AN TOÀN TRONG MÙA BÃO LŨ

Trách nhiệm với từng bản tin thời tiết

.

Những ngày mưa bão, cùng với các lực lượng khác, những người làm công tác đưa tin đến bạn đọc luôn phải trực 24/24 giờ. Họ không chỉ cập nhật tình hình với những tin, bài thời sự, tích cực gửi thông báo khẩn trang bị cho người dân kiến thức để chủ động ứng phó với mưa lũ, mà còn chia sẻ khó khăn với bà con.

Thông tin kịp thời đến người dân

Thông tin chính về nhiệt độ, thời tiết được phát sóng hằng ngày do Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương đo đạc, xác nhận và các phóng viên, biên tập viên phụ trách thông tin cung cấp cho người dân. Nhưng để có thông tin cụ thể, khách quan nhất về tình hình thời tiết, những phóng viên đưa tin thời tiết gặp không ít thử thách. Với phóng viên ở khu vực miền Trung, có lẽ họ đã thích ứng với việc đưa tin, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tác nghiệp. Họ luôn là những người ở tuyến đầu, lần vào tâm bão, tìm về mắt bão… để đưa đến người dân những thông tin nóng hổi nhất.

Nhân viên tổng đài 1022 trực 100% khi có thiên tai tại Đà Nẵng. Ảnh: H.Â
Nhân viên tổng đài 1022 trực 100% khi có thiên tai tại Đà Nẵng. Ảnh: H.Â

Nhà báo Đỗ Vinh (công tác tại Phòng Tin tức VTV8) chia sẻ, hàng chục năm làm nghề báo, anh đã quen những lần tác nghiệp dịp mưa, bão, lũ. Trong vụ sạt lở đất tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) vừa qua, anh lập tức lên đường dẫu đường sá hư hại do mưa lũ, khó tiếp cận được hiện trường. “Phóng viên phải bảo đảm cung cấp thông tin thường xuyên về Đài để phát sóng. Tôi và các đồng nghiệp thường có mặt ở hiện trường, sở chỉ huy hoặc trụ sở của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để có thông tin nhanh, chính xác. Chúng tôi biết người dân rất trông ngóng thông tin nên trước tiên là cập nhật “lõi” thông tin, sau đó sẽ đưa tin theo tiến độ. Nghĩa là việc tiếp cận hiện trường, cứu hộ đến đâu, phóng viên sẽ đưa tin đến đó. Ngoài ra, phải tận dụng điện thoại thông minh để hiện dẫn tại hiện trường, gửi clip về cho Thư ký biên tập phát sóng. Nói chung, phải làm mọi cách để thông tin đến với người dân chính xác nhất, kịp thời nhất”, nhà báo Đỗ Vinh nói.

Ngay khi có những thông tin dự báo về bão số 9 Molave, Tổng đài 1022 Đà Nẵng đã triển khai toàn thể nhân viên trực chiến 100%. Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Tổng đài 1022 cho hay, với chức năng là Tổng đài thiên tai cung cấp thông tin mới nhất về bão, lũ cho người dân, Tổng đài 1022 Đà Nẵng thường xuyên theo dõi, tổng hợp thông tin, cập nhật tin, bài liên quan đến diễn biến, tình hình bão lũ; các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố; công tác di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm; kinh nghiệm trong công tác phòng chống lụt bão… thông qua các kênh truyền thông của Tổng đài. Các thông tin đăng tải được dẫn nguồn từ các trang tin chính thống như: Đài khí tượng thủy văn quốc gia, Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố... Các công văn, công điện về phòng chống lụt bão của Trung ương, thành phố cũng được cập nhật liên tục.

Theo dõi thiên tai qua mạng xã hội    

Ra mắt vào năm 2013 - năm có siêu bão Haiyan, cộng đồng mạng ở Đà Nẵng không còn xa lạ với trang “Thời tiết Đà Nẵng”. Đều đặn mỗi ngày, trang này cập nhật khá chi tiết những thông tin liên quan đến tình hình thời tiết trên địa bàn thành phố. Hiện tại, mỗi bản tin đăng tải trên trang thu hút số lượng lớn người tiếp cận, mỗi bài viết mang tính chất vừa dự báo, vừa cảnh báo trung bình khoảng 80.000 - 100.000 người xem, riêng các bản tin khẩn cấp có lúc lên đến 200.000 - 400.000 người xem.

Anh Võ Văn Xuân Lộc, quản lý trang này cho biết, các thông tin thời tiết Đà Nẵng và khu vực Trung Trung bộ phát trên fanpage Facebook được anh khai thác từ các mô hình thời tiết trên thế giới, cộng thêm thông tin chính thức từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, từ đó đưa ra những phân tích, nhận định và dự báo đến người đọc các vấn đề cần lưu ý.

Các bản tin cập nhật mới nhất thường được đăng tải thường xuyên vào buổi tối, riêng những thời điểm có bão lũ, mưa lụt thì tần suất đưa tin bất kể thời gian trong ngày để đáp ứng nhu cầu theo dõi của cộng đồng mạng. “Với chiến lược tầm nhìn xa và nhu cầu thiết yếu xem thời tiết trên mạng xã hội của người dùng Facebook, tôi và đội ngũ admin có niềm đam mê về ngành khí tượng và yêu thích công việc cảnh báo thời tiết đã lập ra trang này. Trải qua nhiều năm kinh nghiệm trong dự báo cộng thêm tìm hiểu không ngừng, để đạt được đến sự phát triển hôm nay là nỗ lực rất lớn đối với cá nhân tôi. Các bản tin trên fanpage đều do chính tôi biên tập và chịu trách nhiệm. Dẫu biết vấn đề đúng, sai trong thời tiết khá nhạy cảm nhưng tôi luôn cố gắng hết sức đưa thông tin đúng nhất đến mọi người”, anh Lộc nói.

Với phương châm cung cấp thông tin gần gũi cho người xem, fanpage “Thời tiết Đà Nẵng” đưa ra dự báo bằng ngôn từ bình dân, dí dỏm, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận. Theo anh Lộc, thông qua thông tin về thời tiết, fanpage còn đưa ra một số tư vấn cho khách du lịch khi tham quan, mua sắm tại Đà Nẵng và tư vấn trang phục theo mùa. Những thông tin này được bạn đọc yêu thích và có sự tương tác lớn.

Tháng 7-2019, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng lập trang Facebook “Thông tin phòng chống thiên tai Đà Nẵng”. Trang này hiện thu hút hơn 24.000 người quan tâm, theo dõi thường xuyên. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, chịu trách nhiệm chính của trang này cho hay, trong bối cảnh mạng xã hội phủ sóng, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tình hình thiên tai thông qua Facebook là hướng tiếp cận hiệu quả. Hoạt động này cần chi phí rất thấp và không tốn nhiều nhân lực. “Để thu hút lượng lớn người dân tham gia tương tác, nội dung trên trang phải nhanh, chính xác, dễ hiểu. Mỗi khi nhận văn bản từ Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, chúng tôi đều biên tập lại sao cho ngắn gọn, đơn giản nhất. Ngoài cập nhật liên tục thông tin về tình hình bão lũ, chúng tôi còn trực chiến 24/24 giờ để cập nhật thông tin tìm kiếm cứu nạn nhằm chuyển tin kịp thời đến cơ quan liên quan”, ông Tuấn cho biết thêm.

"Tổng đài 1022 cung cấp thông tin đến người dân thành phố qua các kênh: gửi các bản tin nhanh về tình hình bão qua ứng dụng Zalo và Chatbot 1022 (tiếp cận 250.000 lượt người/đợt gửi); gửi tin nhắn về cơn bão số 9 đến tất cả tài khoản người dùng Zalo trên địa bàn thành phố (hơn 936.000 tài khoản); cập nhật tin tức lên fanpage Facebook Tổng đài 1022 Đà Nẵng; trực chiến 100% để nghe và trả lời các cuộc gọi của người dân. Cụ thể, trong đợt bão số 9 vừa qua, Tổng đài 1022 tiếp nhận hơn 400 lượt yêu cầu, phản ánh của người dân. Hầu hết các yêu cầu, phản ánh liên quan đến cây xanh ngã đổ, cúp điện, đứt dây điện. Ngay khi nhận yêu cầu, Tổng đài báo ngay với các địa phương và cơ quan chức năng biết để chủ động xử lý”

Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Tổng đài 1022

HẢI ÂU

;
;
.
.
.
.
.