Không hiểu sao, những ngày này, khi tiếng trống múa lân cắc tùng tùng đâu đó vang lên trên từng con hẻm nhỏ của phố phường, ký ức xưa lại ùa về trong tôi như một thước phim quay chậm.
Minh họa: ANH THƯ |
Tôi nhớ đến đêm trăng quê, những bữa tập múa lân của bọn con trai và xúm xít reo hò của bọn con gái, nhớ quay quắt từng thanh âm của đêm, và chiếc đèn ông sao tươi màu được thắp sáng từ mấy cây đèn sáp. Nhưng lúc đó làm gì có tiền mua đèn sáp, chỉ đi quanh nhà lượm lặt mấy đầu sáp còn sót lại sau những bữa cúp điện. Những đêm rằm Trung thu lung linh trong ánh trăng rằm, trong ánh nến của ngọn đèn ông sao. Như thể, chưa bao giờ tôi thấy điều gì lung linh đẹp đến vậy. Như thể, tôi đã say sưa chìm đắm vào ánh sáng huyền diệu kia đến mê mệt.
Quân là thủ lĩnh của nhóm, vậy nên nhóm Xuyên An việc gì cũng hỏi ý kiến Quân. Từ chuyện con lân được làm bằng mấy thanh tre vót có kích cỡ bao nhiêu, từ mấy tờ báo cũ sau quá trình thu gom sẽ dán dán trét trét tô tô thế nào, đến cả mấy tấm vải cũ sờn làm đuôi con lân, tất cả đều phải được sự “điều hành, chỉ đạo” của Quân. Con lân sau bao nhiêu buổi trưa không ngủ, tụ tập, mồ hôi chảy dài đã nên hình hài.
Tiếp đến là trống, là chập cheng được thu gom từ mấy cái nắp vung cũ mà mẹ không thể dùng để vừa vặn một cái nồi nào nữa. Sau cùng là những chiếc đèn ông sao. Món này đòi hỏi sự khéo tay của mấy đứa con gái, nên Quân có vẻ không ngầu bằng mọi hôm, mà nhỏ nhẹ hẳn với bọn tôi rằng “làm cho đẹp, cho đủ, đặng mỗi đứa không phụ múa sẽ được phụ cầm đèn nghe”. Câu nói khác mọi ngày của thủ lĩnh Quân đủ làm mát lòng mát dạ mấy đứa con gái lắm rồi.
Từ những ngày cuối tháng 7 âm lịch, cứ sau bữa cơm chiều, cả nhóm tụ lại trên con đường làng tập múa lân. Khi đó là khoảng thời gian của bản hợp âm bắt đầu trỗi dậy. Tiếng cắc tùng, cắc tùng tùng của nhịp trống. Tiếng những bước chân lạo xạo xen lẫn tiếng reo hò. Tiếng của mấy đứa í ới chia nhau chiếc đèn ông sao, gắn mấy cây đèn sáp vào, thắp lên. Tiếng gió rít. Tiếng kẽo cà kẽo kịt của rặng tre. Thi thoảng khi đội lân ngưng tập, thì thanh âm của tiếng dế mèn cứ nỉ non trong đêm cùng tiếng quẫy đạp nước của mấy con ễnh ương nơi bờ ruộng.
Tất cả như hòa quyện trong bản hợp âm ngân nga dưới ánh trăng non đầu tháng. Nhóm Xuyên An say sưa luyện tập đợi đến những ngày đầu tháng 8 âm lịch bắt đầu đi múa lân quanh xóm, rồi sẽ gặp các nhóm của Xuyên Đông, Xuyên Tây, Bình An... trong đêm rằm Trung thu ngay tại ngã ba đầu làng. Đúng đêm rằm Trung thu, khi ông trăng tròn đầy treo lơ lửng trên cao, các nhóm tụ tập biểu diễn thì đây thực sự là đêm hội. Mỗi đội lân có những màn trình diễn riêng. Giám khảo chính là khán giả tụ tập lại thành vòng tròn quanh ngã ba của làng.
Đội nào nhận được nhiều sự reo hò, tán thưởng nhất nghiễm nhiên là đội múa đẹp nhất. Có năm Xuyên An nhất, có năm Xuyên Đông nhất. Nhưng có vẻ như thứ hạng không phải là vấn đề lớn mà cả bọn quan tâm. Vấn đề lo lắng nhất chính là khi mây đen ùa kéo đến che khuất ông trăng tròn, mưa bất ngờ ập xuống thì coi như công sức tập luyện sẽ tan tành theo mưa...
Sau màn biểu diễn cũng là lúc các đội lân đốt đi con lân sau bao ngày hì hụi làm nên. Tôi không hiểu phong tục này xuất phát từ quy định nào, hay việc đốt con lân là kết thúc một mùa trăng rằm, để bắt đầu một mùa trăng mới của năm sau. Tôi chỉ biết, khi ngọn lửa cháy bùng lên, lan dần từ thân con lân đến đầu con lân cũng là khi những ánh mắt hoen đỏ cứ nhìn theo đầy tiếc nuối của cả bọn. Có đứa còn nắm chặt tay lại như khấn nguyện điều gì không rõ, và chắc rằng đêm đó có đứa thao thức. Riêng tôi, nhìn ngọn lửa từ bùng cháy đến khi tàn dần, tôi cứ ước gì ngày mai lại là một mùa trăng rằm mới, mùa Trung thu mới...
Thời gian mới đó đã trôi vèo hơn 30 năm, tuổi thơ rời xa tôi hay tôi rời xa tuổi thơ? Bao nhiêu mùa trăng hết tròn lại khuyết. Thước phim chầm chậm trong nỗi nhớ nơi tôi chừng như đến những phần đoạn cuối cùng với nỗi nhớ cuộn trào về những đêm trăng quê, về những mùa múa lân của xóm Xuyên An, về chiếc đèn ông sao có ánh sáng từ từ cháy từ tiêm đèn, rồi dần dần bắt sáng và rực rỡ trong hình ngôi sao 5 cánh đủ màu.
Ánh sáng rạng ngời trong ánh mắt, trong tiếng cười, óng ánh trong cả những giọt mồ hôi rịn rịn trên vầng trán của mấy đứa con gái đang hân hoan khi được phân công cầm đèn trong đêm hội. Lung linh xưa cũ sao cứ mãi sáng dần lên đến rực rỡ trong tôi thế này? Hay những gì tươi đẹp nằm yên đâu đấy và còn mãi, để chỉ cần một thanh âm quen thuộc cũng đủ sức gọi về, sống lại những ngày ấu thơ?
NGHI THẢO