Đất và người Đà Nẵng luôn là nguồn cảm hứng lớn lao cho các sáng tác văn học - nghệ thuật dù ở thời chiến hay thời bình. Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đã tạo nên những tác phẩm sâu sắc, có chỗ đứng bền chặt trong lòng người đọc, bắt nguồn cảm hứng từ vùng đất nơi đây, các nhà thơ Thanh Quế, Ngân Vịnh cũng vậy.
1. Tôi có dịp gặp Thanh Quế ngay trước ngày ông chuẩn bị cùng đoàn đại biểu Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng ra Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025 (diễn ra từ ngày 23 đến 25-11). Vẫn với chiếc mũ bê rê trên đầu, ông chào đón tôi với nụ cười thân thiện.
Nhà thơ Thanh Quế. Ảnh: MAI HIỀN |
Thanh Quế sáng tác cả thơ lẫn văn xuôi (bút ký, tiểu thuyết, truyện ngắn) nhưng mọi người thường biết đến ông là một nhà thơ. Có lẽ một phần vì những năm gần đây, do tuổi cao nên ông không sáng tác văn xuôi nữa mà chỉ tập trung sáng tác thơ. Hầu hết các sáng tác của ông viết về Quảng Nam, Đà Nẵng; chỉ một số ít tác phẩm viết về Phú Yên, Quảng Ngãi.
Cảm nhận về thơ của Thanh Quế, nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng bày tỏ: “Nhiều bài thơ của Thanh Quế mang đầy đủ tinh thần nghệ thuật “cách tân trong im lặng”, tìm đến sự thể hiện cô đọng nhất, chắc gọn nhất và có tính gợi mở nhất ở dưới những lớp vỏ ngôn từ tưởng chừng mộc mạc nhưng thực sự đã được chọn lọc rất kỹ và cân nhắc rất sâu, sử dụng rất đúng chỗ.
Nhà thơ - nhà văn Thanh Quế tên thật là Phan Thanh Quế, sinh năm 1945, tại Phú Yên. Ngay sau ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông sống ở Đà Nẵng, lập gia đình và gắn bó với mảnh đất này từ đó đến nay. Ông từng theo học Trường Học sinh miền Nam khi theo cha tập kết ra Bắc vào năm 1954 rồi học khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông từng là phóng viên chiến trường Tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, phụ trách Tạp chí Đất Quảng (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) và tạp chí Non Nước (Đà Nẵng) trong nhiều năm. Hiện ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. |
Ngôn từ thơ Thanh Quế không hề thô mộc, mà là những ngôn từ đã đạt đến vẻ đẹp của sự giản dị được tinh chọn, từ và ý luôn gắn nhau chắc nịch, kết cùng tiết tấu mạnh để toát lên tứ thơ. Quan niệm thơ phải tinh gọn chứ không chọn sự dàn trải, chú ý xây dựng tứ thơ hơn ngôn ngữ, trọng thần thái hơn nhịp điệu tiết tấu, cẩn trọng chắt lọc ngôn từ nghệ thuật để những từ ngắn gọn nhất có đủ ý nghĩa và sắc thái biểu đạt cái sâu rộng và khái quát mang tính triết lý là một đặc điểm nghệ thuật rõ ràng của Thanh Quế”.
Thanh Quế viết về chiến tranh, cuộc sống mới và cả viết cho thiếu nhi. Nhưng có lẽ đề tài chiến tranh được ông yêu thích và viết đạt hơn cả. Nói về tác phẩm văn xuôi nổi bật của Thanh Quế về Đà Nẵng thì không thể không nhắc đến Cát cháy (NXB Kim Đồng) - tiểu thuyết đầu tay của ông. Tiểu thuyết này được lấy chất liệu từ những hoạt động chân thật của Đội du kích thiếu niên Hòa Hải ở vùng chân núi Ngũ Hành Sơn vào những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt.
Xuyên suốt tác phẩm là câu chuyện cảm động về sự can đảm, lòng quyết tâm, về tình bạn, tình đồng đội, tình thân vô cùng chân thực, dung dị.
Còn khi nhắc đến sáng tác thơ nổi bật của Thanh Quế về Đà Nẵng, có thể điểm đến Bản hợp xướng 76 ngày đêm: Sáng ấy/ một buổi sáng vào giữa tháng 3 năm 1966/ trời rất trong và nắng rất vàng/ một buổi sáng bình thường/ nhưng lại không bình thường như bao sáng khác/ có cái gì xôn xao/ lan tỏa trong thành phố/…/ Những khẩu hiệu sáng trưng/ trên đường Độc Lập, Đồng Khánh/ trên khắp các ngả đường/ báo hiệu nhân dân đang giành quyền tự do dân chủ/… Tác phẩm viết về cuộc nổi dậy làm chủ của nhân dân Đà Nẵng từ tháng 3 đến tháng 5-1966, đỉnh cao của phong trào đô thị miền Nam thời chống Mỹ.
2. Nhà thơ Ngân Vịnh đến với thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng tình yêu thơ của chàng trai trẻ khi ấy giữ cho riêng mình, cháy bỏng mà thầm kín. Chỉ đến khi kinh qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, thơ Ngân Vịnh mới thực sự lên tiếng. Sau khi tham gia trận Ba Gia - Vạn Tường nổi tiếng năm 1965, Ngân Vịnh được Quân khu điều động về Cục Chính trị làm phóng viên rồi biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung Trung Bộ. Từ người lính cầm súng, Ngân Vịnh trở thành người lính cầm bút. Thơ Ngân Vịnh lúc ấy được viết qua từng trận đánh, từng chiến dịch, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ Khu 5 lúc bấy giờ. Nhưng phải đến năm 1977, Ngân Vịnh mới cho ra mắt tập thơ đầu tay Tình yêu nhận từ đất (in chung với nhà thơ Thanh Quế, Ngô Thế Oanh).
Ngân Vịnh thường viết về con người, tình yêu quê hương, đất nước. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng cảm nhận về thơ của Ngân Vịnh rằng: “Nhà thơ Ngân Vịnh có sở trường về thơ lục bát, thể loại thơ dễ làm mà khó hay. Ông sử dụng ngôn từ đắc địa, nhịp điệu uyển chuyển, tứ thơ lạ, tạo nên chiều sâu cảm xúc thẩm mỹ.
Tuy nhiên, ở thể thơ tự do, ông cũng có những phá cách bất ngờ, những liên tưởng độc đáo, đem lại sự mới mẻ về nội dung và hình thức biểu đạt”. Ngân Vịnh luôn cho rằng, bất cứ trường phái nào, thơ xuất phát từ cái tâm trong sáng, không thách đố, thì người làm thơ sẽ luôn tự tìm cho mình được con đường riêng để đi mà không sợ mình cũ hay mới.
Bài thơ nổi bật viết về Đà Nẵng của Ngân Vịnh có thể kể đến như Chiều Đà Nẵng (2019): Anh muốn ở lại với em/ Muốn ở lại với chiều/ Chiều Đà Nẵng chiếu cất vào nỗi nhớ/ Anh muốn áp mặt mình lên cỏ/ Trong tiếng chuông chùa cầu nguyện cơ may/ Tình yêu nào đây/ Cuộc sống nào đây/ Biển cả mỗi ngày bước ra khoảng trống/ Anh gọi thầm - anh một mình trên phố rộng/ Mây trắng bay bay nghiêng xuống sông Hàn/…; hay bài Đà Nẵng mến yêu: Nơi đây không sinh ra tôi/ Đà Nẵng mến yêu/ vẫn để cho lòng tôi thấu tỏ/ cánh chim biển/ bay vào mái phố/ đám rêu xanh/ bức thành xưa...
Nhà thơ Ngân Vịnh quê ở xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội. Năm 1975, Ngân Vịnh chuyển vào sinh sống tại Đà Nẵng, lập gia đình rồi bén duyên với thành phố bên sông Hàn từ đó đến nay. |
MAI HIỀN