Chuyện miếu Miễu Chánh ở Thăng Bình

.

Trên một nổng cát cao thuộc nghĩa địa trong rừng Giu Nghĩa (thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình) có một ngôi miếu nhỏ nhưng đã gắn với bao sự kiện lịch sử của làng Giu Nghĩa nói riêng và của xã Bình Nam nói chung...

Miếu Miễu Chánh ngày nay. Ảnh: A.T
Miếu Miễu Chánh ngày nay. Ảnh: A.T

Từ điển Hán Việt giải thích miễu là ngôi miếu nhỏ, nhưng người dân địa phương quen gọi luôn cả Hán cả Việt là miếu Miễu Chánh.

Theo gia phả các tộc Nguyễn, Võ, Phan, Mai và tài liệu còn lưu lại ở làng Giu Nghĩa, tổ tiên của làng nguyên quán ở tỉnh Nghệ An. Năm Đinh Mão (1649), một số vị ở Nghệ An cùng nhau Nam tiến, vào vùng đất Thuận Quảng để tìm đất khai hoang, mưu sinh, lập nghiệp. Sau đó, những bậc tiền nhân này dần dần đi khắp các vùng miền. Họ đã đi qua các vùng đất ngày nay có tên là Điện Bàn, Duy Xuyên và tiến dần vào phía Nam, lập nên làng Giu Nghĩa. Làng Giu Nghĩa xưa kia thuộc xã Phước Yên Đông, tổng Hưng Thạnh, phủ Thăng Hoa. Năm 1802, dưới thời vua Gia Long, làng được tách ra và đổi tên thành làng Giu Nghĩa, thuộc tổng Hưng Thạnh, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Theo những vị cao niên trong làng, miếu Miễu Chánh được xây dựng vào những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ trước (khoảng năm 1932). Nhân dân trong vùng cho hay, từ khi có ngôi miếu được xây dựng trên đất của làng, tên gọi miếu Miễu Chánh ra đời từ đó.

Nguyên trước đây một người con của làng là ông Nguyễn Thành Hưng làm quan dưới triều vua Bảo Đại đến chức Hồng lô Thiếu khanh. Đó là chức quan đứng đầu Hồng lô tự, coi nghi tiết triều hội, khánh hạ, sắp xếp trật tự ban thứ, ngôi vị, lễ nghi tiếp đón sứ giả nước ngoài, lễ xướng danh thi Ðình... Một lần về thăm làng, ông đã cúng 50 đồng bạc Đông Dương để làng xây dựng một ngôi miếu thờ các vị thành hoàng, thổ địa và các vị có công với nước, với làng. Trước tấm chân tình của người con quê hương, nhân dân làng Giu Nghĩa kẻ góp công, người góp của cùng nhau vận động quyên góp thêm và chọn một nổng cát cao trong rừng Giu Nghĩa để xây dựng miếu như đã nói trên.

Xưa kia, khu vực rừng Giu Nghĩa rậm rạp, âm u, vắng vẻ và có rất ít người dám lui tới nên trong những năm kháng chiến chống Pháp, miếu Miễu Chánh được dùng làm nơi tổ chức hội họp và luyện tập quân sự bí mật của chính quyền cách mạng địa phương. Nơi đây đã từng được ông Võ Duy Bình (con ông tú tài Võ Kiền ở làng Thái Đông, xã Bình Nam) và ông Võ Xứng dùng làm trụ sở để truyền bá những tư tưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương cho cán bộ và nhân dân địa phương trong những năm 1938-1940.

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân làng Giu Nghĩa tập trung lực lượng về miếu Miễu Chánh tổ chức mít-tinh, rồi sau đó kéo về quận lỵ Thăng Bình tham gia cướp chính quyền. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông Võ Văn Thái - một người hay chữ ở làng - đã sử dụng ngôi miếu này để mở lớp dạy học, dạy chữ Quốc ngữ cho nhân dân trong làng...

Trong những năm 1954-1964, miếu Miễu Chánh được các cán bộ, chiến sĩ của ta dùng làm nơi hội họp và ẩn nấp để hoạt động cách mạng. Trong giai đoạn từ năm 1970-1971, Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 72 đã từng về đây đóng quân chiến đấu và kết hợp với du kích, bộ đội địa phương tổ chức nhiều trận đánh chống càn. Và cũng xuất phát từ đây, bộ đội Tiểu đoàn 72 đã tổ chức xuất quân đánh tập kích vào các đồn Núi Cấm, đồn Mụ Đợi...

Năm 1974, ngôi miếu bị xuống cấp, hư hại do tác động của thời gian và chiến tranh. Nhân dân làng Giu Nghĩa đã cùng nhau góp tay tu sửa lại cho khang trang hơn và ngôi miếu tồn tại đến ngày nay.

AN TRƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.