Bến đi còn để lại cầu...

.

Tuy giờ đây tôi không còn thấy cảnh náo nhiệt, ồn ào của bến cá Thuận Phước vốn có kết cấu hạ tầng đơn sơ lúc nửa đêm, nhưng trong ký ức luôn có những hình ảnh một bến cá của thời xa vắng...

Một trong hai chiếc cầu chữ T của bến cá Thuận Phước còn lại. Ảnh: T.M
Một trong hai chiếc cầu chữ T của bến cá Thuận Phước còn lại. Ảnh: T.M

Những năm cuối của thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi bắt đầu gắn bó với bến cá Thuận Phước- cái tên được gọi theo phường có bến cá của Đà Nẵng. Tại bến cá này có cái chợ liêu xiêu, song tất cả các gian hàng trong chợ không hề bán cá mà hầu hết các tiểu thương bán hàng tạp hóa, ăn uống, may vá…, còn những người bán cá thì bày hàng bán ở ngoài trời.

Ồn ào nơi bến cá

Những chiều trời quang mây tạnh, nhiều tàu giã đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định) về neo đậu ở cửa Hàn đợi đến khuya để các thuyền nhỏ của các chủ nậu từ trong bến chèo ra mua sỉ toàn bộ hàng chục tấn cá mỗi tàu mang vào bến đúng 1 giờ sáng, rồi “phân phối” lại cho những người buôn bán nhỏ lẻ tại nhiều chợ trong và ngoài thành phố. Vì vậy, thường vào khung giờ này, điện ở bến cá Thuận Phước sáng trưng và kéo theo thứ âm thanh pha trộn của những người khiêng cá, gánh cá thuê từ ghe, tàu lên bờ, tiếng trao đổi của người mua, kẻ bán sôi lên ở một góc không gian phố thị. Đặc biệt, phiên chợ khuya ở bến cá Thuận Phước chỉ diễn ra giữa các nậu với những người mua đi bán lại, chứ không có ai mua cá về phục vụ cho các bữa cơm gia đình.

Phía trong chợ, các gian hàng ăn, cà phê giải khát cũng bắt đầu thức giấc để phục vụ những người lao động. Con đường rải nhựa nho nhỏ từ tuyến đường Đống Đa rẽ vào bến cá liên tục phát ra tiếng bành bạch từ động cơ của những chiếc xe lambro 3 bánh cũ kỹ, xe ba gác; tiếng cót két, leng keng của xích lô ra vào chở cá đi các nơi. Ngoài ba loại phương tiện chuyên chở cá và người buôn, hồi ấy chưa có loại xe cộ nào khác. Các máy xay đá luôn nổ xoành xoạch để trút vào sọt đưa xuống các khoang tàu giã dùng ướp cá trước. Rồi hàng chục phuy dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc men, ngư lưới cụ… được người bán thuê nhân công vận chuyển ra các tàu đánh cá đang đậu phía ngoài xa để chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới.

Cảnh đêm ầm ào, sôi động đến chừng 6-7 giờ sáng thì bến cá bắt đầu thưa thớt người. Những rỗi cá, rỗi tôm, khiêng thuê, bốc mướn về nhà nghỉ sau gần một đêm thức trắng; chỉ còn rất ít các mẹt cá tươi được bày bán dưới những tán cây dù tạm thời ngay bên mép nước. Bến cá trở lại nhịp sống chậm chạp, yên ả chứ không náo nức, hối hả như lúc giữa khuya.

Nhớ mãi những tháng ngày nhọc nhằn, lam lũ

Việc trao đổi ở bến cá Thuận Phước gần như chỉ bán sỉ chứ ít có bán lẻ.  Vì vậy, các chị, các mẹ chẳng mấy khi ghé bến cá để… mua cá về ăn mà những người ở trung tâm thành phố thường tạt vào chợ Đống Đa trên tuyến đường Nguyễn Du (nay thuộc phường Thạch Thang) để lựa chọn từng con cá tươi ngon từ bến cá Thuận Phước.

Lao động lúc nửa đêm tại bến cá Thuận Phước. (Ảnh tư liệu)
Lao động lúc nửa đêm tại bến cá Thuận Phước. (Ảnh tư liệu)

Đến cuối những năm 80, ngành thủy sản Quảng Nam - Đà Nẵng mới xây dựng hai chiếc cầu chữ T để cho các loại tàu có công suất lớn cập bến. Có cầu, các loại ghe nhỏ làm phương tiện trung chuyển cá ngày một ít dần nhưng số lượng lao động tại bến càng tăng thêm do các tàu được đóng mới, các gọ, nốt của bà con ngư dân các phường ven biển đều ghé về bến trong mỗi buổi sáng tinh sương.

Đầu tháng 7-2008, bến cá Thuận Phước dời sang âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) để bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng tuyến đường Bạch Đằng nối dài (nay tuyến đường Như Nguyệt), chỉ để lại hai… chiếc cầu với cái tên mới được nâng cấp là cảng cá Thọ Quang. Hồi đó, phòng ngủ của tôi gần bên con đường duy nhất ra vào bến cá nên mọi thứ âm thanh mỗi khuya ở trên bến, dưới tàu được “dung nạp” đều đặn. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng va đập xô chậu, tiếng gánh cá, khiêng hàng kĩu kịt, tiếng quở mắng, la lối của các mẹ, các chị khi có mấy cậu choai choai hôi cá chụp giựt, tiếng những bước chân thình thịch gấp gáp… như còn văng vẳng bên tai. Mùi mắm muối, cá, mực khó chịu theo từng cơn gió lan tỏa cả không gian cũng không còn, bầu không khí của bao người dân sống gần bến cá nay được trong lành. Song, ai đã từng sống cùng bến cá Thuận Phước một thời trong những đêm hôm khuya khoắt chắc có lẽ nhớ mãi những tháng ngày nhọc nhằn, lam lũ mà ngập tràn niềm vui vào lúc cả thành phố vẫn đắm chìm trong giấc ngủ…

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.