Ông Ngư hoặc cá Ông là cách gọi tôn kính của ngư dân vùng biển Việt Nam để chỉ cá voi - loài cá hiền lành, thông minh luôn kịp thời che chở, cứu giúp khi ngư dân gặp nạn trên biển.
Múa Trình tường tại Lễ hội Cầu ngư Nam Ô năm 2021. Ảnh: V.T.L |
“Thuyền nan gặp sóng ba đào/ Kêu Ngài, Ngài đã đưa vào cứu con”. Ngư dân nào cũng thuộc nằm lòng câu ca xưa nói về sự cứu mạng của một vị thần có mỹ danh là “Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Tôn thần” mà công đức được thể hiện qua hình tượng cá voi cứu người trên biển.
“Quyền phép” của ông Ngư
Ở Đà Nẵng, người dân khu vực Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) truyền nhau câu chuyện xưa về sự cứu nạn của cá voi, rằng ngày trước, trên đường bôn tẩu, Nguyễn Ánh (về sau là vua Gia Long) một lần bị chìm thuyền ngoài khơi, được ông Ngư (cách gọi trọng thị của người dân Nam Ô đối với cá voi) cứu giúp. Sau khi lăng Ông ở làng chài Nam Ô được lập để thờ ông Ngư, vua ban sắc phong để ghi nhớ công ơn của vị thần Nam Hải.
Trong tâm thức của người dân vùng biển, cái vẻ kỳ bí đến dữ dội của biển cả lướt qua nhiều thế hệ đã hình thành một nếp suy nghĩ mang dấu ấn văn hóa tâm linh. Hầu như làng biển nào ở nước ta cũng lập miếu/lăng thờ cá Ông - tên gọi đầy tôn kính dành cho loài cá voi thường cứu người trên biển, thờ phụng và xem cá voi như một vị thần hộ mệnh. Vì vậy, nơi nào có “ông lụy” là người dân sở tại sẽ tổ chức an táng một cách trọng thể với đầy đủ các nghi thức không khác con người; sau một thời gian sẽ đưa di cốt vào an trí trong lăng Ông. An táng ông Ngư xong, ngư dân cũng có tâm trạng ngùi ngùi theo thế thường nhưng lại khấp khởi mừng thầm bởi trong những ngày tới ông Ngư sẽ trả nghĩa bằng cách cho được mùa biển giã.
Chuyện ông Ngư trả nghĩa không chỉ có vậy.
Nhà “Nam Ô học” Đặng Dùng kể rằng, cách đây ngót nghét nửa thế kỷ, một ngư dân Nam Ô là ông Lương Cải cầm lái mành cùng một số các bạn mành khác ra biển. Nửa đêm, trời nổi cơn gió dữ làm lật ghe, nhiều người được các ghe khác gần đó cứu vớt, riêng ông Lương Cải biền biệt tăm hơi. Dù đang cơn gió dữ mịt mùng biển khơi nhưng mọi người vẫn cần mẫn tìm kiếm, đến sáng không thấy gì, cả vạn mành chắc mẩm là ông đã mạng vong. Sáng ra, mọi người về đến bến báo tin, thân nhân gia đình ông khóc lóc thảm thiết.
Trong lúc cả làng tiếc thương thì tầm đến trưa có tin ông Cải đã được ông Ngư đưa vào bờ biển làng Thạch Thang (nay thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu), cách làng Nam Ô về phía nam khoảng 10km, được ngư dân nơi đây tiếp tục giúp đỡ, sưởi ấm, cho ăn. Chuyện ông Ngư cứu người được chính ông Cải kể lại. Ngư dân trong làng vào lăng Ông thắp hương cảm tạ câu chuyện thần kỳ, bởi khi biển động mùa gió bấc, nước chảy xiết về hướng đông - bắc mà ông Cải lại trôi ngược về bờ tây - nam thì không thần kỳ sao được. Ngư dân Nam Ô bấy giờ tin rằng chỉ có “quyền phép” của ông Ngư mới làm được chuyện đó.
Dấu ấn văn hóa tâm linh của cư dân vùng biển
Thường thì lăng Ông được lập ở các làng ven biển. Thế nhưng, ở Đà Nẵng có một ngôi thờ “vị thần hộ mệnh” của ngư dân được lập ở một nơi cách khá xa bờ biển, nay thuộc cụm di tích đình Thạc Gián (quận Thanh Khê). Về sự khác thường này, ông Nguyễn Ngọc Nghĩ, Ban quản lý đình Thạc Gián, cho biết có liên quan đến một vị quan coi ngó về phòng vệ vùng biển ở Quảng Nam ngày trước.
Ông Nghĩ kể, xưa có ông Đặng Văn Tuyên lúc đương chức Hải phòng Phó sứ (chức quan coi việc phòng vệ vùng biển) một lần giong thuyền đi tuần tra vùng biển bị sóng gió nhấn chìm, may được cá voi giúp đưa vào bờ an toàn. Cảm tạ ơn cá cứu người, ông Tuyên đứng ra vận động bà con lập miếu Ông ở Tân Định, vị trí gần cửa biển Thanh Bình ngày nay. Đến năm 1919, một cơn bão lớn làm sập miếu nên dân làng bàn nhau dời miếu vào bên cạnh đình Thạc Gián, gọi là đền thờ Nam Hải Ngọc lân - cách gọi tắt của Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Tôn thần.
Ở Đà Nẵng hiện có khoảng gần 20 lăng Ông, chủ yếu tập trung ở các địa bàn ven biển (Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn). Nay vẫn chưa nắm được số liệu cụ thể bởi bị ít nhiều biến động sau thời gian chỉnh trang đô thị.
Những giai thoại chung quanh chuyện “ông lụy” (cá voi chết, được ngư dân tổ chức tang lễ như người thân, sau 3 năm rửa cốt đem vào thờ trong lăng) có thể mỗi nơi một khác, nhưng tựu trung đều để lại cho người đời nói chung, ngư dân nói riêng những bài học nhân văn mang màu sắc biển giã, dù rằng cuộc ra khơi của ngư dân đương đại không còn phải nhọc nhằn như thuở trước. Mỗi lăng Ông tuy có một “đời sống” riêng nhưng tất cả đều mang dấu ấn văn hóa tâm linh của cư dân vùng biển.
Sáng 27-3-2021 (Rằm tháng 2 năm Tân Sửu), UBND phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Cụm di tích lịch sử Nam Ô, gồm: Đình Nam Ô, Lăng Ông, Dinh Âm linh, Nghĩa trủng Nam Ô, Miếu Bà Liễu Hạnh, Miếu Bà Bô Bô, Giếng Lăng. Cùng với đó, dân làng Nam Ô tổ chức lễ hội Cầu ngư tại Lăng Ông theo lệ thường niên nhằm tưởng nhớ ân đức của ông Ngư, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa biển bội thu, nhân dân ai cũng được ấm no, hạnh phúc.
VĂN THÀNH LÊ