DU LỊCH XANH

Ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch

.

Tại Đà Nẵng, ngành du lịch tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để phát triển du lịch thông minh. Việc ứng dụng công nghệ mang đến cho du khách nhiều tiện ích, giúp các đơn vị, doanh nghiệp du lịch dễ dàng thiết kế các sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị trải nghiệm cũng như quảng bá sản phẩm tới du khách.

Hiện các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố đều có trang web riêng và được sử dụng hiệu quả trong việc giới thiệu các sản phẩm tour, dịch vụ phòng... để du khách tham khảo.  Ảnh: MAI HIỀN
Hiện các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố đều có trang web riêng và được sử dụng hiệu quả trong việc giới thiệu các sản phẩm tour, dịch vụ phòng... để du khách tham khảo. Ảnh: MAI HIỀN

Đa dạng tiện ích, gia tăng trải nghiệm

Nắm bắt thói quen người dùng chuyển qua sử dụng app để đặt dịch vụ online (trực tuyến) từ khi Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Công ty TNHH Truyền thông và Công nghệ One Office (trụ sở tại đường Đống Đa, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, gọi tắt là One Office) quyết tâm đồng bộ dữ liệu website thương mại điện tử One Đà Nẵng qua ứng dụng OneLocal, hoạt động tại hầu hết các thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, phục vụ du lịch nội địa.

Theo đó, ứng dụng du lịch OneLocal cung cấp đầy đủ thông tin đặt khách sạn, tour, combo (gói) villa/resort/homestay, thuê xe, vé tham quan/show, cẩm nang du lịch, địa điểm hot nhất của các thành phố du lịch nổi tiếng tại Việt Nam như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc..., giúp du khách tự lựa chọn chuyến đi phù hợp theo sở thích và nhu cầu.

Ông Nguyễn Hữu Thảo, Giám đốc One Office cho hay, so với các OTA (viết tắt của Online Travel Agency - đại lý du lịch trực tuyến - PV), OneLocal theo xu hướng kết hợp giữa OTA và TA (viết tắt của Travel Agency - đại lý du lịch - PV) để linh hoạt giá bán cũng như sản phẩm du lịch đa dạng hơn.

“Việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ du lịch ở hầu hết các thành phố giúp chúng tôi chủ động hơn trong việc đưa ra phương án marketing mỗi khi bị ảnh hưởng dịch bệnh, cũng như tìm tòi các sản phẩm du lịch an toàn và tiện lợi cho du khách mỗi địa phương, tạo ra các dòng sản phẩm tour trải nghiệm Amazing dành cho du khách yêu thích khám phá và sống hòa mình vào thiên nhiên”.

Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, từ tháng 9-2020, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng đưa vào thí điểm trải nghiệm tham quan thực tế ảo với công nghệ quét 3 chiều tại địa chỉ https://scan3d.danangfantasticity.com. Khi sử dụng công nghệ quét 3 chiều, toàn bộ hình ảnh về bảo tàng được số hóa thành video dựng lại không gian bên trong bảo tàng. Toàn bộ dữ liệu hình ảnh kèm âm thanh thuyết minh từng đồ vật được đưa lên mạng phục vụ du khách tham quan từ xa.

Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, việc đưa vào thí điểm trải nghiệm tham quan ảo với công nghệ quét 3 chiều tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm giúp du khách khám phá điểm đến một cách chân thật mà không cần dịch chuyển trong tình hình dịch bệnh.

Kỹ thuật quét 3 chiều hỗ trợ tất cả không gian, màu sắc, hình ảnh đều được tái hiện chính xác 100% khi đưa lên môi trường thực tế ảo. Với 3 chế độ xem, góc nhìn đa chiều 360 độ tại 4 phòng trưng bày Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương và Tháp Mẫm sẽ hiện ra ngay trước mắt du khách. Không gian 3 chiều cho phép người dùng chủ động tương tác trực tiếp với không gian không giới hạn và di chuyển trong không gian linh hoạt cho cảm nhận như đang có mặt tại bảo tàng.

Nội dung giới thiệu và âm thanh thuyết minh 14 hiện vật tiêu biểu về chủ đề những vị thần Ấn Độ giáo và Phật giáo, biểu tượng phồn thực, các linh vật và các loại hình trang trí kiến trúc… cũng được chuẩn bị sẵn cho người xem tìm hiểu.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2020, toàn địa bàn thành phố có 1.239 cơ sở lưu trú du lịch. Các cơ sở này đều có trang web riêng, giới thiệu các sản phẩm tour, dịch vụ phòng... để du khách tham khảo.

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp vận dụng rất tốt các công cụ marketing trực tuyến này để quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Song, các cơ sở lưu trú có nhiều phân khúc khác nhau nên năng lực chuyển đổi số và ứng dụng CNTT cũng phân hóa đa dạng. Chẳng hạn, đối với phân khúc khách sạn 5 sao và tương đương thuộc tập đoàn nước ngoài quản lý như Novotel, Premier Village, Hilton, InterContinental…, chuyển đổi số được triển khai từ sớm và xây dựng theo lộ trình của các tập đoàn quốc tế.

Các khách sạn thuộc phân khúc này xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng với dữ liệu đa dạng về hành vi, nhu cầu của khách lưu trú, áp dụng CNTT và các công cụ chuyển đổi số để quản lý vận hành, khai thác khách, quảng bá thương hiệu, được triển khai đồng bộ và có sự hỗ trợ giữa các thành viên trong tập đoàn.

Đại diện Sở Du lịch cho hay, đối với phân khúc khách sạn 1-2 sao và tương đương thì tương đối phân hóa về năng lực và triển khai chuyển đổi số. Một số các khách sạn thuộc phân khúc này do các giám đốc, quản lý trẻ tuổi vận hành nên áp dụng tương đối hiệu quả các công cụ quản lý, quảng bá thương hiệu.

Một số khách sạn theo mô hình gia đình quản lý với số phòng ít (10-15 phòng), lượng khách thấp, nên không có nhu cầu chuyển đổi số. Vì vậy, việc triển khai các phần mềm quản lý đến phân khúc này gặp nhiều khó khăn do năng lực ứng dụng CNTT hạn chế, nhân sự thường xuyên thay đổi...

Du lịch thông minh trở thành xu hướng phát triển tất yếu

Ngày 16-11-2020, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 7513/KH-UBND về Phát triển du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025; qua đó xác định mở rộng quy mô ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động quản lý, khai thác, xúc tiến quảng bá để thúc đẩy phát triển du lịch thông minh là 1 trong 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gắn với cơ cấu lại ngành du lịch giai đoạn 2021-2025.

Đáng chú ý, kế hoạch đề cập công tác xúc tiến, quảng bá du lịch sẽ xây dựng các chiến dịch quảng bá theo chủ đề và theo giai đoạn (trong đó chú trọng quảng bá du lịch ban đêm) thông qua các trang mạng xã hội facebook, YouTube, twitter, instagram, zalo, trang mạng dành riêng cho từng thị trường; quảng bá trên các trang tiếp thị trực tuyến (marketing online), triển khai bản tin du lịch điện tử (E-Newsletter); nâng cấp tính năng của các ứng dụng di động, website du lịch thành phố phù hợp với xu hướng và nhu cầu của khách.

Nghiên cứu bổ sung dịch vụ du lịch “thực tế ảo” với ứng dụng công nghệ 3D/4D để nâng cao trải nghiệm của khách du lịch trong hoạt động truyền thông quảng bá du lịch cũng như tại các khu điểm du lịch của thành phố.

Ảnh: MAI HIỀN
Ảnh: MAI HIỀN

Trong công tác quản lý hoạt động du lịch, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông minh để quản lý điểm đến, quản lý bãi biển và hỗ trợ du khách. Còn trong hoạt động kinh doanh, khai thác du lịch sẽ khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ sử dụng các hình thức thanh toán điện tử, hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt; hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở du lịch khai thác, phát triển các nền tảng OTA; khuyến khích các mô hình kinh doanh mới phát triển du lịch trên nền tảng ứng dụng CNTT; xây dựng hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ tại các điểm tham quan du lịch.

Thực tế, trên các trang dịch vụ đặt phòng khách sạn phổ biến hiện nay như mytour.vn, booking.com, agoda.com, vntrip.vn, có thể thấy hàng trăm khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng đã liên kết với những trang này để quảng bá dịch vụ, đồng thời đưa ra mức giá cả tương ứng.

Là chủ của K-House Vs Apartment, một khách sạn nhỏ trên địa bàn phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), bà Lê Thị Mỹ Ý cho biết, du lịch thông minh là xu hướng phát triển tất yếu. “Việc đặt phòng, lựa chọn dịch vụ, thanh toán, đánh giá về dịch vụ không còn theo kiểu trực tiếp như trước đây nữa, mà hầu hết qua các trang mạng. Các doanh nghiệp nhỏ càng phải chủ động tự quảng bá, tìm nguồn khách hàng, để tồn tại”, bà Ý nói.

Ông Nguyễn Hữu Thảo, Giám đốc One Office nhìn nhận: “Chuyển đổi số trong sự lan tỏa của cách mạng 4.0 không còn là sự lựa chọn mà trở thành xu hướng phát triển tất yếu để các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng có thể thực sự đứng vững.

Cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi số là rất lớn, nhưng cũng có những khó khăn. Khó khăn lớn nhất là doanh nghiệp ngại thay đổi. Khó khăn thứ hai là bộ máy và cấp quản lý ngại thay đổi. Ngân sách hạn hẹp và chiến lược thay đổi không rõ ràng cũng là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp khi muốn chuyển đổi số”.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.