Trao yêu thương giữa mùa dịch

Tình người hào sảng

.

Nếu bên trong cánh cổng bệnh viện là hàng ngàn y, bác sĩ đang chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân, thì bên ngoài là cả cộng đồng hướng về, tiếp sức bằng những phần cơm nóng hổi, những ly nước thơm ngon giàu dinh dưỡng, những chuyến xe xuyên đêm tiếp hàng cứu trợ, là anh tài xế bật dậy giữa đêm khuya khi có sản phụ cần chở đến bệnh viện sinh nở. Mỗi người, bằng khả năng của mình, đã làm nên một Đà Nẵng ngọt ngào, một thành phố đong đầy yêu thương và tình người hào sảng.

Các y, bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vòng tay hình trái tim từ tầng 2 thay lời cảm ơn các thành viên CLB Bạn thương nhau. Ảnh: B.N
Các y, bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vòng tay hình trái tim từ tầng 2 thay lời cảm ơn các thành viên CLB Bạn thương nhau. Ảnh: B.N

Những chuyến xe miễn phí

“Anh ơi, em đau bụng sắp sinh, anh chở giúp em tới bệnh viện được không, nhà em ở tuyến đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà”, “Em đọc địa chỉ đi, anh tới ngay”. Kết thúc cuộc gọi, anh Ngô Hoàng Phong (SN 1987, trú Sơn Trà) lập tức đeo khẩu trang, găng tay và ra xe hướng về địa chỉ người phụ nữ vừa đọc. Trên đường đi, anh Phong hình dung lát nữa sẽ đi đường nào để đến bệnh viện nhanh nhất, “êm” nhất, vừa tiết kiệm thời gian, vừa để người sắp sinh đỡ đau đớn. Chưa đầy 10 phút, anh Phong có mặt trước cổng, mở cửa để người thân dìu người phụ nữ vào xe, còn mình cầm mấy túi xách bỏ vào phần cốp. Chiếc xe lao vút đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Chuyến xe của anh Phong hoàn toàn miễn phí. Anh là một trong gần 100 tài xế taxi công nghệ tình nguyện tham gia nhóm hỗ trợ thai phụ đi sinh miễn phí ở Đà Nẵng. Từ đầu tháng 8 đến nay, nhóm đã chở hơn 70 sản phụ đến phòng sinh an toàn, mẹ tròn con vuông. Các tài xế có mặt rải rác khắp 7 quận, huyện tại Đà Nẵng và vùng giáp ranh Quảng Nam; hàng chục số điện thoại, tên tài xế được cung cấp theo khu vực, địa bàn sinh sống và chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội để mỗi gia đình có sản phụ gần sinh nở nắm thông tin và liên hệ khi cần.

Ý tưởng chở bà bầu đi sinh miễn phí xuất phát từ anh Trần Ngọc Vũ (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Anh Vũ kể, khi Covid-19 bùng phát trở lại, anh rơi vào cảnh thất nghiệp nhưng không muốn thời gian trôi vô ích. Những ngày đầu, anh nhận chở hàng tiếp tế đến một số bệnh viện. Một lần vào mạng, anh thấy có một số chị chia sẻ băn khoăn, lo lắng gần tới ngày sinh nhưng không biết sẽ di chuyển đến bệnh viện bằng cách nào khi hệ thống xe cấp cứu 115 quá tải, các hãng taxi đồng loạt nghỉ theo quy định, đi xe máy thì không yên tâm. Anh nghĩ mình có thể hỗ trợ những người này nên kết nối, chia sẻ thông điệp và nhận được sự ủng hộ của nhiều tài xế công nghệ. Chỉ trong 3 ngày, danh sách tài xế lên đến hàng chục người, phân chia theo khu vực, bảo đảm mỗi thai phụ đều được hỗ trợ tốt nhất, nhanh nhất. Không chỉ đưa sản phụ đi sinh, mà các tài xế còn không quên dặn người nhà lúc nào xuất viện cứ gọi điện sẽ đến đón về.

Với CLB xe bán tải Đà Nẵng, được cấp phép di chuyển vào các khu vực trọng điểm phục vụ việc phòng, chống Covid-19, hơn nửa tháng nay, các thành viên CLB không quản nắng, mưa hay đêm muộn, hỗ trợ trung chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm đến các địa chỉ tuyến đầu, các điểm cách ly trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam. Anh Nguyễn Sơn, thành viên Ban điều hành cho biết, CLB hiện có hơn 200 xe, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Đi vào những nơi có nguy cơ cao, các thành viên đều trang bị đồ bảo hộ bởi bảo vệ mình chính là bảo vệ cho mọi người. Khi gặp người cần hỗ trợ, các anh luôn giữ khoảng cách an toàn. Hầu hết các thành viên đều chủ động cách ly tại văn phòng CLB, tự nấu ăn hoặc nhờ người nhà mang cơm đến.

Anh Lê Nguyễn Quốc Việt (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết, vài ngày trước, anh có hàng cứu trợ cần chuyển đi huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) nhưng “xe nhà” không chở hết. Biết có đội hình xe bán tải chuyên chở hàng miễn phí, anh đã liên hệ. Thế là đến giờ chuẩn bị lên đường, một chiếc xe bán tải đỗ trước nhà, người cầm lái mặc đồ bảo hộ bước xuống, rồi cùng anh Việt hì hụi chất hàng lên xe. Xe bán tải chạy trước, xe anh Việt chạy sau, thẳng tiến về Quế Sơn và chia tay nhau sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Anh Việt chia sẻ: “Cả hành trình mình và người bạn hỗ trợ không biết tên, cũng không có nhiều thời gian để nói chuyện nhưng đến tối thì bạn ấy gọi điện hỏi thăm vợ chồng mình đã ra đến Đà Nẵng chưa, thật sự rất cảm động và biết ơn”.

Yêu thương dành trọn “tuyến đầu”

Những ngày qua, hình ảnh các y, bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vòng tay hình trái tim từ tầng 2 thay lời cảm ơn các thành viên CLB Bạn thương nhau được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người xúc động. Chưa bao giờ khoảng cách giữa đội ngũ y tế và người dân lại gần gũi đến thế. Anh Nguyễn Bình Nam, Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau chia sẻ: “Vì cách ly nên anh em chúng tôi đành đứng dưới sân để trao tặng đồ bảo hộ cho Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Các y, bác sĩ trong vòng cách ly và anh em cùng làm những hình trái tim trao gửi cho nhau. Cách ly nhưng không cách lòng, chúc mọi người bình an và vững vàng vượt qua giông tố”.

Khi Bệnh viện C thực hiện phong tỏa, nhiều người dân Đà Nẵng đã mang những tấm nệm đến để gửi tặng các y, bác sĩ. Ảnh: TẤN LỰC
Khi Bệnh viện C thực hiện phong tỏa, nhiều người dân Đà Nẵng đã mang những tấm nệm đến để gửi tặng các y, bác sĩ. Ảnh: TẤN LỰC

Khi Đà Nẵng bước vào giãn cách xã hội do Covid-19, CLB Bạn thương nhau đã vận động, quyên góp gần 500 triệu đồng mua khẩu trang y tế, đồ bảo hộ, nước sát khuẩn cung cấp cho các cơ sở y tế, điểm cách ly tập trung. Không những thế, quà của CLB Bạn thương nhau còn có mặt tại các “điểm nóng” Covid-19 tại tỉnh Quảng Nam.

Cũng thời gian qua, bằng nhiều cách làm riêng của mình, nhiều nghệ sĩ trong cả nước đã góp sức chung tay cùng Đà Nẵng phòng chống và đẩy lùi Covid-19. Với ca sĩ Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng, khi Đà Nẵng bắt đầu thực hiện trở lại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 (Chỉ thị 16), anh mua 100 bộ đồ bảo hộ để gửi đến các y, bác sĩ tại Đà Nẵng.

Những chia sẻ của Quang Hào trên mạng xã hội nhận được sự ủng hộ từ đồng nghiệp, bạn bè và cả người hâm mộ. Nhiều nghệ sĩ như: NSND Tự Long, Lê Anh Dũng, Thái Thùy Linh, Vũ Hoàng... chung tay với Quang Hào để “tiếp sức” cho lực lượng ở tuyến đầu với hàng ngàn bộ đồ bảo hộ y tế, khẩu trang, mũ chống giọt bắn... Quang Hào tự lái xe chở quà đến từng bệnh viện, từng điểm chốt chặn trên địa bàn Đà Nẵng.

Có lúc mệt quá vì phải di chuyển liên tục, anh muốn nghỉ ngơi tại nhà 2 ngày, nhưng rồi nghĩ đến các y, bác sĩ ở tuyến đầu đang đối mặt với biết bao áp lực, khó khăn thì anh lại tiếp tục hành trình trao gửi yêu thương. Anh đến các huyện và các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để gửi tặng đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế... “Đà Nẵng và Quảng Nam đều là quê hương của tôi. Trong lúc xảy ra Covid-19, nghệ sĩ cũng là chiến sĩ nên không thể đứng ngoài cuộc”, Quang Hào chia sẻ.

Những thùng carton đựng đồ bảo hộ, khẩu trang N95 được gửi đến các bệnh viện có những dòng chữ: “Phía sau các bạn luôn có chúng tôi”, “Chung tay bảo vệ bác sĩ tuyến đầu chống dịch”, dường như tiếp thêm sức mạnh cho các y, bác sĩ. Trong những ngày này, Đà Nẵng tiếp tục thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16, những chuyến hàng từ thiện từ khắp nơi vẫn đổ về thành phố, bởi khi nào số ca nhiễm mới chưa dừng lại, khi nào còn bệnh nhân Covid-19 thì bao yêu thương của “hậu phương” vẫn dành trọn cho “tiền tuyến”.

Những ngày qua, để “làm sạch” Bệnh viện Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng bố trí 2 khách sạn 3-4 sao cho gần 300 bệnh nhân và người nhà, đồng thời lo chuyện ăn ở, sinh hoạt. Đội vận chuyển gồm 11 xe (loại 30 chỗ và 45 chỗ), hằng ngày chia 3 ca đón các bệnh nhân từ khách sạn đến bệnh viện để chạy thận và ngược lại. Mỗi xe chở từ 4-6 người, cố định nhóm bệnh nhân để bảo đảm giãn cách xã hội, tránh tối đa việc lây nhiễm chéo. Sau mỗi chuyến đi, toàn bộ chiếc xe được khử trùng.

Ông Nguyễn Văn Duy, Phó phòng Văn hóa - Xã hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng nhận nhiệm vụ điều phối hoạt động này, chia sẻ: “Nửa tháng nay, nhóm thực hiện công tác chưa từng gặp mặt nhau, nhưng tình thân như anh em, cùng nhau chịu thương chịu khó phục vụ bệnh nhân chạy thận. Suốt 10 đêm đầu, anh chị em không ai ngủ trước 0 giờ, gần đây thì đỡ hơn vì hoạt động đã vào nền nếp, xe và người được tăng cường. Trong cuộc chiến này, không ai than vãn, ngược lại còn lạc quan, vui vẻ và động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ”.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.