Với nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, ngành văn hóa Đà Nẵng đã và đang từng bước quảng bá, đưa nghệ thuật truyền thống vào đời sống, trở thành món ăn tinh thần của cộng đồng.
Trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” trong chương trình “Hồn Việt” của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. (Ảnh do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cung cấp) |
Sức sống bền bỉ của tuồng
Theo tư liệu của Cục Di sản Văn hóa, tuồng xứ Quảng có thể đã xuất hiện và phát triển từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18. Từ đầu thế kỷ 19, những cứ liệu lịch sử về sự phát triển của nghệ thuật tuồng ở Đà Nẵng đã khá rõ ràng, mở đầu là sự ra đời và hoạt động của hai gánh hát thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay: gánh hát Đức Giáo (nay thuộc xã Quế Châu, huyện Quế Sơn) và gánh hát Khánh Thọ (nay thuộc thành phố Tam Kỳ).
Đây là thời kỳ hoạt động tuồng sân, nghĩa là người nghệ sĩ không diễn cố định ở một địa điểm mà lưu diễn khắp nơi, từ sân đình, sân nhà đến bãi làng. Từ hai gánh hát này, nghệ thuật tuồng phát triển rộng ra các vùng khác ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Hiện nay, Đà Nẵng có một nhà hát tuồng chuyên nghiệp (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), và các đoàn hát, nhóm hát tuồng với khoảng gần 50 nghệ nhân, nghệ sĩ (Đoàn hát sông Thu, các nghệ nhân thuộc các quận, huyện).
Ngày 8-6-2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Song, tuồng gặp khó khăn trong cách tiếp cận công chúng. Để giữ gìn tinh hoa của bộ môn nghệ thuật này, Sở Văn hóa và Thể thao cùng Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tiếp tục đẩy mạnh việc đưa tuồng xuống phố với những buổi giới thiệu, biểu diễn tuồng tại bờ đông cầu Sông Hàn vào các tối Chủ nhật, cùng với chương trình “Đưa nghệ thuật tuồng vào học đường”; từ năm 2019 phối hợp với các công ty du lịch, đơn vị lữ hành tổ chức và duy trì chương trình “Hồn Việt” tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vào hầu hết các ngày trong tuần.
Thế nhưng, trong năm 2020, khi Covid-19 xảy ra, chương trình “Hồn Việt” bị gián đoạn cao điểm vào các tháng 4, 8 và 9. Đời sống của các nghệ sĩ, cán bộ, nhân viên của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh gặp nhiều khó khăn nhưng ai cũng mong mỏi sân khấu sáng đèn trở lại. “Hồn Việt là tâm huyết của chúng tôi.
Khi chương trình được chính thức bắt đầu từ tháng 7-2019, chúng tôi rất kỳ vọng trong việc vừa góp phần thu hút khách du lịch, vừa gìn giữ nghệ thuật tuồng”, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nói. NSƯT Nguyễn Thị Thanh Tiền, một trong những nghệ sĩ đảm nhận vai diễn Nguyệt Cô trong trích đoạn tuồng Nguyệt Cô hóa cáo, một phần trong chương trình “Hồn Việt” chia sẻ: “Để có hình ảnh Nguyệt Cô với nhiều cung bậc cảm xúc trên sân khấu, tôi đã phải khổ công luyện tập rất nhiều. Hạnh phúc lớn nhất của những người nghệ sĩ là được biểu diễn cho khán giả xem và được khán giả đón nhận”.
Đối với chương trình “Đưa nghệ thuật tuồng vào học đường”, các em học sinh Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) đến nay vẫn vẹn nguyên cảm xúc về buổi lễ chào cờ đặc biệt vào cuối năm 2019, khi được nghe giới thiệu về tuồng và xem trích đoạn tuồng Trưng Vương đề cờ. Em Nguyễn Thư Kỳ (lớp 9) chia sẻ: “Buổi chào cờ hôm ấy là lần đầu tiên em tiếp xúc nghệ thuật tuồng. Chúng em được giới thiệu đôi nét về lịch sử của nghệ thuật tuồng xứ Quảng và xem các cô, chú nghệ sĩ biểu diễn. Từng câu thoại, động tác của các cô, chú nghệ sĩ có sức hút rất lớn, khiến em không thể rời mắt khỏi sân khấu”.
Ông Trần Ngọc Tuấn cho hay, hằng năm, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đến khoảng 30 trường trên địa bàn Đà Nẵng để giới thiệu với học sinh về nghệ thuật tuồng. Nói về việc bảo tồn nghệ thuật tuồng, ông Tuấn nhấn mạnh: “Sách về nghệ thuật tuồng ít. Người am hiểu về tuồng không nhiều. Vì vậy, theo tôi, bảo tồn nghệ thuật tuồng nói chung cũng như nghệ thuật tuồng xứ Quảng nói riêng là bảo vệ người làm tuồng”.
Lan tỏa giá trị nghệ thuật bài chòi
Cùng với nghệ thuật tuồng, nghệ thuật bài chòi cũng là một trong những loại hình nghệ thuật đặc sắc, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ tháng 12-2017. Ngành văn hóa Đà Nẵng đang triển khai từng bước để quảng bá, đưa bài chòi vào đời sống và là món ăn tinh thần của cộng đồng. Có thể kể đến chương trình “Đưa dân ca vào trường học” do ngành văn hóa và ngành giáo dục của thành phố phối hợp thực hiện.
Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông tin, từ hè 2018, ngành giáo dục thành phố tiếp tục đẩy mạnh đưa dân ca nói chung và nghệ thuật bài chòi nói riêng vào các trường học. Sở GD&ĐT đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên phụ trách âm nhạc ở các trường, tổ chức liên hoan “Chúng em hát dân ca và hô hát bài chòi” dành cho học sinh tiểu học và THCS.
Bà Trần Thị Loan, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ngũ Hành Sơn cho hay, theo chỉ đạo của UBND quận Ngũ Hành Sơn, từ tháng 5-2018, chương trình hát bài chòi được triển khai cho học sinh tại 4 trường THCS trên địa bàn quận và các thầy, cô là giáo viên âm nhạc tại các trường tiểu học,
THCS với mục tiêu tất cả các trường tiểu học, THCS đều có câu lạc bộ (CLB) hát bài chòi. Học sinh cùng giáo viên âm nhạc được học về các làn điệu dân ca, Bài chòi Khu 5, các điệu lý, điệu hò… do Nghệ nhân ưu tú, đạo diễn Trịnh Công Sơn cùng các nghệ sĩ của Hội Nghệ sĩ thành phố biên soạn và trực tiếp dạy.
Em Nguyễn Trần Thanh Tâm (lớp 9/5, Trường THCS Lê Lợi, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ: “Em biết đến nghệ thuật bài chòi trong một lần đi chơi ở phố cổ Hội An và cảm thấy yêu thích loại hình nghệ thuật này. Vì vậy, khi nhà trường mở CLB hát bài chòi, em liền đăng ký tham gia. Với em, học hát bài chòi khó ở chỗ nhịp phách, tiết tấu”.
Cô Trần Thị Thu Thủy, giáo viên âm nhạc Trường THCS Lê Lợi, Chủ nhiệm CLB hát Bài chòi của nhà trường chia sẻ, CLB hát Bài chòi của trường được thành lập vào tháng 10-2019, với các học sinh có năng khiếu âm nhạc ở các khối 6, 7, 8 được lựa chọn tham gia. Từ tháng 3-2020 đến nay, do ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động của CLB tạm dừng. “Nghệ thuật bài chòi không dễ dàng tiếp cận. Các em học sinh thì có em chưa bao giờ biết đến bài chòi, có em chỉ mới nghe qua, chưa hiểu gì về bài chòi.
Tuy nhiên, sau khi được học và nắm được những kiến thức cơ bản về bài chòi, các em đều thể hiện sự yêu thích”, cô Trần Thị Thu Thủy chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Lệ, Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Yên (huyện Hòa Vang): Thu hút khán giả trẻ đến với bài chòi Với những khán giả là những người thuộc quần chúng lao động và ngư dân, bài chòi là món ăn tinh thần, họ càng chơi càng cảm thấy cuốn hút. Cũng có những khán giả trẻ say mê bài chòi không khác gì người lớn tuổi. Bài chòi là nghệ thuật truyền thống nhưng có sức hút hơn những loại hình nghệ thuật khác vì có sự hài hước trong từng câu hô thai, có sự tương tác với người chơi. Bên cạnh đó, người chơi còn được thử vận may. Theo tôi, để khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ thêm hiểu, yêu nghệ thuật bài chòi, cần khai thác triệt để hình thức biểu diễn dí dỏm, hài hước; kết hợp sưu tầm, biên soạn thêm nhiều câu hô thai mới; giữa các hội chơi cần kết hợp biểu diễn ca nhạc, tấu hài để vừa không mất thời gian chờ đợi, vừa tạo không khí vui tươi. |
MAI HIỀN