Bao gồm 10 lá thư được chắt lọc nội dung tỉ mỉ và cẩn trọng, văn phong nhẹ nhàng và lôi cuốn, với tinh thần chính “Giúp bạn vươn tới một nơi cao hơn”, Cửa tiệm của những lá thư của nhà văn Nhật Bản Yasushi Kitagawa (NXB Văn học) chính là cuốn cẩm nang gối đầu giường của nhiều người trẻ.
Để dẫn dắt bạn đọc, mở đầu câu chuyện, tác giả khéo tạo ra một không gian vừa quen vừa lạ, vừa hấp dẫn vừa lắm mơ hồ là Thư quán. Ở Thư quán, điều dễ bắt gặp nhất là những băn khoăn của tuổi trẻ, thông qua những câu hỏi của Nishiyama Riouta: Sau khi tốt nghiệp, ta sẽ chọn nơi làm việc như thế nào? Là công ty có danh tiếng hay là nơi thực sự phù hợp với sở trường, sở thích? Mục tiêu cụ thể của việc đi làm là kiếm tiền hay tìm kiếm cơ hội để học hỏi, để làm người tử tế? Thế nào là một công việc ổn định?…
Trong hành trình trưởng thành và tìm kiếm giá trị của bản thân, những câu hỏi như trên luôn được người trẻ đặt ra. Tuy nhiên, để tìm được những câu trả lời thích đáng, tìm được cách hành động thông minh, tinh tế và phù hợp thì cần lắm sự dụng công. Người chủ của Thư quán (tác giả gọi tắt là Quán chủ) đã chọn cho mình cách kiếm tiền bằng hình thức kinh doanh đặc biệt, đó là mở một dịch vụ viết thư tay. Tất cả thắc mắc, nghi vấn của khách hàng lần lượt được chia sẻ và giải đáp thông qua 10 lá thư. Đến lá thư cuối cùng, nếu khách hàng cảm thấy vấn đề của mình đã được giải quyết ổn thỏa thì có thể trả công cho quán chủ bằng tiền, hiện vật, hoặc bằng bất kỳ một điều gì đó mà họ cảm thấy xứng đáng.
Một trò chơi tâm lý mơ hồ nhưng hấp dẫn, có vẻ phi lý nhưng lại rất kích thích trí tò mò đã bắt đầu. Và Yasushi Kitagawa không làm người đọc thất vọng. Ở lá thư đầu tiên, chàng sinh viên năm 4 Riouta bộc bạch tâm sự rằng, cậu chuẩn bị ra trường, đã gửi hồ sơ đến xin phỏng vấn ở một vài công ty nhưng rắc rối lớn nhất là dù dành nhiều thời gian để suy nghĩ nhưng vẫn chưa tìm ra được việc mình thực sự muốn làm. Cậu cũng không biết định hướng theo con đường nào, bản thân phải làm sao thoát khỏi sự chậm trễ so với bạn bè?
Đáp lại tâm lý bối rối, có phần bế tắc và bất lực của khách hàng, Quán chủ đã có những hồi đáp chân tình và sâu sắc. Lá thư chỉ cho những người trẻ biết về thế giới họ đang sống và thế giới mà họ hiểu thực sự khác nhau đến thế nào. Trong mắt những sinh viên vừa tốt nghiệp thì đi làm chỉ là để kiếm tiền, có tiền là có thể tiếp tục cuộc sống, tiền là tín hiệu của thành công. Thế nhưng, cuộc sống thực tế không chỉ được vận hành bằng tiền mà còn bằng nhiều giá trị khác có thể trao đổi, đó có thể là “lòng tin”, là “thái độ vui vẻ”, hay “sự tử tế”…
Để tiếp nối câu chuyện, 9 lá thư khác được trao đi với nhiều lời khuyên. Những đúc kết thấu tình đạt lý được Quán chủ đưa ra với mật độ không quá dày đặc, khiến mỗi người đều dễ dàng khắc sâu và áp dụng: Trời sẽ giúp ai biết tự giúp mình; kẻ thất bại lựa tài năng làm gốc, người thành công đặt nhiệt huyết làm đầu; thứ cần thiết với cuộc đời một người luôn có sẵn xung quanh họ; chỉ những người vượt qua nghịch cảnh mới mạnh mẽ lên; biến khủng hoảng thành cơ hội là điều cần thiết của những người muốn thành công…
Cửa tiệm của những lá thư được viết bằng giọng văn nghiêm cẩn nhưng lại rất đỗi chân thành, tựa như những người anh em, họ hàng trong gia đình đang nói chuyện với nhau. Những lý lẽ và câu chuyện dẫn dắt khách quan được truyền đi bằng trường năng lượng yêu thương thông qua một trái tim giàu bao dung và rộng mở.
Yasushi Kitagawa thực sự trở thành người bạn lớn của nhiều thế hệ thanh, thiếu niên trên khắp thế giới thông qua tác phẩm Cửa tiệm của những lá thư. Với ông, tuổi trẻ cần can đảm nhưng tuổi trẻ cũng có thể phạm sai lầm, tuổi trẻ cần nhiệt huyết nhưng tuổi trẻ cũng là những người có thể bước đi thật chậm, chỉ cần họ còn biết tin và biết yêu.
"So với việc thành hay bại trong quá trình xin việc trước mắt, cuộc đời sau này ra sao, ta sẽ sống là chính mình như thế nào mới là điều quan trọng hơn hẳn. Điều đó, tôi muốn gửi đến cho những bạn trẻ, những người thường có những mối lo chung. Với quyết tâm đó, tôi đã khởi thảo cho tác phẩm này đây” Nhà văn Yasushi Kitagawa |
MINH THI