1.Trong lúc một số địa phương trên cả nước phải ứng phó với Covid-19, ngành giáo dục phải nỗ lực khắc phục những khó khăn, vừa tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, vừa khơi dậy không khí tích cực, vui tươi để thầy và trò cùng hăng say hoàn thành nhiệm vụ dạy tốt - học tốt của năm học 2020-2021.
Song, những chuyện không vui liên quan đến an toàn của trẻ đã xảy ra, làm nên một nốt trầm buồn ngay lúc năm học mới vừa bắt đầu, đó là vụ tai nạn thương tâm do cổng trường đổ sập đã tước đi sinh mạng và tương lai của 4 học sinh đang chơi đùa gần đó (gồm 2 học sinh lớp 1, 1 học sinh mầm non 4 tuổi ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai và 1 học sinh lớp 5 ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Tại một trường tiểu học ở Hà Nội, một học sinh lớp 3 bị bỏ quên trên ô-tô nhưng may mắn bé tự mở được cửa xe để vào trường. Gần nhất, 29 học sinh của một trường tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh nhập viện cấp cứu với biểu hiện sốt, nôn ói, tiêu chảy… nghi do ngộ độc thực phẩm.
Mặc dù trước đó, sự cố tại trường học ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng học sinh đã diễn ra nhưng dường như vấn đề an toàn trường học vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vào tháng 5-2020, 1 học sinh ở Hải Dương tử vong vì điện giật khi đi lao động tại trường và 1 học sinh lớp 6 ở Thành phố Hồ Chí Minh tử nạn vì cây phượng trong sân trường bật gốc đổ đè. Tháng 8-2019, 1 học sinh lớp 1 ở Hà Nội tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường. Tháng 4-2019, 64 học sinh tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh nhập viện với các triệu chứng nghi do ngộ độc thực phẩm…
2. Ngoài gia đình, nhà trường gần như là cả thế giới của một đứa trẻ. Cha mẹ gửi gắm con em mình ở trường học cũng tin cậy nơi đây sẽ là môi trường tốt để con phát triển. Vậy mà, những sự việc đau lòng liên tiếp diễn ra tại trường học khiến phụ huynh lo lắng, đôi khi bất an.
Nguy cơ tai nạn xảy đến với học sinh không chỉ do những nguyên nhân khách quan mà còn phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm phòng ngừa của các trường trong hoạt động hằng ngày. Đơn cử, bức tường gây nên thảm cảnh với em L. - học sinh lớp 5 ở huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) - vào sáng 11-9 đã từng đổ sập vào năm ngoái.
Nhà trường cũng cho biết “đã nhận được phản ánh của phụ huynh về bức tường bị nứt nhưng do điều kiện kinh phí còn eo hẹp nên chưa xây lại được”. Giá mà công tác cải tạo, xây mới được nhà trường quan tâm kịp thời thì một mầm xanh đã không rời đi trong nỗi bàng hoàng và đớn đau đến thế!
Những tai nạn gây thương tích cho trẻ dù chỉ là một vài vụ việc trong năm, nhưng đặt ra câu hỏi: Làm sao để trẻ đến trường luôn an toàn, làm sao để mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui?
3. Rà soát lại các văn bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các bộ, ngành liên quan không thiếu cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm an toàn trường học.
Trong đó, Quyết định số 4458/QĐ-BGDĐT quy định xây dựng trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích trong trường phổ thông của Bộ GD&ĐT nêu rõ yêu cầu khắc phục các nguy cơ thương tích trong trường học, thường gặp như tai nạn giao thông, ngã, đuối nước, bỏng, điện giật, cháy nổ, ngộ độc, vật sắc nhọn đâm, cắt, bạo lực…
Quyết định này còn quy định trường học được công nhận đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích khi 80% nội dung bảng đánh giá trường học an toàn được đánh giá là đạt; không có học sinh bị tử vong hay bị thương tích nặng phải nằm viện do tai nạn, thương tích xảy ra trong trường.
Văn bản là vậy, nhưng có lẽ công tác phòng, chống tai nạn thương tích hiệu quả nhất có lẽ phụ thuộc nhiều vào mỗi địa phương và sự quyết liệt của từng trường. Về phía phụ huynh, thay vì chờ đợi giải pháp đồng bộ từ các cấp quản lý, cũng nên tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước sự cố cho con em mình, để tránh điều đáng tiếc xảy ra.
MỘC NHIÊN