Ngoài Tết, tháng Giêng còn mê hoặc lòng người bởi những lung linh gió nắng. Một màu nắng trải mật, và cả những làn rét ngọt…
Tháng Giêng là tháng ăn chơi. “Ăn chơi” trong khái niệm của người nông dân đó là những lúc nông nhàn, khi việc đồng áng tạm được gác qua một bên. Lúa đã cấy xong, ngô, đậu vẫn đang chờ mùa bắt sâu làm cỏ, người nông dân có dịp để bớt tất bật. Chẳng vậy mà dưới làn nắng ấm sáng nay, cô con gái của mẹ từ xa trở về có cớ thảnh thơi, nhẹ nhõm bước ra sân hít hà mùi ngai ngái dậy lên từ chồi xanh, lộc biếc. Chợt cô nghe tiếng trống khai hội dồn thùng thùng, xa xa, cờ phướn ngũ sắc không ngừng phấp phới tung bay, tiếng cười nói hân hoan cũng nô nức dội lại. Cô khoác lên người bộ cánh chỉnh tề, sân đình sẽ là nơi nhập cuộc.
Hội làng thường được tổ chức vào những ngày sau Tết, hầu hết bà con dân làng sẽ tề tựu đông đủ tại sân đình với đủ loại sản vật trên tay. Lúc này, cùng với người thân, gia đình, họ tộc, những người con xa xứ sau Tết cũng gắng nán lại vài ngày để cùng vui hội ngày xuân.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Hội làng được chia hai phần chính: phần lễ và phần hội. Phần lễ dành cho những người đã mất, khuất mặt. Các ngài sẽ được báo ân trọn vẹn trong những ngày làng xóm vui xuân, mừng quê hương đổi mới. Ở một số nơi, để phần lễ thêm phần linh thiêng và long trọng, làng còn tổ chức rước kiệu. Cùng cờ lộng rực rỡ, cùng tiếng kèn trống rộn ràng, đoàn rước sẽ xuất phát từ đình làng, qua cổng làng, ghé đến các miếu thờ hay di tích quan trọng, sau đó trở về lại đình làng. Mỗi bước đi là mỗi sự hòa quyện giữa sắc màu và nhịp điệu, thể hiện niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân tiên tổ. Sau phần lễ chính, ai nấy đều nao nức và chờ đợi để được tham gia phần hội sẽ diễn ra rôm rả. Với đủ hình thức diễn xướng và giải trí như: giao lưu văn nghệ, kéo co, đổ nước vào chai, bịt mắt bắt vịt, thi đấu bóng chuyền… Các sân chơi biến những nông dân trở thành những vận động viên uyển chuyển hay những liền anh liền chị ca hát đong đưa, giúp họ tạm quên đi những lấm lem, tất bật từ bộn bề ruộng đồng năm cũ.
Tháng Giêng bao giờ cũng đặc biệt. Nếu như ở nơi này, làng xóm, họ tộc có dịp được gắn bó với nhau hơn nhờ những cuộc sum họp đầy tươi mới, rộn ràng thì ở nơi kia, dưới những mái nhà cũng bắt đầu nhen lên sự bịn rịn, thiết tha giữa kẻ đi, người ở. Không dễ gì quên đi hay gác lại những ngày vui vừa mới được lấp đầy bởi quá nhiều yêu thương và trân trọng, trước lúc chia xa, mọi người đành dúi vào tay nhau chút quà mọn, chút tình quê, thủ thỉ thêm cho nhau nghe về những câu chuyện chan chứa tin yêu. Sau những quây quần của tình thân, tình bạn, tình thầy trò, mọi người đành để lại lời hẹn cho cuộc hạnh ngộ của một năm về sau. Ai nấy đều lấy niềm luyến lưu trong khoảnh khắc chào xuân năm nay làm vốn liếng để tiếp nối những ngày dài phía trước.
Những ngày đầu tháng Giêng là một trong những thời điểm đẹp nhất trong năm. Thời điểm này chính là nơi hội tụ của hàng trăm khoảnh khắc giao hòa giữa đất trời và lòng người. Thiên nhiên không ngừng ưu ái khi dâng lên cái rét ngọt, dịu dàng lẫn trong từng làn nắng ấm. Giá buốt đã được gửi lại đâu đó trong những đợt heo may của mùa đông năm trước, cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc, thay áo mới cho biền bãi, ruộng nương. Lòng người cũng nương vào những tín hiệu của đất trời mà dễ nghe ra lòng mình, vẽ thêm nhiều ước mơ và dự định... Cô con gái của mẹ cũng muốn bồi đắp, vươn lòng mình tới những tầm cao.
Tháng Giêng rộn ràng những hội hè. Tháng Giêng bình an những dự cảm. Tháng Giêng vừa thầm lặng, cũng vừa vội vàng. Trên chuyến xe về phố, cô gái vẫy tay chào mẹ, chào quê hương… Xa xa ngoài ô cửa là cánh đồng lên xanh, ngô đậu đang nảy chồi chờ tay người vun xới. Hẹn gặp lại sang năm, khi tiếng trống thùng thùng khai hội lần nữa rền vang, khi tháng Giêng lại tiếp tục gõ cửa đất trời bằng chồi xanh và lộc biếc.
MINH THI