiều người động viên bình luận để động viên hậu phương: “Cả Đà Nẵng thương ba N., thương luôn hậu phương của ba N.”. Như những thùng hàng ủng hộ đội ngũ y, bác sĩ từ mọi miền Tổ quốc ùn ùn gửi về. Như những bức tranh vẽ hình ảnh chiếc áo blouse trong lúc làm nhiệm vụ đầy cảm xúc… Thế mới thấy, tình cảm dành cho cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế lớn lao biết nhường nào.

KHA MIÊN

;
;
.
.
.
.
.