Hòn Đá Chữ và truyền thuyết về Tháp Bà

.

* Đứng trên Tháp Bà Poh Nagar, Nha Trang, nhìn về phía cửa sông thấy có hai tảng đá đứng cạnh nhau. Người địa phương gọi hai tảng đá này là Hòn Đá Chữ và cho rằng chúng có liên quan đến truyền thuyết về Tháp Bà. Xin quý báo nói rõ hơn về chuyện này. (Trương Ngọc An, quận Thanh Khê, Đà Nẵng)

Hòn Đá Chữ trông như một hòn non bộ giữa sông nước. Ảnh: V.T.L
Hòn Đá Chữ trông như một hòn non bộ giữa sông nước. Ảnh: V.T.L

- Đứng trên Tháp Bà Poh Nagar, gần hơn là trên cầu Xóm Bóng (tên gọi khác của làng Cù Lao, nay thuộc phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), nhìn về phía cửa sông có thể thấy rõ di tích Hòn Đá Chữ, còn gọi là Hòn Chữ, gồm hai tảng đá nằm gần nhau, một lớn một nhỏ.

Theo mô tả của Báo Khánh Hòa, hai cụm đá này chiếm diện tích khoảng 100m2, điểm cao nhất cách mặt nước tầm vài ba mét. Khối đá lớn phần nổi trên mặt nước có khắc chữ khoa đẩu nét đã lu mờ - lối chữ này ngoằn ngoèo như những con nòng nọc nối đuôi nhau giống như lối trùng văn (ngoằn ngoèo như giun bò) khắc ở các bia nơi cửa Tháp Bà Poh Nagar.

Tương truyền Hòn Đá Chữ rất linh thiêng, ai leo lên quậy phá sẽ bị đau ốm nên người dân đã xây một cái am nhỏ dưới gốc cây đa nhỏ để thờ cúng. Có người cho rằng, hòn đá này từ trên Tháp Bà thờ Nữ thần Thiên Y Ana (tức Poh Nagar) lăn xuống. Cũng có người tin những tảng đá này đã đánh đắm thuyền của Thái tử Bắc Hải năm xưa.

Chuyện Thái tử Bắc Hải được chép trong văn bia Thiên Y Tiên nữ truyện ký (Bài ký truyện Tiên nữ Thiên Y) do Hữu Hiệp biện Đại học sĩ lãnh Lễ bộ Thượng thư Phan Thanh Giản soạn vào năm Tự Đức thứ chín (1856) hiện còn dựng tại Tháp Bà Poh Nagar. Viện Hán Nôm đã giới thiệu toàn văn bi ký này trong Thông báo Hán Nôm học năm 2011, tr.723-727.

Theo đó, ở Khánh Hòa có vùng đất Cù Huân gần với biển, phía ngoài là biển lớn bao bọc các hòn núi. Xưa có hai vợ chồng già trồng dưa gần núi, thấy một bé gái mồ côi thường lén hái trộm. Thương phận côi cút, hai vợ chồng bèn dẫn bé về làm con nuôi. Ngày nọ, núi bị nước mưa ngập lụt, cô gái lấy đá làm hòn giả sơn để tượng như cảnh thần tiên. Ông lão không hiểu gì, nổi giận mắng. Nhân có cây Già Nam theo lũ trôi đến, cô bèn ẩn thân vào cây, mặc cho cây theo đại dương trôi dạt vào bờ biển Bắc.

Người phương Bắc rủ nhau đến kéo nhưng không thể nhấc nổi. Thái tử của nước đó nghe chuyện lạ, đích thân đến xem, vừa mới động tay vào cây Già Nam thì đã nhấc lên được, bèn đưa về. Thái tử nhiều lần thấy cây tỏa hương thơm, thoáng có bóng người đi lại, rất lấy làm lạ.

Đêm nọ, Thái tử đến rình xem, đến gần quả đúng là một người đẹp. Bị Thái tử giữ lại hỏi chuyện, nàng bèn nói hết duyên cớ. Biết chuyện, vua cha cho hai người kết hôn. Họ có với nhau hai người con. Ngày nọ, nàng nhớ quê cũ, bèn bồng hai con nhập vào cây gỗ thơm vượt biển về Nam thăm lại quê xưa thì cha mẹ già đã mất lâu rồi. Nàng bèn khai hoang thêm ruộng vườn, lập đền để thờ cha mẹ; đặt ra phép tắc, kỷ cương, dạy dân chúng cách làm ăn. Nàng tạc đá lưu tượng lại trên núi rồi cưỡi loan tiên bay đi.

Thái tử Bắc Hải dong thuyền đi tìm nàng. Đến vùng biển Cù Huân, do đám thuộc hạ không biết uy linh của nàng, bạo ngược với dân chúng sở tại, bất kính thần tượng nên trời nổi sóng to gió lớn nhấn chìm thuyền, nơi cửa biển nổi lên một cồn đá to, trên đó có chữ đều như con nòng nọc. Từ đó tiên nữ càng thêm linh ứng, ra tay cứu giúp chúng dân. Bi ký có đoạn: “Người xưa gọi là Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc Thánh Phi. Triều ta đã nhiều lần phong tặng là Hồng nhân Phổ tế Linh cảm thượng đẳng thần, lấy dân Cù Lao sung làm phu thờ”.

Ngày nay, khách đến vãn cảnh Tháp Bà có thể chiêm ngưỡng di tích Hòn Đá Chữ, trông xa như một hòn non bộ giữa sông nước bao la. Nhiều cuộc vịnh thơ được tổ chức tại đây: “Ai về Xóm Bóng, Hà Ra/ Đi ngang Hòn Chữ cho ta nhắn lời/ Nhắn ai nuôi chí vá trời/ Lòng trung tạc đá muôn đời còn bia”. Trai gái yêu nhau cũng mượn Hòn Đá Chữ để gửi gắm tâm tình: “Chừng nào Hòn Chữ bể tư/ Cửa Nha Trang cạn nước, anh mới từ duyên em”...

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.