Du lịch văn hóa được tổ chức dựa trên khai thác các giá trị văn hóa của điểm đến, đáp ứng nhu cầu tìm về nguồn cội của con người. Đây cũng là một trong những loại hình du lịch xanh góp phần bảo tồn hiệu quả bản sắc văn hóa các cộng đồng địa phương.
Văn hóa Cơ tu bản địa tại sự kiện Toom Sara Fest - Chợ Tình do huyện Hòa Vang tổ chức khiến du khách thích thú. Ảnh: Q.T |
Trân trọng, nâng tầm những giá trị nội tại
Du lịch Đà Nẵng hứng chịu một năm tổn thất nặng nề chưa từng có vì đại dịch Covid-19. Các tour, tuyến du lịch bỗng chốc bị ngắt quãng để thực hiện giãn cách xã hội. Thế nhưng, đi ngược với số đông, Công ty TNHH MTV Hành Hương Việt (Viet Pilgrim Travel, trụ sở ở quận Hải Châu) lại thiết kế và bán ra thị trường 9 tour với các điểm tham quan ngay tại Đà Nẵng.
Bà Trần Mỹ Quyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hành Hương Việt chia sẻ: “Điều quan trọng nhất mà chúng tôi hướng đến là làm sao tổ chức được các tour tham quan trong ngày tại Đà Nẵng cho chính người Đà Nẵng, vừa bảo đảm phòng chống Covid-19, vừa giúp khách hàng trải nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp của vùng đất này.
Trong khi du lịch Đà Nẵng được thế giới công nhận thì người Đà Nẵng lại đi “loanh quanh” du lịch mà lãng quên vẻ đẹp nội tại của quê hương mình. Ví như khi nghe giới thiệu quận Liên Chiểu, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đó là một quận nằm ở phía Tây Bắc thành phố với các cụm công nghiệp, trường đại học. Mấy ai biết quận Liên Chiểu cũng rất đẹp và nên thơ, đã đi vào bài hát chứa chan nghĩa tình của nhạc sĩ Văn Tứ Quý: “…Em về Nam Ô với anh/ Có nắng vàng biển xanh/ Ngây ngất đèo Hải Vân/ Đêm gió mát trăng thanh/ Bên nhau ta cùng nằm nghe biển hát…”.
Nói về cơ duyên xây dựng chùm tour “Huyền thoại Đà Nẵng”, bà Mỹ Quyên kể, thời điểm Covid-19 xảy ra ngay tại Đà Nẵng, các hoạt động công việc ngừng lại, bà đã dành 1 buổi thuê xe ôm chở đi thăm các địa chỉ văn hóa của thành phố, đó là ga Đà Nẵng, đình làng Hải Châu, Quảng trường 2 Tháng 9, Thành Điện Hải…
Sau khi thăm mọi nơi, bà gửi tiền thì người lái xe không nhận và trả lời bằng giọng run run xúc động: “Tôi sống ở thành phố này sáu chục năm rồi mà lần đầu tiên tôi mới đặt chân đến Đình làng Hải Châu. Nhờ cô, tôi mới biết thành phố mình hóa ra không chỉ có cơ sở hạ tầng hiện đại, đường sá thông thoáng mà còn biết bao nhiêu địa điểm văn hóa độc đáo”. “Chính từ gợi ý của người lái xe đó, tôi đã quyết tâm xây dựng chương trình tham quan Đà Nẵng cho người Đà Nẵng”, bà Quyên bộc bạch.
Cuối tháng 3 vừa qua, huyện Hòa Vang đã nỗ lực tổ chức sự kiện văn hóa Toom Sara Fest - Chợ Tình. Tại sự kiện này, người dân và du khách trải nghiệm các hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ tu như: tham gia lễ dựng cây nêu, múa Tung tung da dá, thưởng thức ẩm thực truyền thống, chiêm ngưỡng các màn biểu diễn địa phương: nhạc cụ, nghề truyền thống, diễn xướng dân gian, điêu khắc gỗ, chữa bệnh bằng cây rừng… và hòa mình vào các gameshow hấp dẫn như: Tự tình (Khai hội, Sơn nữ kén chồng), Trăng non (Bịt mắt bắt vợ, Lễ cưới Cơ tu), Đại ngàn (Mũi tên tình duyên, Chợ tình’s Got Talent)…
Ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc kể: “Năm 2017, huyện tổ chức cho một số cán bộ cũng như người dân Cơ tu đi học hỏi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở các tỉnh Tây Bắc. Ra tới đó, tôi mới nhận ra rằng, quê hương mình tiềm năng vô số kể mà mình chưa khai thác được.
Du khách không cần cái gì cao sang, phức tạp, họ chỉ cần được thấy chính văn hóa của người bản địa. Đó là người Cơ tu phải biết dệt thổ cẩm Cơ tu, biết nhảy điệu múa truyền thống, biết xào măng rừng, um ốc suối… Ðó là vốn quý làm nên bản sắc văn hóa bản địa, cũng là loại sản phẩm tinh thần, phần hồn tạo nên giá trị trong hoạt động du lịch địa phương”.
Sau khi làng nghề nước mắm Nam Ô được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, địa phương đã có đề án Phát triển du lịch cộng đồng và Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn liền du lịch. Bên cạnh nghề nước mắm, Nam Ô còn có lợi thế cảnh quan thiên thiên gắn với di chỉ văn hóa như đền thờ bà Liễu Hạnh, dấu tích Huyền Trân Công chúa, mộ cổ tiền hiền, Lăng Cá Ông và các dấu tích Chăm… rất thuận lợi để phát triển du lịch.
Một số hãng lữ hành đã nhanh nhạy nắm bắt điểm mạnh này và đưa khách đến Nam Ô. Điểm đặc sắc của tour này là người dân làng Nam Ô cũng chính là những “hướng dẫn viên du lịch” trực tiếp thuyết minh về “đặc sản tiến vua” của địa phương mình. Sau khi nghe giới thiệu, mỗi du khách sẽ nhận được một phần quà là chai nước mắm Nam Ô kèm lời nói ngọt lịm của người dân bản địa: “Tiếng đồn mì Quảng Phú Chiêm/ Cao lầu phố Hội, mắm nêm Cẩm Hà/ Tam Kỳ có món cơm gà/ Nam Ô nước mắm đậm đà thơm ngon”.
Xu hướng du lịch tương lai
Nếu như trước đây, du khách đi du lịch với mục đích chính là tham quan, nghỉ dưỡng thông thường thì nay là nhu cầu nghỉ dưỡng chất lượng cao, muốn tìm hiểu sâu hơn về các giá trị văn hóa và cuộc sống bản địa (tính khác biệt, đặc sắc và nguyên bản).
Theo thống kê của Sở Du lịch, trên địa bàn thành phố có 85 tài nguyên văn hóa có tiềm năng phát triển du lịch. Trong đó, huyện Hòa Vang dẫn đầu với 41 tài nguyên, nổi bật là Đình Túy Loan, Đình Bồ Bản, Đình Thái Lai, Làng nghề bánh tráng Túy Loan, Làng nghề chiếu Cẩm Nê, Lễ hội đình làng Túy Loan, Căn cứ Huyện ủy Hòa Vang, làng dân tộc Cơ tu…
Thế giới biến đổi và phát triển, đời sống càng ngày càng được nâng cao thì con người có xu hướng đi tìm hiểu văn hóa các quốc gia, vùng miền khác - tức du lịch văn hóa. Thực tế, du lịch văn hóa ở các nước phương Tây đã phát triển từ rất lâu.
Họ khai thác tất cả các khía cạnh văn hóa trong đời sống để làm du lịch, ví như những di vật, những địa điểm ghé qua của những lãnh tụ, vĩ nhân trở thành những điểm du lịch nổi tiếng thu hút không ít du khách, đem lại nguồn lợi kinh tế rất lớn cho đơn vị khai thác cũng như địa phương.
Màu xanh của rêu bám trên những rặng đá cùng sắc xanh trong của biển và trời Nam Ô đủ sức níu chân du khách. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU |
Theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, thành phố không thiếu những điểm đến lịch sử, những sự kiện văn hóa, huyền thoại, truyền thuyết, nhưng các lễ hội được tổ chức chủ yếu vì mục đích tinh thần, không đem lại lợi nhuận.
Nhìn rộng ra các tỉnh, thành phố phía Bắc, những năm gần đây, các địa phương này đã dựa vào sản phẩm văn hóa bản địa để khai thác tiềm năng du lịch, điển hình như lễ hội chùa Hương, Bái Đính - Tràng An, Đền Trần, chợ tình Tây Bắc... “Du lịch văn hóa nói riêng và du lịch nói chung đều là đòn bẩy để hàng loạt ngành dịch vụ phụ trợ được hưởng lợi như vận chuyển, dịch vụ ăn uống, lưu trú, hàng hóa lưu niệm…
Bên cạnh đó, văn hóa - yếu tố cốt lõi của sự kiện càng được quảng bá, tôn vinh. Theo quan sát của chúng tôi, đối với các cộng đồng thiểu số, khi sử dụng văn hóa để làm du lịch và thu được tiền từ làm du lịch thì chính họ quay lại bảo vệ truyền thống văn hóa của cộng đồng mình một cách bền vững. Điều dễ thấy trước tiên đó là về trang phục, kiến trúc nhà ở và ngôn ngữ. Đây cũng là loại hình du lịch góp phần hiệu quả bảo tồn bản sắc cộng đồng địa phương”, ông Tân nói.
Có thể nói, văn hóa và du lịch có mối quan hệ tương tác, gắn bó mật thiết, sâu sắc. Văn hóa là nguồn tài nguyên nhân văn, là kho báu, là môi trường, là lực hấp dẫn để du lịch phát triển. Và có thể khẳng định, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang nội dung văn hóa sâu sắc. Ngược lại, thông qua du lịch, văn hóa được giới thiệu, quảng bá, phát huy và có thêm những điều kiện để giao lưu phát triển.
QUỲNH TRANG