Covid-19 mang đến một mùa hè không mong đợi cho nhiều trẻ em thành phố. Hiện tại, không còn chuyến du lịch dài ngày cùng gia đình, không theo chân ba mẹ về quê, không nô đùa trên bãi biển, không vận động hết sức cùng những trò chơi ngoài trời. Bị tách khỏi thiên nhiên và bạn bè, nhiều đứa trẻ đối mặt với nguy cơ nghiện tivi, điện thoại và game online.
Việc xây dựng thời gian biểu hợp lý, hài hòa giữa học và chơi giúp trẻ xây dựng lối sống tích cực hơn. Ảnh: T.Y |
Nhiều bà mẹ nói rằng, để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này, họ khuyến khích con tham gia các cuộc thi, hoàn thành những thử thách nhỏ và chấp nhận những ràng buộc như một quy luật tất yếu của cuộc sống.
Cô, trò thử thách 21 ngày
Thật khó thức dậy lúc 5 giờ 30, sau một hồi uể oải, Phạm Hoàng Anh (lớp 12/30, Trường THPT Phan Châu Trinh) cũng nhấc người ra khỏi giường. Đây là buổi thứ 5 Hoàng Anh cùng bạn bè tham gia thử thách 21 ngày theo đề nghị của cô giáo. Bình thường, phải 8-9 giờ, Hoàng Anh mới thức dậy.
Cô gái nói, việc dậy sớm tập thể dục khá khó khăn vì “ngủ nướng” đã trở thành thói quen sau thời gian dài thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19. Hoàng Anh từng không chắc mình có thể dậy sớm suốt 21 ngày, nhưng mỗi khi có tâm lý trễ nải, em lại nhớ sự động viên, căn dặn từ cô giáo mà quyết tâm bật dậy. Bởi lẽ, chỉ cần một lần dậy trễ trong 21 ngày đó, Hoàng Anh phải bắt đầu lại từ đầu.
30 phút thể dục giúp cơ thể Hoàng Anh lấp đầy năng lượng để khởi đầu ngày mới. Sau đó, cô gái xuống nhà phụ ba mẹ làm đồ ăn sáng, dọn dẹp nhà cửa. Làm bất cứ việc gì, Hoàng Anh đều quay clip để gửi cho cô giáo. “Em cho rằng, thử thách này khá vui, nó thôi thúc em phải dậy sớm, tập thể dục, phụ giúp gia đình cũng như ngồi vào bàn học đúng giờ. Điều thú vị nữa là tụi em cùng làm, cùng khuyến khích nhau vượt qua sức ì của bản thân, bên cạnh sự đồng hành của cô giáo. Em nghĩ sau 21 ngày, bản thân sẽ quen lối sinh hoạt này và cố gắng duy trì trong tương lai”, Hoàng Anh chia sẻ.
Gần một tuần duy trì dậy sớm, Hoàng Anh thấy mình làm được nhiều việc hơn. Hoàng Anh có cậu em trai, bình thường sau giờ học, cậu mải mê xem tivi, nay thấy chị dọn dẹp nhà cửa, cậu líu ríu làm theo, cười đùa vui vẻ. Chị Thắm - mẹ Hoàng Anh khá vui khi sinh hoạt của con gái dần vào nền nếp. “Có hôm tôi đang loay hoay soạn đồ chuẩn bị nấu ăn sáng, Hoàng Anh xuống nói mẹ để con làm cho. Hỏi ra đó là một phần trong nội dung thử thách 21 ngày của con. Tôi hy vọng đây không chỉ là thử thách, mà sẽ trở thành thói quen tốt của con gái sau này”, chị Thắm bày tỏ.
“Team (nhóm) thử thách 21 ngày” của Hoàng Anh còn có Lương Đặng Quốc Châu (lớp 12/29, Trường THPT Phan Châu Trinh) tham gia. Là con trai nhưng Quốc Châu khá giỏi việc nhà, từ giặt giũ quần áo, dọn cơm, rửa chén, lau nhà, thỉnh thoảng Châu còn làm “gia sư” cho em gái. Việc tham gia thử thách giúp Châu hệ thống lại những việc cần làm, như lập thời gian biểu tập thể dục, ăn uống, sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi, đọc sách và suy nghĩ những điều tích cực.
“Trước đây, em thường thức khuya lướt mạng, chơi game, nay tập ngủ sớm để sáng dạy thể dục online cùng bạn bè. Em nghĩ việc này khá thú vị và các thành viên trong team tự hứa sẽ tiếp tục duy trì dù hết thời gian thử thách”, Quốc Châu chia sẻ.
Không quá kỳ vọng học trò sẽ toàn tâm, toàn ý tham gia thử thách, chị Nguyễn Thị Xuân Mai, giáo viên môn Toán, Trường THPT Trần Phú cho biết, chị khá bất ngờ khi “thử thách 21 ngày” đã thúc đẩy tinh thần tự giác của các em. Chị bảo, trước khi đưa ra thử thách này, chị dành thời gian tâm sự, chia sẻ, thay đổi quan điểm, tư duy học trò. Đồng hành với team, chị sẵn sàng thay đổi lịch tập thể dục, tập lúc 5 giờ 30 thay vì 17 giờ 30 hằng ngày. Mỗi ngày, cô trò cùng thức dậy, cùng tập thể dục, cùng chia sẻ kế hoạch hằng ngày. Hôm nay ai tập động tác gì, ai đã rửa chén giúp mẹ, ai phơi quần áo, ai quét nhà, ai làm bài tập, ai đọc sách gì, đều được nhóm chia sẻ cùng nhau. Chị Mai cho rằng, ngoài thử thách bằng hành động, việc thường xuyên kết nối, chia sẻ cũng giúp các em thấy rằng phải ở nhà trong thời gian dài không còn quá nhàm chán.
Ngoài niềm vui bé mọn, những cô cậu học trò còn háo hức chờ đợi phần thưởng bí mật từ cô giáo nếu vượt qua 21 ngày thử thách. Chị Mai nói, quan trọng là vui, là cùng nhau tham gia một hoạt động gì đó có ý nghĩa với bản thân, gia đình trong giai đoạn này. Mặt khác, mục đích “thử thách 21 ngày” là thay đổi tư duy học trò. “Việc thức dậy sớm để tập thể dục xem ra khá đơn giản, nhưng duy trì liên tục 21 ngày lại không dễ. Nếu vượt qua thử thách này, các em sẽ hình thành một thói quen tốt, có ích cho cuộc sống bản thân”, chị Mai cho hay.
Khiến mình bận rộn hơn
Nhiều phụ huynh nói rằng, họ đang nỗ lực để mang tới cho con mùa hè vui vẻ hơn, bởi ai cũng hiểu không được ra ngoài vui chơi, đối với một đứa trẻ, là thiệt thòi lớn. Chị Nguyễn Thị Thu Ngân (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) nói chị cố gắng “lấp đầy” khoảng trống cho con bằng những phần thưởng nhỏ.
“Chúng tôi cố gắng dành thời gian chơi cùng con, hướng dẫn con làm một số việc trong nhà như quét dọn, rửa chén. Con gái cũng tỏ ra thích thú vì được ba mẹ tin tưởng, giao việc, mỗi khi tụi nhỏ làm tốt, chúng tôi đều có phần thưởng khích lệ. Tụi nhỏ cũng được ba mẹ cho xem tivi nhưng giới hạn nội dung chương trình, chủ yếu các chương trình mang tính giáo dục và không quá 30 phút/lần”, chị Ngân nói.
Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Ngọc (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) áp dụng nguyên tắc “win-win” (cùng thắng) để ứng xử với cậu con trai học lớp 7. Chị luôn dành sự yêu thương, tôn trọng suy nghĩ, hành động của con và yêu cầu con cũng yêu thương, tôn trọng suy nghĩ của ba mẹ. Chị Ngọc cho biết, hiện con trai đã lớn, biết suy nghĩ nên hiểu được tình hình phức tạp của dịch bệnh. Cháu ở yên trong nhà, chăm sóc vài chậu cây và học online, kết nối người thân, bạn bè qua mạng xã hội.
Chị Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi dành cho con sự tự do, không gò bó và áp đặt. Tuy nhiên, mọi thứ đều nằm trong khuôn phép, nếu vượt qua, chắc chắn con sẽ bị phạt. Để giúp con sử dụng internet hiệu quả, chúng tôi giữ quyền truy cập các phần mềm, chỉ cho xem những kênh thông tin, giải trí lành mạnh cũng như phục vụ việc học ngoại ngữ, tìm kiếm thông tin bổ ích”.
Con trai chị Ngọc đang theo học phần mềm www.sieutrinhohocduong.edu.vn của diễn giả Nguyễn Phùng Phong. Theo chị, cái hay của phần mềm này là “mua một lần, dùng trọn đời”, khi tập hợp tất cả kiến thức từ lớp 1-12, với hơn 3.000 bài giảng. Phần học nào trên lớp con chưa nắm vững thì có thể truy cập vào khối lớp của mình, chọn bài học và xem lại cách giảng dễ nhớ của thầy cô. Cách ghi nhớ nhanh không chỉ áp dụng với Toán, Lý, Hóa mà còn được áp dụng cho các môn xã hội khác.
“Tôi tin rằng, việc cân bằng giữa vui chơi và học tập sẽ giúp con dễ dàng nhập cuộc khi bước vào năm học mới. Dù kéo dài thời gian giãn cách, thường xuyên phải ở nhà nhưng tôi mong muốn con mình không lãng phí thời gian vào những trò chơi vô bổ”, chị Ngọc kỳ vọng.
Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp mùa hè của những đứa trẻ bớt đi sự nhàm chán, tẻ nhạt. Công nghệ giúp con người dễ dàng tương tác, kết nối cùng nhau. Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia tâm lý cho rằng, gặp gỡ trực tiếp hay liên lạc online đều mang một ý nghĩa nhất định. Ví như, một cuộc gọi kịp thời vẫn tốt hơn một bức thư tới muộn.
Vì vậy, cần xem công nghệ như một trong những giải pháp thú vị giúp cha mẹ xây dựng kế hoạch học mà chơi, chơi mà học cho con trong những ngày hè. Cùng với đó, cần khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động trồng cây, chăm sóc vật nuôi, giữ đúng thời gian biểu đã lập nên trước đó.
TIỂU YẾN