"Đưa nửa đường"

.

Xóm nhỏ có người qua đời. Bà cụ đã 80. Đầu xóm dựng cái bảng nhỏ: “Trong xóm có đám tang, vui lòng không đi lối này”. Vậy là chỉ còn người của xóm với nhau. Cũng đã lâu lắm, xóm nhỏ mới gụi gần như thế.

Tôi đi làm về thấy nhà cửa nguội lạnh, đang vo gạo bắc cơm thì nghe tiếng ba mẹ rộn ràng ngoài cổng. Ba bảo qua nhà bà X thắp hương. “Ủa, hôm qua nhà mình đi đám rồi mà ba?”, tôi ngạc nhiên. “Hàng xóm láng giềng thì tính chi lần đi đám. Cứ mỗi ngày qua thắp cho bà cây hương”. “Bà cũng nằm mấy năm mới đi, ba nhỉ? Hồi xưa bà hay chống gậy, bắc ghế ngồi nhai trầu trước cửa nhà. Bao giờ bà cũng cầm theo cái lon để nhổ nước trầu. Dù lẫn, không nhớ tên con cháu nhưng bà luôn nhổ nước trầu vào đúng cái lon đó. Thi thoảng con vẫn nhớ hình ảnh của bà ngày xưa”. Ba tôi trầm ngâm: “Ừ, người già như ngọn đèn leo lét, cứ một, hai người ở xóm ra đi, ba lại thấy trống trải, thiếu vắng. Người già là chỗ dựa rất ấm cúng cho con cháu”.

Ba bảo mẹ về sau vì bận giúp bên nhà bà một số việc. Mấy hôm nay, mẹ và các cô ở xóm cứ chiều lại tập trung nhà bà, mỗi người một tay, người thu dọn đồ đạc cá nhân của bà, người dọn ly tách, rót nước mời khách... Nói vậy chứ bình thường mẹ làm gì có thời gian chuyện trò với các cô. Ngày đi làm, tối lo cơm nước, chăm con cái, giặt giũ, phơi phóng. Làm việc nhà xong thì đã 21-22 giờ.

Cách đây chừng chục năm, xóm nhỏ khác bây giờ nhiều lắm. Khác chủ yếu ở nết ăn, nết ở của người trong xóm chứ nhà cửa gần như không thay đổi mấy. Nhà cô Toa, chú Bảo, chú Biên 2 tầng thì giờ vẫn 2 tầng; nhà bà Ngọc, ông Sử, cô Nga... cấp 4 thì vẫn cấp 4. Đâu đó 1-2 nhà ở đầu xóm có ô-tô. Hồi đó, cứ tầm 17-18 giờ, lũ trẻ con ăn cơm xong là đổ ra đường chơi.

Tụi con trai chơi đá banh, tản hình; tụi con gái chơi nhảy dây, chơi u hoặc tụm lại bới tóc, bện tít cho nhau. Ba mẹ chúng cũng nắm tay đi dạo quanh xóm với lý do “đi cho xuống cơm”. Một vài cô, dì ham vui rủ nhau về nhà hát karaoke. Mỗi khi trời mưa, xóm nhỏ thơm lừng mùi bột bánh, nhà đổ bánh xèo, nhà chiên bánh chuối, nhà này gọi nhà kia, thân thiết chi lạ.

Bây giờ, xóm nhỏ vẫn sít sịt nhau mà nghe xa cách. Tụi trẻ con lớn lên thì vùi đầu vào học hành, thi cử; tụi lớn hơn một chút thì đi làm suốt ngày. Trong một gia đình mà mọi người còn ít gặp nhau, huống hồ… Tự dưng nghe tiếc tiếc cái không khí đầm ấm xưa cũ.

“Mai em có đi đưa tang không?”, ba hỏi khi nghe tiếng dép của mẹ sột soạt ngoài cửa.

“Mai công ty em có cuộc họp quan trọng, em không đưa bà được. Có lẽ, em đưa bà nửa đường thôi”, mẹ trầm giọng.

“Đưa nửa đường là sao mẹ?”, tôi thắc mắc.

“Tức là mình đi cùng đoàn đưa tang nhưng không đưa người mất tới nơi mà chỉ đi một đoạn thôi đó con. Nghĩa tử là nghĩa tận, nếu bận rộn không đi tới nơi được cũng nên đưa nửa đường, con à”.
“Đưa nửa đường”, cụm từ này cứ ám ảnh tôi mãi. Thì ra, giữa bộn bề cuộc sống, chỉ cần đủ đầy tình thương, người ta sẽ nghĩ ra cách ứng xử thật phù hợp.

Hiện nay, rất nhiều nét đẹp khi ứng xử với đám tang gần như đã mất. Những nhà có đám tang, dù đã để biển báo, có người vẫn rú ga vọt đi cho nhanh. Cứ cho rằng xã hội ngày nay đã khác xưa nhiều, thế nhưng không thể đem lý lẽ ấy ra để biện minh cho những hành vi thiếu văn hóa. Hãy cho xe chạy chậm lại một chút, hãy cúi đầu thấp xuống một chút, đừng rú ga, đừng bóp còi inh ỏi. Ứng xử với đám tang không chỉ là chuyện ứng xử với người đã khuất mà còn nói lên gốc rễ văn hóa của một con người.

“Ngày mai, tụi con cũng xin phép đi đưa bà nửa đường nhé mẹ!”, anh Hai tôi từ trên gác đi xuống và nói.

LAN KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.