Gieo hạt giống tâm hồn

.

Cậu bé tí hon Đinh Văn K’rể (người dân tộc H’Rê, thôn Gò Da, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) đã kết thúc hành trình trần thế ở tuổi 13. K’rể về với thế giới bên kia nhưng nụ cười của em vẫn ngời sáng trong lòng người ở lại, những người từng gặp lẫn chưa bao giờ gặp em. Nụ cười được thắp lên và lan tỏa bởi trái tim ấm áp của người thầy - nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba (huyện Sơn Hà) Đặng Văn Cương.

Để nụ cười nở rộ trên gương mặt ngây thơ của cậu học trò nhỏ là chặng đường gần 5 năm kiên nhẫn và đong đầy yêu thương của thầy Cương. Trước đó, tuổi thơ của K’rể là tháng ngày quanh quẩn trong xó nhà hay úp mặt trong địu của cha mẹ mỗi khi đi làm rẫy. Hơn 5 tuổi, K’rể chỉ nặng 3kg, cao 50cm và chưa biết nói, chỉ khóc, cười. Lần đầu tiên gặp thầy Cương, K’rể sợ hãi vì lạ, co ro nép người sau lưng cha. Lần đầu tiên gặp K’rể, trái tim người thầy rung lên nhịp yêu thương.

Thầy Cương đã thuyết phục cha mẹ K’rể cho cậu rời non cao Gò Da xuống ngôi trường mình đang công tác để đi học. Từ đó, thầy Cương vừa là thầy, vừa là cha của K’rể. Thầy xuống thành phố Quảng Ngãi, tìm kiếm, đặt may quần áo, giày dép và đồ dùng cá nhân phù hợp với K’rể. Thầy lặn lội đưa K’rể đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác và gọi đúng tên bệnh của em là “người lùn đầu chim” cực kỳ hiếm gặp trên thế giới (tên khoa học của hội chứng này là Seckel), giúp em cởi bỏ lời đồn đại không đúng.

Bao năm qua, thầy lặng lẽ cạnh bên dìu dắt K’rể, giúp em dần dạn dĩ, vui tươi, hoạt bát hơn. Ngoài gia đình thứ hai là tổ ấm của thầy Cương, K’rể còn có nhiều hơn những yêu thương khác từ mọi miền đất nước. Câu chuyện đẹp như cổ tích của hai thầy trò cùng hành trình vượt gian khó đến trường nhiều năm qua đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người.

Không chỉ là điểm tựa nương cho cậu bé tí hon, thầy Cương còn chắp cánh hy vọng cho nhiều em nhỏ đồng bào H’rê nơi vùng cao ấy. Cách đây hơn 10 năm, chứng kiến nỗi vất vả của học trò khi phải trèo đèo, lội non, băng rừng đến điểm trường lượm nhặt con chữ, thầy cứ mãi canh cánh trong lòng. Sau đó, thầy táo bạo bàn với các giáo viên của Trường tiểu học Sơn Ba (nay là Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Sơn Ba) thuyết phục phụ huynh cho con em xuống học và lưu trú ở lại trường. Các thầy cô đã lặn lội đến các thôn, bản, gõ cửa từng nhà vận động, rồi sẵn sàng trích tiền lương ít ỏi chăm lo cho các em. Từ đó, học trò nơi ngôi trường nhỏ xíu ở thị trấn xa xôi ấy được cải thiện sức khỏe và có nhiều hơn thời gian cũng như cơ hội tiếp cận, khám phá những điều mới mẻ.

Không chỉ là người ươm trồng tri thức, thầy Cương còn là người gieo hạt giống tâm hồn, bằng những việc làm thầm lặng nhiều năm qua. Hạt giống ấy đã vươn chồi thành niềm hạnh phúc nơi cậu học trò K’rể nói riêng và học trò Trường tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba nói chung, đồng thời là tia nắng ấm len lỏi trong trái tim mỗi người.

Cũng như thầy Cương, nhiều thầy, cô giáo khác vẫn đang ngày ngày miệt mài trên hành trình “trồng người” để cho đời những đóa hoa thơm. Đó là cô giáo Hà Ánh Phượng - người đã từ chối lời mời trở thành Giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên từ một Công ty dược của Pakistan với mức lương hấp dẫn - để gắn bó với ngôi trường miền núi THPT Hương Cần (tỉnh Phú Thọ) với gần 90% học sinh người dân tộc thiểu số. Nữ giáo viên 29 tuổi đã tự học cách sử dụng công nghệ thông tin, mở ra “lớp học không biên giới”, kết nối học sinh với giáo viên và học sinh các nước khác. Cô sáng tạo cách dạy học mới như dạy qua phim ảnh, dự án, tổ chức dạy học online, lập kênh YouTube để dạy tiếng Anh miễn phí…

Đó còn là cô giáo Sung Thị Tông mỗi ngày vượt quãng đường dốc đá lởm chởm 67km, đôi chỗ một bên là núi, một bên là vực để đến điểm trường “Mùa xuân” (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) - một trong những bản nghèo nhất Thanh Hóa hiện vẫn không có điện, không có đường. Bốn năm qua, cô Tông đã tận dụng nguyên liệu có sẵn ở địa phương như vỏ cây, bột hạt, lá rừng, sỏi, nhờ cha mẹ học sinh phụ giúp trang trí lớp học để những đứa trẻ người Mông bớt lạ lẫm với lớp học.

Đó còn là cô giáo mầm non Nông Thị Hảo dành trọn 14 năm thanh xuân đẹp nhất gắn bó với các em học sinh là dân tộc thiểu số Dao, Tày, Nùng nơi vùng cao tỉnh Cao Bằng…

Với tình yêu nghề, các thầy, cô giáo đã, đang và sẽ luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tiếp tục dấn thân trên hành trình “gõ đầu trẻ” thiêng liêng và mong muốn các em đón nhận tình yêu thương của cuộc sống. Sự hy sinh lặng thầm của họ đã tô thắm hình ảnh “người đưa đò” thêm lung linh giữa đời thường.

MỘC NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.