Có rất ít triển vọng số người nhập cư tăng trở lại nhanh chóng vì đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng lâu dài. Chính phủ nhiều nước cũng dần nhận ra nguồn lao động nhập cư rất cần thiết cho nền kinh tế của nước mình.
Các tình nguyện viên chuẩn bị những phần thức ăn để gửi đến Trung tâm Aurore cho những người vô gia cư và nhập cư ở thủ đô Paris của Pháp. Ảnh: AP |
Người nhập cư bị ảnh hưởng Covid-19 nghiêm trọng
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với 37 quốc gia thành viên có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới cho biết, đại dịch Covid-19 đã kết thúc một thập niên tăng trưởng liên tục của dòng người nhập cư trên toàn thế giới.
Trong 3 năm liên tiếp từ 2017-2019, lượng lao động nhập cư vào OECD ổn định với 5,3 triệu người/năm. Người nhập cư và con cái của họ chiếm 1/5 dân số của tổ chức này đã có dấu hiệu giảm mạnh “đầu vào” trong 6 tháng đầu năm 2020 khi giấy phép cư trú được cấp chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái bởi chính phủ các nước đóng cửa biên giới hoặc ngừng xử lý đơn xin nhập cảnh.
Không chỉ lượng người nhập cư vào các quốc gia thuộc OECD giảm mạnh mà toàn thế giới cũng diễn ra tương tự. Chẳng hạn, lượng lao động nhập cư vào Saudi Arabia nửa đầu năm 2020 chỉ 55.000 người, so với nửa đầu năm 2019 là 550.000 người, tức giảm 10 lần. Những người lao động nhập cư không thể trở về quê nhà vì biên giới đóng cửa, các chuyến bay không sẵn sàng hoặc không đủ khả năng tài chính để chi trả. Họ chịu tác động nặng nề hơn so với người dân bản xứ trong đại dịch Covid-19.
Nghiên cứu khoa học ở một số quốc gia cho thấy, người nhập cư đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus cao gấp đôi so với người bản xứ, một phần do họ sống trong những khu nhà quá đông đúc, phụ thuộc chủ yếu vào phương tiện giao thông công cộng và làm những công việc không thể làm việc tại nhà.
Phần lớn người nhập cư có hợp đồng lao động tạm thời nên dễ bị mất việc đầu tiên. Lực lượng lao động này ở nam Âu, Ireland, Thụy Điển, Na Uy và Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hơn nữa, phần lớn họ làm việc trong lĩnh vực du lịch, khách sạn và y tế. Mùa dịch bệnh, đi lại bị hạn chế nên việc làm bị cắt giảm rất nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp của người nhập cư ở Mỹ thấp hơn người bản xứ ở thời điểm trước đại dịch nhưng giờ đây lại cao hơn 2%.
Nước Mỹ với một loạt biện pháp bảo vệ người lao động gốc Mỹ và không nới lỏng lao động nhập cư. Những người có trình độ cao hay sinh viên không muốn mạo hiểm đi xa nhà, chấp nhận làm việc tại nhà cũng khiến các ông chủ suy tính về nhu cầu đi lại của lực lượng lao động nhập cư trong thời điểm kinh doanh khó khăn vì dịch bệnh.
Lượng kiều hối giảm
Các nước châu Âu như Pháp và Ý có những chính sách mạnh mẽ hạn chế tình trạng thất nghiệp nhưng người nhập cư thiếu việc làm trầm trọng. Có gần 6/10 số người mới mất việc ở Thụy Điển là người nhập cư. Con cái của họ cũng gặp khó khăn trong học tập vì các lớp học ngoại ngữ bị gián đoạn và việc thiếu thiết bị kỹ thuật số khiến việc học trực tuyến rất khó khăn, thậm chí không khả thi.
Mất việc làm nên người nhập cư không có tiền để gửi về giúp đỡ gia đình ở quê nhà, vốn phụ thuộc quá nhiều từ nguồn chu cấp này. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính lượng người sống nhờ vào tiền gửi như thế trên toàn thế giới lên tới 800 triệu người.
Lượng kiều hối toàn cầu giảm 6% trong quý 2-2020 so với cùng kỳ năm ngoái. WB dự báo lượng kiều hối sẽ giảm tới 20% trong cả năm nay. Lượng kiều hối mà người nhập cư chuyền về quê nhà trên toàn cầu năm 2019 là 554 tỷ USD, trong đó 133 tỷ USD từ châu Âu.
Ông Jean Christophe Dumont, người phụ trách bộ phận di cư quốc tế của OECD nhận định, có rất ít triển vọng việc nhập cư quay lại mức trước đây trong ngắn hạn vì đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực lâu dài. Chính phủ nhiều nước dần nhận ra nguồn lao động nhập cư rất cần thiết cho nền kinh tế của nước mình. Người nhập cư chiếm tới 24% bác sĩ và 16% y tá ở các nước thuộc tổ chức OECD.
Một số nước khác có tới 1/3 lực lượng lao động trong các lĩnh vực quan trọng như vận tải, vệ sinh, sản xuất thực phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin là người nhập cư. Vì thế, nước Anh gia hạn thời gian cư trú cho bác sĩ hay Đức đưa máy bay đón lao động nhập cư sang để làm việc trong ngành nông nghiệp.
Anh Thư (theo DW, FT)