Nghĩ từ cầu Rồng

.

Mỗi ngày qua lại dòng sông Hàn, cầu Rồng giúp tôi thuận tiện đi về. Nếu tính từ ngày khánh thành, dễ đến hàng vạn lần tôi đi trên cây cầu ấy, vậy mà giống như bao người, tôi chưa để ý hết những nhọc nhằn cũng như sự nghĩ suy mà cầu Rồng ngày đêm khao khát.

Cầu Rồng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển và hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị của thành phố.  Ảnh: LÊ HOÀNG NAM
Cầu Rồng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển và hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị của thành phố. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM

Nếu cầu Trường Tiền (Huế) “sáu vài mười hai nhịp” và mỗi nhịp ấy như chiếc lược ngà (Cầu cong như chiếc lược ngà/ Sông dài mái tóc cung nga buông hờ - Nguyễn Bính), thì cầu Rồng chỉ 5 nhịp không bằng nhau, đầu quay về hướng đông và cuối tuần thường thể hiện sự cường tráng của mình bằng những đợt phun lửa và nước. Có lẽ vì sinh sau, nên thành phố không chọn cầu Rồng làm biểu tượng cho Đà Nẵng, nhưng đọng lại trong lòng du khách, cầu Rồng là một trong những điểm check-in không thể thiếu.

Chính những cây cầu đã thức dậy bờ đông, làm cả một vùng biển và núi phía “bên tê sông Hàn nước xanh như tàu lá” trở nên sôi động, biến tiềm năng du lịch trở thành động lực, thành bộ mặt mới của thành phố. Cầu không chỉ nối những bờ vui mà còn làm cả thành phố trở nên năng động, và nhất là góp phần làm nên danh hiệu “thành phố đáng sống”.

Biển, sông và núi là những lợi thế lớn lao, là báu vật mà không phải nơi nào cũng có. Với những dáng vẻ riêng và độc đáo, các cây cầu như những chiếc đàn ngày đêm ngân lên những ước mong thiết tha. Trong rất giàu năng lượng, cầu Rồng gắn bó với tôi còn hơn cả thân thiết. Đã từng mấy năm cặm cụi đạp xe qua phà, đã từng thấm thía những dập dềnh theo con nước mỗi khi gió động, mới thấy cái ơn của cầu ngày đêm cần mẫn cho tôi, cho bạn qua sông.

Với dân số khoảng 1 triệu người thì với 10 cây cầu, Đà Nẵng hiện là đô thị có mật độ cầu qua sông nhiều nhất. Phải qua hàng mấy trăm năm, đến năm 1951, Đà Nẵng mới có cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn (cầu Trần Thị Lý mới - tên cũ cầu De Lattre De Tassigny), và mãi đến năm 1965 mới có thêm cầu Nguyễn Văn Trỗi. Dĩ nhiên còn có cầu Cẩm Lệ một thời nhỏ bé nối phía Nam thành phố về Vĩnh Điện và cầu Đỏ dành cho xe lửa. Những cây cầu trên như những người cao tuổi, biết nhiều nhưng sức lực đã mòn mỏi theo thời gian.

Có thể nói, năm 2000 là dấu mốc mới cho một giai đoạn phát triển mới. Ngày khánh thành cầu Sông Hàn không chỉ thời điểm kết thúc sứ mệnh của những chuyến phà ngang mấy mươi năm làm nhiệm vụ chính nối hai bờ, mà còn là khởi đầu cho giai đoạn phát triển mới. Nhớ lại mới thấy sự sôi động của những năm tháng hừng hực ấy. Lời nhắc “Sáu tháng khánh thành một công trình nhỏ, mỗi năm khánh thành một công trình lớn” mà anh em phóng viên báo chí bận rộn tíu tít.

Trên trang báo những thời điểm với những công trình mới làm náo nức bạn đọc, như có sức thức tỉnh và thu hút tự nhiên các nguồn lực từ các nơi đổ về. Có thể nhớ ngày khánh thành các cây cầu Sông Hàn (2000), Cẩm Lệ (mới) (2004), Tiên Sơn (2004), Hòa Xuân (2008), Thuận Phước (2009). Riêng năm 2013: khánh thành các cầu-cầu Rồng, Trần Thị Lý, Nguyễn Tri Phương và nút giao khác mức ngã ba Huế (2015). Có một chi tiết ngày khánh thành cầu Thuận Phước (19-7-2009) cũng là ngày khởi công xây cầu Rồng, cho thấy nhịp điệu khẩn trương, hối hả ngày ấy.

Dĩ nhiên thành phố không chỉ có những cây cầu, nhưng với tôi, 8 năm với hàng vạn lần qua lại, cầu Rồng hơn cả kỷ niệm. Có những buổi sáng trời mưa tầm tả, chở con qua cầu đến trường mà lòng mình biết bao suy nghĩ. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu? Thành phố đổi thay, những điều tôi thấy đủ cho tôi những mừng vui và cả những điều trăn trở. Tiền để làm nên những công trình, định dạng hiện đại cho thành phố, suy cho cùng cũng là của nhân dân, kể cả từ quỹ đất nghìn đời cha ông để lại. Tôi đứng bên cầu Rồng như một lời cảm ơn, và da diết với ý nghĩ 8 năm nữa chúng ta sẽ tiếp tục để lại những gì cho mai sau?

TRẦN THU THỦY

;
;
.
.
.
.
.