1. Đêm khuya, bạn gọi điện than buồn, kể ti tỉ chuyện rồi bảo: “Chắc tui trầm cảm, nhưng tâm sự thì chồng bảo tui ăn nói bậy bạ. Chẳng biết phải làm sao”. Tiếng bạn thở dài vọng lại từ bên kia đầu dây.
Bạn từng là cây viết xông xáo, thực hiện nhiều phóng sự/phóng sự điều tra. Kết hôn, chuyển từ trung tâm thành phố về nhà chồng sinh sống, bạn miệt mài vượt quãng đường 30 cây số cả chặng đi lẫn chặng về mỗi ngày để làm việc. Sau đó, bạn mang thai, thai yếu nên phải tạm dừng công việc. Từ đó, mọi kết nối dường như khép lại, niềm vui trong bạn cũng từ từ phai nhạt. Thương con, bạn ở nhà thêm hai năm để chăm sóc. Những nỗi buồn không có người tâm sự, những khúc mắc không thể giải tỏa khiến tâm trạng bạn ngày càng bức bối, căng thẳng. Nhưng khi chia sẻ với chồng, bạn chưa nhận được sự quan tâm.
Trường hợp của bạn không phải cá biệt. Trong quá trình tìm hiểu về vấn đề này, tôi gặp nhiều người trầm cảm chưa nhận được sự thấu hiểu từ người thân, gia đình khiến việc điều trị gặp khó khăn hoặc chậm trễ. Sự hiểu biết không đầy đủ, hoặc sai lệch, cho rằng trầm cảm không phải bệnh lý mà là sự yếu đuối hay thiếu ý chí không chỉ khiến người nhà bệnh nhân “từ chối” tiếp nhận thông tin, hỗ trợ mà còn khiến người bệnh có hành vi xấu hổ, che giấu về tình trạng bệnh.
2. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là bệnh lý mạn tính, phổ biến nhất trên toàn thế giới và cần điều trị lâu dài. Năm 2020, bệnh trầm cảm vượt qua bệnh ung thư, tiểu đường để trở thành căn bệnh thứ hai đe dọa sức khỏe con người chỉ sau tim mạch. Đáng chú ý, một trong những triệu chứng của rối loạn trầm cảm chủ yếu - Major Depressive Disorder - là sự xuất hiện ý tưởng tự sát thoáng qua hoặc ý định tự sát hay đã thử thực hiện tự sát (tiêu chuẩn chẩn đoán của Hiệp hội Tâm thần Mỹ - APA). WHO thống kê, cứ 40 giây trên thế giới lại có 1 người tự tử do trầm cảm, hơn 2.000 ca mỗi ngày, hay 804.000 người tự tử mỗi năm.
Dẫu tác hại mà trầm cảm gây ra không thua kém bất cứ loại bệnh nào nhưng lại ít nhận được sự quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Đơn cử, chỉ trong một tuần, có hai phụ nữ nhảy lầu tự tử tại Thành phố Hồ Chí Minh, cả hai đều điều trị bệnh trầm cảm. Tại Đà Nẵng, anh N.T.M (quê tỉnh Quảng Nam) qua đời ở cầu Thuận Phước vào năm 2020; bà N.T.N (ngụ quận Thanh Khê) nhảy lầu tử vong khi đang điều trị bệnh tại bệnh viện năm 2019…
3. Không chỉ đang có chiều hướng gia tăng, trầm cảm còn ngày càng trẻ hóa. Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8-29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, ít nhất có 4 học sinh tự vẫn trong năm học 2019-2020 liên quan đến trầm cảm.
Từ thực tế này, có thể xem trầm cảm là căn bệnh đặc trưng của xã hội hiện đại. Trầm cảm không còn là câu chuyện của riêng ai, bất cứ người nào cũng có thể mắc phải. Vì vậy, việc sớm nhận biết các dấu hiệu trầm cảm để phòng tránh hoặc can thiệp kịp thời, giúp nâng cao khả năng chữa trị là vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, quan trọng nhất vẫn là nhận thức đúng đắn và đầy đủ về trầm cảm của cả xã hội. Hiểu đúng để phát hiện những thay đổi bất thường của chính mình hoặc những người xung quanh. Hiểu đúng để đến đúng địa chỉ thăm khám, tư vấn, điều trị. Hiểu đúng để thấu hiểu, hỗ trợ, động viên bệnh nhân trầm cảm hiệu quả và tránh bị tác động ngược trở lại… Trong một cuốn sách viết về bệnh trầm cảm, PGS.TS tâm lý học Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, một trong những phương pháp - liều thuốc quan trọng để xoa dịu nỗi buồn, sự cô độc, bế tắc, đó là lòng yêu thương và sự kiên nhẫn của người thân. Một cái nắm tay bằng tất cả yêu thương sẽ giúp họ bình an đi qua cơn đau mang tên “trầm cảm”.
MỘC NHIÊN