Ông quan đào huyệt cho... mình

.

Sát bên bờ kênh thủy lợi của cánh đồng Bà Nú thuộc khu 7, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), có ngôi mộ của một vị quan triều Nguyễn được vua Tự Đức khen ngợi là “Quan giỏi hiếm có”. Điều lạ lùng hơn là chính người nằm dưới nấm mộ này đã tự tay đào huyệt để chờ ngày mình về với tổ tiên.

Mộ Nguyễn Tạo (ảnh trái) và bia mộ của ông được con cháu trùng tu năm 2002. Ảnh: T.M
Mộ Nguyễn Tạo (ảnh trái) và bia mộ của ông được con cháu trùng tu năm 2002. Ảnh: T.M

Nguyễn Tạo, tên thật là Nguyễn Công Tuyển, tự Thăng Chi, sinh năm 1821 tại làng Hà Lam, phủ Thăng Hoa (nay thuộc thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Theo sách Đại Nam liệt truyện, ông là con trai trưởng của cụ Nguyễn Đạo, một nhân sĩ đầu tiên của vùng đất Thăng Hoa lúc bấy giờ, là anh ruột của Hà Đình Nguyễn Thuật.

Lúc còn nhỏ, Nguyễn Tạo nổi tiếng thông minh nên từ năm 1846 ông đỗ Hương tiến 2 (cử nhân) tại Trường thi Thừa Thiên. Song, con đường khoa cử đối với ông quá gian nan, lận đận bởi cả 4 lần thi Hội ông đều thất bại. Bấy giờ, thi Hội được tổ chức 3 năm một lần; nếu đỗ cả 4 kỳ thi trong lần đó thì đậu đại khoa, được vào thi Đình (Đình thí).

Cũng theo sách Đại Nam liệt truyện, năm Nhâm Tuất 1862, Nguyễn Tạo được bổ làm Huấn đạo huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, sau đó ít lâu chuyển vào giữ nguyên chức này tại huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, rồi triều đình Nhà Nguyễn rút về kinh thành Huế giữ chức Biên tu khảo dị thơ văn, sách sử (thuộc Quốc Sử quán, cơ quan biên soạn lịch sử, văn hóa, địa lý) của triều đình.

Năm Thiệu Trị thứ 18 (1865), Nguyễn Tạo được bổ chức Tri huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đây là một huyện mới được thành lập, cuộc sống của đồng bào vô vàn khó khăn. Song, chưa đầy 3 năm giữ chức quan huyện, Nguyễn Tạo đã làm thay đổi cả vùng đất này rất nhiều. Hồi ấy, Phù Cát có 2 làng An Lạc và Vĩnh Thắng dân đông, ruộng ít nên ông đã trực tiếp khuyên làng Chính Lợi ở bên cạnh cắt bớt 25 mẫu đất công điền giao cho làng Vĩnh Thắng 10 mẫu, làng An Lạc 15 mẫu để cày cấy.

Cuộc sống của dân làng ngày càng khấm khá, an cư nên quan Án sát sứ tỉnh Bình Định là Thân Văn Nhiếp viết sớ dâng lên triều đình về công lao của ông làm cho dân Phù Cát yên ấm. Thân Văn Nhiếp cũng đệ trình rằng, Nguyễn Tạo là quan thanh liêm, đức độ, tài cán, có khả năng làm được nhiều việc trong kinh thành Huế. Vua Thiệu Trị liền ban thưởng cho Nguyễn Tạo chiếc Nhất kim khánh (chiếc thẻ bài bằng vàng để ghi công) có các chữ “liêm, bình, cần, cán”, thăng chức Tri phủ (một chức quan văn thuộc Bộ Lại trong triều), đồng thời lệnh Bộ Lại làm ngay văn tự thông báo quan toàn triều và các địa phương nắm rõ lý do mà vua thăng đặc cách chức này cho Nguyễn Tạo nhằm khuyến khích và làm gương.

Năm Mậu Thìn 1868, Nguyễn Tạo được bổ chức Án sát sứ tỉnh Hải Dương. Lúc đó, tướng nhà Thanh là Tắng Á Trị đem quân vào các phủ huyện Nam Sách, Đông Triều cướp bóc, ông cùng Đề đốc Đặng Duy Ngọ mang lính vây đánh chúng thua chạy. Đặng Duy Ngọ được vua tặng thưởng một đồng tiền vàng Tứ Mỹ, còn ông một đồng tiền vàng Tam Thọ (hai loại tiền để thưởng cho quan có công trạng của triều đình).

Năm 1872, cụ Nguyễn Đạo từ trần, Nguyễn Tạo về quê thọ tang cha theo hiếu đạo. Khi quay lại tiếp tục con đường quan lộ, ông được thăng chức Thị độc học sĩ Sung biện các vụ, rồi lần lượt giữ chức Bố chánh các tỉnh Quảng Bình, Nam Định. Tuy nắm giữ chức quan đứng đầu cấp tỉnh nhưng Nguyễn Tạo luôn đau đáu nỗi lòng với quê hương xứ Quảng bởi vùng thượng du tỉnh nhà nhiều núi non hiểm trở, hoang vu, cư dân thưa thớt, cần phải có nha sơn phòng để bảo vệ suốt một dải từ đồn Bảo Định đến đồn Phước Sơn. 

Vua Tự Đức thuận ý với lời đề đạt của Nguyễn Tạo và cho rằng ông là người tài giỏi, tốt tâm, liền cho đổi lĩnh từ chức Bố chánh sang chức Chánh nha sơn phòng. Hôm ông ra đi nhậm chức Chánh nha sơn phòng, vua Tự Đức phê: “Ngươi chuyến này nên làm thế nào sớm được thành hiệu khiến cho dân ngày thêm được vui về điều lợi”.

Khi giữ chức Chánh nha sơn phòng Quảng Nam, Nguyễn Tạo làm ngay sớ dâng xin được lấp sông Vĩnh Điện, mở sông Ái Nghĩa để phát triển nông điền. Giữa lúc đó, vào năm Tự Đức thứ 31 (1878), ông bị cách chức với lý do lúc ông làm Bố chánh tỉnh Nam Định đã để thuộc hạ coi kho đục khoét công quỹ. Ông bị điều về Tỉnh thành Quảng Nam chuyên làm việc doanh điền và khơi sông. Nguyễn Tạo không chỉ có tài về quân binh mà còn rất giỏi văn chương nên sau đó ông được trả lại hàm Biên tu được một thời gian rồi bổ làm Giáo thụ Thăng Bình và  Đốc học Quảng Nam. 

Năm 1885, Nguyễn Tạo được thăng chức Trước tác Sung cơ mật (chức quan của Viện cơ mật - cơ quan đặc trách để vua tham khảo về những vấn đề trọng mật, nhất là quân sự) nhưng ông từ chối để lo công việc Đốc học Quảng Nam. Chỉ một năm từ khi ông không nhận chức trong Viện cơ mật, vua lại bổ chức Thừa biện Quốc sử quán nhưng lúc này ông bắt đầu xao nhãng và không còn thiết tha gì với quan triều nữa.

Chỉ được vài tháng lo việc sách vở cho cung đình và cảm thấy sức khỏe giảm sút nhiều, Nguyễn Tạo xin gửi lại áo mũ để về làng Hà Lam. Việc trước tiên khi về quê nhà là ông chọn một khu đất ở hướng đông nam nhà mình để đào, xây sẵn một cái huyệt (gọi là kim tĩnh - ĐNCT) chờ ngày chính mình yên nghỉ. Xung quanh nhà, ông trồng nhiều hoa, cây cảnh, hằng ngày mời bè bạn tới đến du lãm, trà rượu, bình luận văn chương, thời thế.

Ngày 2 tháng 10 năm Quý Tỵ (1891), ông qua đời, được truy thụ chức Hàn lâm viện Thị giảng. Sách Đại Nam liệt truyện nhị tập, quyển 36, mặt khắc 18 đã ngợi ca ông: “Nguyễn Tạo là quan thanh liêm, giỏi giang, làm quan ở đâu cũng đều có tiếng tốt, được vua phê “Quan giỏi hiếm có…”.

THÁI KIỀU VI

;
;
.
.
.
.
.