Chọn ngành học cho tương lai

Hiểu đúng mình để chọn ngành phù hợp

.

Việc giáo dục hướng nghiệp hiện nay không chỉ là vấn đề của riêng ngành giáo dục mà là vấn đề chung của toàn xã hội, bởi học sinh THPT chính là nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Học sinh đang chọn nghề như thế nào?

Các thầy cô Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) vào từng lớp để tư vấn cách chọn ngành, chọn nghề cho học sinh. Ảnh: Q.T
Các thầy cô Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) vào từng lớp để tư vấn cách chọn ngành, chọn nghề cho học sinh. Ảnh: Q.T

Cô Hồ Thanh Nga, giáo viên môn Địa lý, Trường phổ thông Hermann Gmeiner (quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ, mỗi mùa tuyển sinh đến, cả cô lẫn trò đều rất băn khoăn, trăn trở chọn ngành, chọn trường, chọn nghề. Học sinh hiện nay có quá nhiều kênh để tiếp cận thông tin, từ gia đình, thầy cô, bạn bè, thông qua chương trình tuyển sinh của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) về tận trường đến tự tìm hiểu trên mạng. Hơn nữa, ngày trước, học sinh phải hoàn thiện hồ sơ đăng ký chọn trường, chuyên ngành trước khi bước vào kỳ thi; ngày nay, các em có một lợi thế rất lớn là biết điểm rồi vẫn được xem xét điều chỉnh các nguyện vọng từ cao xuống thấp sao cho linh hoạt. “Từ các lớp mình giảng dạy, tôi nhận thấy chọn nghề theo nhu cầu xã hội đang là xu hướng phổ biến nhất hiện nay. Các em thường chọn nghề “hot”, thu nhập cao, dễ xin việc như công nghệ thông tin, du lịch, dịch vụ, quan hệ công chúng… Điều này không hẳn sai nhưng tôi thường khuyên học trò rằng, đừng chạy theo xu hướng xã hội mà hãy chọn nghề theo sở thích, đam mê của bản thân. Nếu bạn làm những gì bạn yêu thích, bạn sẽ không bao giờ nghĩ mình đang phải làm việc. Còn gì trọn vẹn hơn khi được làm một nghề nghiệp mà mình vừa đam mê, hứng thú, lại có năng khiếu về nó”.

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi quan trọng, một ngưỡng cửa bước vào cuộc đời: Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021 và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2021. Thời điểm này, các em đang cân nhắc để nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ. Nguyễn Thị Mỹ D. (học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền) bày tỏ: “Đến bây giờ em vẫn chưa chọn được ngành/trường học cho mình. Em nghĩ mình sẽ chọn ngành trước, rồi mới chọn trường sau. Từ khi bước qua học kỳ 2 đến giờ, em vào mạng tìm hiểu về điểm các năm trước của trường có ngành mình yêu thích. Hiện tại, với sức học của mình, em “ngắm nghía” được vài trường nhưng đó mới chỉ là ý kiến của riêng em. Khi nào làm hồ sơ, ba mẹ, người thân trong gia đình còn góp ý nhiều”.

Một buổi tư vấn tuyển sinh trong tiết Chào cờ tại Trường THPT Ngô Quyền (quận Sơn Trà). Ảnh: Q.T
Một buổi tư vấn tuyển sinh trong tiết Chào cờ tại Trường THPT Ngô Quyền (quận Sơn Trà). Ảnh: Q.T

Huỳnh Thị Ngọc A. (lớp 12, Trường THPT Tôn Thất Tùng) bối rối không kém: “Em nghĩ bây giờ việc chọn một trường ĐH, CĐ để nộp hồ sơ không phải là quá khó. Qua các buổi tư vấn hướng nghiệp tại trường, em thấy cánh cửa vào ĐH khá rộng mở. Hầu như sức học nào cũng có trường phù hợp. Vấn đề là phải chọn được trường uy tín, sinh viên tốt nghiệp ra trường có tỷ lệ việc làm cao. Và em nghĩ quan trọng nhất là mình phải chọn ngành học, nghề nghiệp mà bản thân thực sự yêu thích chứ không vì bất cứ điều gì tác động”.

Thực tế, xu hướng chọn ngành, chọn nghề của học sinh đang có sự thay đổi lớn. Một số ngành học từng được cho là ngành nghề “hot” vì tính chất ổn định như: Sư phạm, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán... đã giảm nhiệt. Hiện nay, học sinh hướng đến việc chọn lựa các ngành học mang tính chất năng động, hội nhập trong thời đại toàn cầu hóa như: Du lịch, Văn hóa nước ngoài, Điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin, Quản trị nhà hàng - khách sạn… Thầy Lê Viết Chung, giảng viên khoa Tin học, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho hay, trong những lần gặp gỡ các sĩ tử lớp 12, thầy thường nghe các bạn bày tỏ trăn trở “Mình học bình thường như thế này thì biết chọn nghề gì bây giờ?”. Thầy khuyên học trò, sức học bình thường thì nên chọn nghề bình thường. Nghề bình thường ở đây là nghề vừa sức học, vừa tầm tư duy chứ không có nghề cao, nghề thấp, nghề sang, nghề hèn. Điều quan trọng là em thích làm nghề gì và thấy khả năng, trí tuệ, phẩm chất của mình phù hợp. Cái này nhiều khi bản thân mình không nhìn ra nhưng cha mẹ, anh em, bạn bè và thầy cô có thể nhìn được và góp ý nên đó là một kênh tư vấn hay nhất.

Những năm trước, xét tuyển học bạ dường như là phương thức được lựa chọn sau cùng. Nhưng trong những năm gần đây, phương thức này trở nên phổ biến nên tỷ lệ cạnh tranh không thua kém so với xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, đây là lựa chọn phù hợp với nhiều thí sinh, khi kết quả bài làm chưa giúp các em yên tâm trúng tuyển. Việc chuyển đổi sang cách thức xét tuyển học bạ là thêm trúng tuyển ĐH. Nguyễn Linh N. (Trường THPT Hoàng Hoa Thám) chia sẻ: “Chị của em vừa tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm ngoái nên có nhiều kinh nghiệm chia sẻ cho em. Theo chị ấy, thí sinh không cần lo lắng vì sau khi thi, nhiều trường ĐH vẫn kéo dài thời gian xét tuyển từ học bạ, để sau khi biết điểm thi, thí sinh vẫn có thể thay đổi lựa chọn. Lúc này, tụi em sẽ đánh giá điểm thi và cơ hội trúng tuyển để thay đổi nguyện vọng. Chọn trường hay chọn ngành theo mơ ước, học trường nào cho phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện kinh tế gia đình”.
Không nên chọn nghề chỉ vì hợp xu hướng

Chọn nghề theo nhu cầu xã hội đang là xu hướng phổ biến nhất hiện nay. Sự lựa chọn này nhằm bảo đảm chắc chắn đầu ra. Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực của xã hội có thể thay đổi và phụ thuộc nhiều biến động, yếu tố khách quan. Trong khi đó, yếu tố năng lực luôn phụ thuộc vào ý chí, bản lĩnh và tình yêu của cá nhân mà điều đó có thể rèn luyện, phát triển, chuyển hóa để phù hợp với nhịp độ hay nhu cầu của xã hội. “Tính cách của mỗi ngườinếu phù hợp với công việc sẽ giúp bản thân phát triển và thăng hoa hơn. Ví dụ, người làm hướng dẫn viên du lịch, ngoài các yếu tố chuyên nghiệp của nghề, nếu có tính cách hài hước thì chắc chắn sẽ thành công hơn. Người đi dạy ngoài kiến thức chuyên môn, nếu dí dỏm, hay quan tâm đến người khác, thích hoạt động văn nghệ thì chắc chắn sẽ phát triển hơn. Bởi vậy, tính cách, năng lực bản thân cần được đặt cao hơn nhu cầu xã hội trong lựa chọn ngành nghề”, thầy Lê Viết Chung tư vấn.

Theo TS. Nguyễn Linh Nam, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), để chọn đúng ngành học phù hợp, trước hết thí sinh cần hiểu về chính mình. Các em cần nhận định rõ về tính cách, sở thích, đam mê và ước muốn về con người mà mình muốn trở thành trong tương lai. Từ xác định đúng tính cách, sở thích, đam mê, sẽ chọn ngành nghề phù hợp nhất. Thứ hai, xác định đúng năng lực bản thân. Cụ thể, cần xác định thích học và học tốt môn tự nhiên hay môn xã hội; có khả năng ăn nói, thuyết phục người khác; giỏi ngoại ngữ, hay có khả năng sử dụng máy tính tốt… Đây đều là các thế mạnh bản thân mà thí sinh cần xác định để từ đó chọn lựa ngành học phù hợp. “Để giúp học sinh lựa chọn chính xác nghề nghiệp tương lai, cần sự trợ giúp của gia đình và nhà trường. Phụ huynh nên căn cứ thực lực, sở thích của con em mình để gợi ý, tư vấn, tạo tâm lý thoải mái cho con em trong việc chọn trường, chọn nghề. Đừng nên áp đặt, ép buộc các em. Cùng với đó, nhà trường, nhất là các giáo viên, cũng đóng vai trò khá quan trọng trong việc tư vấn chọn trường, chọn nghề cho học sinh”, thầy Nam cho biết thêm.

Đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời, việc đưa ra quyết định đúng hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân của học sinh dựa trên sự tham khảo ý kiến thầy cô, gia đình, bè bạn. Bản thân các em hiểu rõ nhất mình thực sự đam mê điều gì để quyết định theo đuổi. Theo thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, yếu tố nhu cầu xã hội chi phối rất nhiều đến việc chọn nghề của các bạn trẻ, cũng như chi phối phụ huynh trong việc tư vấn chọn nghề cho con. “Tuy nhiên, từ những trải nghiệm của bản thân, tổng hợp nhiều yếu tố trong công việc cũng như thực tế xã hội, tôi cho rằng chọn nghề theo nhu cầu xã hội là không phù hợp. Bởi lẽ, nhu cầu xã hội không bất biến mà luôn thay đổi theo thời gian, có thể nghề này rất hot ở thời điểm này nhưng nhu cầu sẽ thấp ở thời điểm khác... Tôi khuyên các bạn hãy chọn nghề mình yêu thích, phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân”.

 "Chọn nghề theo nhu cầu xã hội là không phù hợp. Bởi lẽ, nhu cầu xã hội không bất biến mà luôn thay đổi theo thời gian, có thể nghề này rất hot ở thời điểm này nhưng nhu cầu sẽ thấp ở thời điểm khác... Tôi khuyên các bạn hãy chọn nghề mình yêu thích, phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân”
Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng 

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích