Trước ảnh hưởng của Covid-19, từ mùa tuyển sinh đại học năm 2020, các trường đại học (ĐH) tăng cường công tác truyền thông tư vấn tuyển sinh thông qua livestream (phát trực tiếp) trên fanpage (trang chia sẻ thông tin) tuyển sinh của trường; tư vấn trên fanpage, trang web, hotline (đường dây nóng)… Và mùa tuyển sinh năm 2021 cũng không ngoại lệ. Theo đó, thí sinh dễ dàng đặt câu hỏi, được giải đáp cụ thể thông qua các kênh trực tuyến.
Chương trình tư vấn trực tuyến tuyển sinh đại học hệ chính quy của Đại học Đà Nẵng được tổ chức vào sáng 7-3-2021. (Ảnh chụp từ livestream) |
Nhiều hình thức tư vấn trực tuyến
Định hướng thi vào ngành Báo chí, khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) từ năm lớp 11 nên em Phạm Thị Mỹ Tâm (lớp 12, Trường THPT Liên Chiểu) đã bắt đầu tìm hiểu thông tin về chương trình đào tạo, cách thức xét tuyển cũng như cơ hội nghề nghiệp của ngành Báo chí thông qua những thông tin đăng tải trên fanpage, trang web của trường ngay từ lúc ấy. Mỹ Tâm chia sẻ: “Sau khi xác định thi vào ngành Báo chí, khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm, em tìm hiểu thông tin trên fanpage cùng trang web của trường. Qua các kênh trực tuyến, em chia sẻ những thắc mắc của bản thân về điều kiện đầu vào gồm những môn nào, hình thức tuyển sinh, học báo chí thì ra trường làm những nghề gì, cơ hội việc làm như thế nào…; và em đã được giải đáp chi tiết, dễ hiểu. Bên cạnh đó, em cũng dành thời gian theo dõi các buổi livestream tư vấn tuyển sinh năm 2020 của trường để có nhiều thông tin hơn”.
Luôn đồng hành với controng quá trình lựa chọn ngành học phù hợp, anh Phạm Thế Dũng, phụ huynh của Mỹ Tâm chia sẻ: “Tôi không rành công nghệ nên không thể chủ động tìm hiểu thông tin về trường, về các ngành đào tạo để tư vấn cho con. Nhưng mỗi khi con tìm hiểu được thông tin gì thì trao đổi lại với tôi. Rồi mỗi lần có livestream tư vấn tuyển sinh, tôi sắp xếp thời gian để xem cùng con. Tôi nhận thấy hình thức tư vấn này rất hay, nhất là trong tình hình dịch bệnh. Con tôi cũng dễ dàng xem lại thông tin khi có nhu cầu”.
Em Trần Thị Yến Nhi (lớp 12, Trường THPT Hòa Vang) dự kiến thi vào khoa Quan hệ Quốc tế, Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nên những thông tin về trường và về khoa được em tìm hiểu thông qua fanpage, trang web của trường, cũng như từ những anh chị cựu sinh viên.
Đẩy mạnh quảng bá tuyển sinh vào tháng 3, 7 và 10
Theo ThS. Nguyễn Vinh San, Trường phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng): Trên nền tảng phát triển của công nghệ thông tin, nhà trường đã triển khai tư vấn tuyển sinh trực tuyến từ nhiều năm nay. Đặc biệt, năm 2020 và 2021, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, các phương thức tư vấn tuyển sinh truyền thống như tổ chức các đoàn về các trường THPT, ngày hội tư vấn tuyển sinh…, hầu như không thể diễn ra thì tư vấn tuyển sinh trực tuyến giải quyết được bài toán này.
Ngay sau khi kết thúc mùa tuyển sinh năm 2020, từ tháng 10-2020, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đã tổng kết về công tác tư vấn tuyển sinh để đánh giá, rút kinh nghiệm. Theo đó, từ tháng 1-2021, trường triển khai các hoạt động liên quan công tác tư vấn tuyển sinh. Với tư vấn tuyển sinh trực tuyến, nhà trường đã nâng cao việc đầu tư cơ sở vật chất về công nghệ thông tin để bảo đảm đường truyền cùng chất lượng hình ảnh, âm thanh khi tổ chức livetream. Xây dựng kịch bản livestream có nội dung phong phú để thu hút thí sinh, phụ huynh theo dõi. Đội ngũ thầy, cô giáo tham gia tư vấn tuyển sinh trực tuyến được tập huấn kỹ năng nói trước ống kính.
ThS. Nguyễn Vinh San cũng cho hay, qua khảo sát tân sinh viên năm 2020 về thời điểm lựa chọn ngành nghề, có 35,2% chọn ngành trước khi vào lớp 12; 21,1% chọn trong học kỳ 1 lớp 12; 24,2% chọn vào đợt đăng ký nguyện vọng một và 18,4% chọn vào đợt thay đổi nguyện vọng. Vì vậy, trong năm 2021, nhà trường xác định các thời điểm trọng tâm để đẩy mạnh các hoạt động quảng bá tuyển sinh là các tháng 3, 7 và 10.
Cùng với đó, thông qua khảo sát kênh tuyển sinh mà thí sinh thường tìm kiếm, có 68,1% tìm hiểu thông tin qua Facebook; 20,3% qua Google; 8,9% qua người thân và cựu sinh viên. Vì vậy, năm 2021, trường chú trọng quảng bá tuyển sinh qua các kênh của Google như top tìm kiếm, google ads… và xây dựng tick xanh cho fanpage của trường để tránh việc thí sinh bị nhiễu loạn thông tin trước nhiều trang giả mạo.
Tận dụng nền tảng công nghệ số
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho hay: “Nhà trường đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ tư vấn, tổ thiết kế để thực hiện việc tư vấn tuyển sinh chuyên nghiệp, đồng bộ. Riêng về tư vấn tuyển sinh trực tuyến, nhà trường dự kiến tổ chức 4 chương trình livestream. Đồng thời, trường đẩy mạnh truyền thông, cung cấp thông tin về tuyển sinh trên fanpage tuyển sinh, trang web tuyển sinh của trường và các khoa; tạo diễn đàn group khóa 2021 để tư vấn, giải đáp thắc mắc của thí sinh; kích hoạt các số hotline, email tư vấn 24/7 và tăng cường quảng bá, giới thiệu học hiệu của trường trên kênh YouTube DUT Media”.
Năm 2021, Trường ĐH Bách khoa dự kiến tuyển 3.150 chỉ tiêu. Đối với phương thức tuyển sinh riêng, ngoài 5 nhóm đối tượng như năm 2020, năm nay nhà trường bổ sung thêm 2 nhóm xét tuyển mới gồm: học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; học sinh đạt chứng chỉ quốc tế SAT (điểm mỗi phần tối thiểu 550) hoặc chứng chỉ ACT từ 24 điểm (thang điểm 36). Trường cũng dự kiến mở 1 ngành, 1 chuyên ngành mới là ngành Kỹ thuật ô-tô và chuyên ngành Logistic & quản lý chuỗi cung ứng thuộc ngành Quản lý công nghiệp.
Thầy Đoàn Quang Vinh đánh giá: “Tư vấn tuyển sinh trực tuyến đang được hầu hết các trường ĐH, CĐ chú trọng, nhất là trong bối cảnh Covid-19 . So với hình thức tư vấn tuyển sinh trực tiếp, tư vấn tuyển sinh trực tuyến tận dụng được nền tảng của công nghệ số, giúp phụ huynh và thí sinh dễ dàng tiếp cận thông tin hơn, không phải di chuyển đến địa điểm tư vấn. Đồng thời, đối với tư vấn tuyển sinh trực tuyến, thí sinh cũng mạnh dạn hơn trong việc đặt câu hỏi về ngành học và có thể xem lại video livestream bất cứ lúc nào”.
MAI HIỀN