Người đua diều (NXB Hội Nhà văn, 2020) là bản trường ca về lương tâm con người được cất lên trong một giai đoạn tàn khốc của lịch sử đất nước Afghanistan. Những thanh âm tốt lành của tác phẩm sẽ mãi ngân vang, mang đến cho bạn đọc sự day dứt và hoài nhớ.
Lấy cảm hứng từ mối liên hệ giữa người Pashtun với những người thuộc chủng tộc Hazaras, tiểu thuyết gia Khaled Hosseini đã viết nên câu chuyện về tình bạn nhiều uẩn khúc, ám ảnh, nhưng cũng ngập tràn xúc động giữa Amir và Hassan.
Amir là cậu ấm được sinh ra trong một gia đình giàu có và thanh thế do Baba làm chủ, còn Hassan là con trai của Ali - người giúp việc trung thành của gia đình Baba. Trái ngược với tính cách ủy mị và yếu đuối của Amir, cậu bé Hassan mạnh mẽ, luôn nhường nhịn và can đảm bảo vệ Amir mỗi lúc cậu chủ gặp khó khăn. Hassan chưa bao giờ từ chối Amir điều gì.
Mỗi đứa trẻ có thể là một tờ giấy thơm hoặc một ngọn lửa nóng, điều đó tùy thuộc vào tình yêu thương và cách đối xử công bằng của người lớn. Trong tâm thức của Amir, bố Baba luôn ưu ái, tự hào về tính tình trầm lặng nhưng can đảm của Hassan. Còn với Amir, ông luôn giữ thái độ chừng mực, lạnh lùng. Đây cũng chính là lý do đẩy Amir đến những hiềm khích, ích kỷ, nhỏ nhen. Đã nhiều lần cậu bày trò: Vì Hassan không biết chữ nên Amir sẵn sàng viết tên cậu bé là “thằng đần độn”, vì Hassan luôn nhường nhịn nên Amir cố tình chơi trò nghịch ngợm rồi đổ vấy cho Hassan. Ngược lại, lý lẽ của Hassan dành cho Amir luôn là: “Vì cậu, vì cậu cả ngàn lần”.
Với lối kể chuyện giàu tính tự sự nhưng không kém phần kịch tính, Khaled Hosseini đã đưa độc giả đi hết sự tò mò này đến hồi hộp khác. Trong ngày hội đua diều thành phố diễn ra vào một ngày mùa đông năm 1975, Amir trở thành người chiến thắng khi cánh diều màu xanh của cậu là cánh diều cuối cùng còn lại trên bầu trời, đang xôn xao cùng gió. Tưởng chừng cậu sẽ tìm lại được hạnh phúc khi dùng sự chiến thắng để ghi điểm ngoạn mục trong mắt bố Baba. Nhưng mọi thứ tốt đẹp bỗng chốc tan biến, nhanh chóng đảo chiều vì sự hèn nhát không thể chấp nhận của Amir. Sau khi trình diễn những đường bay lượn cuối cùng, Amir đi tìm Hassan. Từ một góc khuất, Amir chứng kiến cảnh Hassan bị một đám trẻ xấu hành hung, nhục mạ. Thay vì đến hỗ trợ, Amir đã bỏ mặc cậu bạn, lặng lẽ quay về nhà. Sau đó, vì xấu hổ và tiếp tục ganh tị, Amir lại bày trò gian lận buộc bố con Ali phải khăn gói rời khỏi gia đình. Vì lòng đố kỵ, Amir đã đặt dấu chấm hết cho tình bạn từng vượt qua bức tường ngăn cách giàu nghèo, tôn giáo và sắc tộc. Chính cậu đã khởi động chuỗi ngày sống trong đau khổ vì dày vò bởi sự hèn nhát, nhu nhược, đầy tội lỗi.
Men theo dòng chảy thời gian và sự kiện, Khaled Hosseini đã khéo léo lồng ghép sự thật lịch sử của Afghanistan qua câu chuyện của Amir và Hassan - một đất nước thanh bình và xinh đẹp trước khi nội chiến diễn ra vào những năm 1970…
Bạn đọc có thể chia tác phẩm thành hai phần. Phần đầu kể về nỗi đau, sự mất mát và tội lỗi. Phần sau là cứu chuộc và hồi sinh, được bắt đầu từ khi Amir rời Mỹ trở về Afghanistan để tìm lại người bạn thời thơ ấu và cứu Sohrab, người con trai duy nhất của Hassan đang rơi vào tay của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Hành trình trở về ấy rất vất vả và nguy hiểm, Amir sẵn sàng dùng cả sinh mạng của mình để đánh đổi tự do cho Sohrab.
“Vì cháu Sohrab, vì cháu cả ngàn lần rồi”, khoảnh khắc Amir thốt lên câu nói này cũng chính là lúc trái tim độc giả vỡ òa vì nhận ra: Người không có lương tâm sẽ không bao giờ biết đau khổ. Thực ra, Amir chưa bao giờ là người xấu, trái tim cậu ấy chỉ chưa thực sự đặt đúng chỗ mà thôi. “Sẽ luôn có một con đường để mọi thứ tốt lành trở lại, con đường đó được dẫn dắt bởi lòng tốt, đó cũng là sự chuộc lỗi thành thật nhất”, đó cũng là thông điệp bao trùm và xuyên suốt tiểu thuyết Người đua diều.
Người đua diều xứng đáng nắm giữ vị trí best-seller (bán chạy nhất) trong hơn 100 tuần liền do Báo The New York Times bầu chọn, được dịch ra 42 thứ tiếng, xuất bản tại hơn 38 quốc gia. |
DIỆU THÔNG