Sống chậm, nghĩ khác và yêu thương bình dị

.

1. Những ngày này, khi thành phố thực hiện cách ly xã hội vì đại dịch Covid-19, mạng xã hội facebook dường như trở thành “cứu cánh” trong khoảng thời gian quanh quẩn trong nhà. Mọi người bày tỏ cảm xúc của mình nhiều hơn ở các dòng trạng thái (status). Đặc biệt, những chia sẻ về hình ảnh cũ, các trải nghiệm quá khứ ngập tràn thế giới mạng. Gọi là “cũ” nhưng quá khứ tươi đẹp mà mọi người nhung nhớ ấy thực ra chỉ là vài tháng trước đây, khi đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện.

Câu hỏi “sẽ làm gì khi hết dịch?” xuất hiện với tần suất dày đặc nhưng vẫn luôn nhộn nhịp lượt tương tác bởi đó là nỗi lòng chung của nhiều người. Đa phần ước mong đều gói ghém trong những điều bình dị, như là đi dạo bộ dọc bờ sông Hàn, hàn huyên cùng bạn bè bên tách cà phê nơi quán cóc, chạy bộ vào mỗi buổi chiều, ghé quán quen thưởng thức món ăn yêu thích..., hay thậm chí chỉ giản đơn là được quay trở lại nhịp điệu đi học/ đi làm thường nhật như ngay trước khi Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống. Những điều tưởng chừng bình thường trước đây nay trở nên quý giá vô ngần.

Có lẽ, qua cơn khủng hoảng, việc trân trọng những điều nhỏ bé lại trở thành điểm tựa tinh thần cho rất nhiều người. Người ta tạm quên đi những chuyến chu du đến miền đất lạ ngoài biên giới đất nước mà hoài niệm từng bước chân lang thang ở nơi đang sinh sống. Người ta nhớ nhung quay quắt món ăn dân dã nhưng đậm đà vị quê hương…

2. Đại dịch Covid-19 bùng phát đang làm thay đổi thế giới trên nhiều phương diện, trong đó có cả tâm lý xã hội. Thế nhưng, nếu nhìn nhận ở góc độ tích cực, giãn cách xã hội phần nào cũng mang đến những giá trị tốt đẹp khác.

Bạn tôi kể, trước đây, vì áp lực công việc, bạn luôn đầu tắt mặt tối từ sáng đến đêm. Thế nên, “nhiệm vụ” duy nhất của bạn trong nhà là đưa đón con đến trường, còn lại đều nhờ vợ gánh vác. Thông thường, nếu không về trễ thì bạn cũng mang việc về nhà nên thời gian dành cho vợ con thưa dần. Những ngày “sống chậm” vì Covid-19, con người tất bật với công việc trước kia mới có cơ hội lắng đọng lòng mình để thấu hiểu hơn về người thân. Dành thời gian cho nhau nhiều hơn, bạn hạnh phúc khi chia sẻ kiến thức, kỹ năng bổ ích cho con; con vui mừng được chuyện trò và lắng nghe cha. Làm việc tại nhà, vợ chứng kiến trực tiếp áp lực công việc của chồng nên cảm thông hơn, chồng cảm nhận sự tảo tần của vợ với vô vàn việc không tên nên quan tâm hơn. Những bữa cơm rôm rả, đầm ấm thay thế những bữa cơm vội vàng. Vô hình trung, Covid-19 như chất keo xúc tác gắn kết tình thân trong tổ ấm nhỏ của bạn.

3. Nhà văn người Mỹ Dale Carnegie, tác giả cuốn sách Đắc nhân tâm (How to Win Friends and Influence People) từng chia sẻ: “Số phận không phải là vấn đề của cơ may mà là vấn đề của sự lựa chọn”. Cũng như cậu bạn trên, thay vì chọn sống trong lo lắng hay than vãn, nhiều người đã chọn cách thích ứng tích cực với dịch bệnh. Có người tận dụng khoảng thời gian này để suy ngẫm về ý nghĩa thật sự của ước mơ đang theo đuổi, có người sắp xếp lại chi tiêu hợp lý, có người tận hưởng niềm vui quây quần bên gia đình, cũng có người tranh thủ tích lũy kiến thức để sẵn sàng đổi mới công việc phù hợp với tình hình hiện tại…

Bằng cách này hay cách khác, họ đều đang hướng đến điều tốt đẹp mỗi ngày thay vì suy nghĩ tiêu cực. Cũng theo nhà văn Dale Carnegie, “ngày hôm nay là cuộc sống duy nhất mà bạn biết chắc. Vậy hãy sử dụng triệt để ngày hôm nay. Hãy hứng thú làm gì đó. Hãy lay mình tỉnh dậy. Hãy tự tạo thú vui. Hãy để những cơn gió nhiệt thành cuốn bạn đi. Hãy sống ngày hôm nay với trọn vẹn niềm vui”. Ở thời điểm này, việc sống vui mỗi ngày còn thể hiện trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và góp phần đẩy lùi Covid-19.

MỘC NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.