Xứ Pà nơi Bến Giằng xưa

.

Huyện miền núi Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó đông nhất là người Cơ tu chiếm khoảng 60% dân số toàn huyện. Đặc biệt, nơi đây có nhiều địa danh bắt đầu bằng “Pà” mà có lẽ ít người biết đến.

Nhà sinh hoạt văn hóa thôn Pà Roong, xã Cà Dy, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam).  Ảnh: N.V.G.P
Nhà sinh hoạt văn hóa thôn Pà Roong, xã Cà Dy, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: N.V.G.P

Trước ngày 16-8-1999, huyện Nam Giang - huyện miền núi giáp Lào - có tên là huyện Giằng. Theo cuốn “Những sự kiện lịch sử huyện Giằng (1885-1975) của NXB Đà Nẵng (1989), Giằng xưa là vùng ma thiêng nước độc, heo hút, hiểm trở, mà nỗi ám ảnh truyền đời của cư dân bản địa là đói muối ăn, thiếu rựa làm rẫy. Những ghe nhỏ của người Kinh từ huyện Đại Lộc luồn theo sông Cái đến bến Giằng để bán hai nhu yếu phẩm này. Tên gọi huyện Giằng - thời kháng chiến chống Pháp gọi là huyện Bến Giằng - xuất phát từ tên gọi của Bến Giằng và xa hơn nữa là bến Giằng Xay, bến sông trên dòng sông Cái mang tên một thác nước luôn xoáy tròn và chảy xiết ở gần đó, một trong những cửa ngõ giao lưu, trao đổi, buôn bán quan trọng giữa miền núi và đồng bằng trước kia. 

Một điều không thể phủ nhận là người Cơ tu ở Nam Giang vẫn lưu giữ được nhiều nét cổ truyền và đặc sắc của một nền văn hóa bản địa lâu đời, đặc biệt là những tên đất, tên làng bắt đầu bằng “Pà”.
Một lần đến Nam Giang, chúng tôi ngạc nhiên khi chứng kiến tên gọi các địa phương ở đây vốn của người Cơ tu bản địa đều bắt đầu với tiếng “Pà”, nào là Pà Ting, Pà Xua, Pà Vả, Pà Lừa, Pà Đhí, Pà Roong, Pà Ong... Được biết, trên địa bàn Nam Giang, trong số 58 đơn vị cư dân (thôn/làng) của 11 xã/thị trấn toàn huyện, có tới 22 tên các đơn vị bắt đầu bằng “Pà”.

Già Zuông Noonh vừa đan lát, vừa kể chuyện về tên đất, tên làng của người Cơ tu. Ảnh: N.V.G.P
Già Zuông Noonh vừa đan lát, vừa kể chuyện về tên đất, tên làng của người Cơ tu. Ảnh: N.V.G.P

Có dịp ngồi quây quần trong ngôi nhà Moong của già Zuông Noonh (78 tuổi), dân tộc Cơ tu ở thôn Pà Rông, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, chúng tôi được nghe già kể chuyện. Mặc dù tuổi cao nhưng già Noonh vẫn còn minh mẫn lắm. Trong trí nhớ của già, những lần dân làng tổ chức ăn mừng lúa mới, ăn mừng được mùa xong thì những đầu con vật hiến sinh sau đó được treo cẩn thận ở cây cột cái (x’nuh) giữa không gian của Gươl làng như minh chứng cho dấu vết đại ngàn hoang dã. Những câu chuyện trong ký ức của già Zuông Noonh cứ mãi tuôn trào như dòng thác Grăng với nguồn nước trong lành giúp người làng Cơ tu sinh hoạt, nấu nướng trong không gian huyền bí của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.
Xuất phát từ tên của các sông, suối, núi và các vùng đất nhỏ mà dường như mỗi tên đất, tên làng của người Cơ tu nơi đây đều mang sắc thái nghĩa rất đỗi hồn nhiên và chân chất như người Cơ tu.

Theo cách nói của già Zuông Noonh, tùy thuộc từng làng, người Cơ tu có cách gọi tên làng khác nhau. Làng Pà Nai được đặt theo con suối có tên Nai. Làng Rô, tiếng Cơ tu là Pà Giá, được lấy theo tên con sông Rô, nơi dân làng Cơ tu từ vùng biên giới đã dời xuống đây sinh sống từ thời Pháp thuộc. Phía trên làng Rô là làng Ngói, “ngói” theo tiếng Cơ tu là con trâu, bởi ngày trước làng này nuôi rất nhiều trâu.

Cũng theo già Zuông Noonh, tiếng Pà - thật ra là Pa vì tiếng Cơ tu không dấu nhưng đọc theo người Kinh lâu thành quen là Pà - chỉ là tiếng đệm mà người Cơ tu vùng Giằng xưa thường dùng với một từ đứng trước để đặt gọi tên làng. Mỗi vùng đất, mỗi tên làng của đồng bào Cơ tu trên địa bàn huyện Nam Giang đều xuất phát từ kinh tế nương rẫy, gắn với tập quán du canh là lối sống du cư. Làng (nay là thôn) của người Cơ tu được hình thành và phát triển trên những cơ sở đặc trưng của cư dân nương rẫy lâu đời, gắn liền với lịch sử hình thành, địa thế, đặc điểm nơi cư trú và cũng có khi gắn với những truyền thuyết, huyền thoại về vùng đất mà bao đời nay tổ tiên, ông bà và người Cơ tu sinh sống, gắn bó.

Ngày nay, cung đường quốc lộ 14D tại Bến Giằng nối lên cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, có vai trò chiến lược về quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội, giao thương giữa hai nước Việt - Lào, đã làm thay đổi một vùng rừng núi thâm u, mang đến cơm áo, cơ vận đổi đời cho tộc người Ve, Tà Riềng và người Cơ tu nơi đây.

Các thôn/làng của người Cơ tu ở Nam Giang giờ hiện lên những nét yên bình, sự ấm cúng của một vùng đất đang từng bước thay da đổi thịt. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc tinh hoa văn hóa, cùng với việc xây dựng đời sống văn hóa mới đang tiếp tục được phát huy với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Ngày càng có nhiều điển hình thôn văn hóa, các tấm gương làm kinh tế giỏi, phát triển kinh tế gia đình của những phụ nữ, thanh niên Cơ tu, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương. Điều này cho thấy đời sống của đại bộ phận đồng bào dân tộc Cơ tu huyện vùng cao Nam Giang, nơi có nhiều danh bắt đầu bằng “Pà”, đã có những thay đổi vượt bậc.

NGUYỄN VĂN GIA PHÚC

;
;
.
.
.
.
.