100 NĂM NGÀY SINH GS.TS TRẦN VĂN KHÊ (24-7-1921 - 24-7-2021)

Dành trọn tình yêu cho văn hóa dân tộc

.

Lúc sinh thời, GS.TS Trần Văn Khê từng chia sẻ, ông muốn mình được là “một tài tử”, một “đại sứ trọn đời của văn hóa dân tộc” ở bất cứ nơi đâu.

Suốt cuộc đời, GS.TS Trần Văn Khê luôn tận tụy với văn hóa dân tộc nói chung và âm nhạc cổ truyền nói riêng. Ông từng nói, với văn hóa dân tộc, người ta “có hiểu rồi mới thương”, thương rồi mới gắng sức gìn giữ, phát huy những giá trị đó. Bởi thế, một trong những việc ông dành nhiều tâm huyết nhất chính là truyền dạy kiến thức âm nhạc truyền thống và lan tỏa tình yêu với âm nhạc cổ truyền, với văn hóa dân tộc tới nhiều thế hệ người Việt trong và ngoài nước.

Cố GS.TS Trần Văn Khê. (Ảnh tư liệu)
Cố GS.TS Trần Văn Khê. (Ảnh tư liệu)

Muốn yêu phải hiểu

Còn nhớ trong một lần tới nói chuyện tại tòa soạn Báo Tuổi Trẻ năm 2014, GS.TS Trần Văn Khê bày tỏ, sở dĩ người ta yêu thích một nghệ thuật nào đó là bởi trước tiên người ta được tiếp xúc nhiều với nó. Từ việc nghe nhiều, xem nhiều, đọc nhiều, dần dần người ta hiểu. Từ hiểu mới yêu thích, từ yêu thích mới có ý muốn học tập, rèn luyện, sau rốt mới là biểu diễn.

Ngay cả đờn ca tài tử xưa kia, không phải ai muốn vào ca hay đàn cũng được. Mặc dù là môn nghệ thuật dân dã, chỗ nào cũng có, nhưng muốn tham gia, người “chơi” ít nhất phải được học hành, hướng dẫn của một người “có nghề” trước. Bởi vậy, cho tới tận những năm tháng cuối đời của GS.TS Trần Văn Khê, ngôi nhà riêng của ông ở quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn luôn là điểm hẹn của những người đam mê âm nhạc truyền thống. Định kỳ mỗi tháng đều có ít nhất một chương trình sinh hoạt âm nhạc truyền thống, chưa kể những cuộc ghé thăm mỗi ngày của học trò và những người muốn hỏi thầy Khê về một điều gì đó chưa rõ trong âm nhạc, văn hóa.

Được truyền cảm hứng bởi tấm lòng tận tụy đó, nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp đã tiếp nối GS.TS Trần Văn Khê trong việc truyền thụ và khích lệ tình yêu, lòng ham muốn hiểu biết về âm nhạc truyền thống ở thế hệ trẻ.

Mới đây, một nhóm trí thức gồm ThS. Nguyễn Quốc Thệ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y Dược Vạn Hạnh, nhà báo Lương Hoàng Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo, TS. Thái Huy Phong - Chủ tịch Tập đoàn sức khỏe Việt (VietHealth Group), ThS. Nguyễn Hiếu Tín - Trưởng bộ môn Du lịch, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cùng nhau tổ chức cuộc thi tìm hiểu về GS.TS Trần Văn Khê và âm nhạc truyền thống Việt Nam nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông (24-7-1921 - 24-7-2021).

Đúng với tôn chỉ cuộc thi, Ban tổ chức đã yêu cầu những người tham dự ngoài việc chia sẻ cảm nhận của họ về cuộc đời và sự nghiệp của GS.TS Trần Văn Khê, cũng như những đóng góp lớn của ông trong việc nghiên cứu và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới, còn có một phần chia sẻ cảm nhận về một hình thức âm nhạc truyền thống Việt Nam, hoặc một nhạc cụ dân tộc.

Tin vào người trẻ

Mặc dù cuộc thi chỉ diễn ra trong 2 tuần (từ ngày 8-7 đến 23-7-2021), lại đúng giai đoạn Covid-19 hoành hành, nhưng theo GS.TS Trần Quang Hải, con trai cả của cố GS.TS Trần Văn Khê, cũng là Trưởng ban tổ chức cuộc thi, có 40 thí sinh gửi bài dự thi với nhiều đề tài từ Nam ra Bắc. Các thí sinh chọn nhiều chủ đề khác nhau, từ đờn ca tài tử, ru con, hát bội, đến nhạc cung đình Huế, hát bài chòi, dân ca quan họ, ca trù và nhạc cụ đàn bầu.

Trong số các thí sinh dự thi, có một gương mặt thân quen nhiều năm qua vẫn say sưa tiếp nối sự nghiệp truyền thụ văn hóa, âm nhạc dân tộc của GS.TS Trần Văn Khê, đó là anh Hồ Nhựt Quang, diễn giả văn hóa đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều người yêu mến gọi anh là một trong những truyền nhân của GS.TS Trần Văn Khê vì đến nay anh vẫn duy trì, phát triển Câu lạc bộ Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ do chính cố giáo sư thành lập, bằng nguồn tài chính cá nhân.

Trong bài dự thi có tựa đề “GS.TS Trần Văn Khê và giá trị lời ru truyền thống”, anh Hồ Nhựt Quang chia sẻ kỷ niệm sâu sắc khi còn là sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), được nghe thầy Khê nói chuyện về giá trị của lời ru trong thai giáo (giáo dục bằng âm nhạc cho trẻ từ lúc sơ sinh).

“Thông qua các bài diễn thuyết của thầy, tôi cảm nhận nhiều điều thú vị về văn hóa và nghệ thuật truyền thống Việt Nam, hiểu được giá trị ấy đặc biệt quan trọng như thế nào đối với vận mệnh của dân tộc. Thầy đã kết luận tại buổi nói chuyện rằng: Văn hóa còn thì đất nước còn”, anh Quang viết.

DƯƠNG KIM THOA

;
;
.
.
.
.
.