VỮNG TIN VƯỢT QUA MÙA DỊCH

Hãy thấy may mắn và biết ơn những gì đang có...

.

“Để có thể mạnh mẽ hơn, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc suy nghĩ, nhìn nhận những điều tích cực từ những sự việc đang diễn ra hằng ngày. Để có tinh thần lạc quan, theo tôi, cách “nhanh nhất” là hãy thật sự thấy MAY MẮN, thấy BIẾT ƠN những gì ĐANG CÓ”.

Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương. Ảnh: Đ.H.L
Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương. Ảnh: Đ.H.L

Đó là những chia sẻ của Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) khi trao đổi với phóng viên về cách để giảm lo âu và giữ trạng thái tinh thần lạc quan, mạnh mẽ trong lúc Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong gần 2 năm qua, nhiều đợt Covid-19 xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng Phương tham gia nhiều hoạt động xã hội để tư vấn chăm sóc thân - tâm - trí - xã hội, đặc biệt là trực tiếp đến những khu cách ly tư vấn cho nhiều ca khủng hoảng tâm lý nặng.

* Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng Phương, trong thời gian qua, bà đã trực tiếp tư vấn cho nhiều ca khủng hoảng tâm lý tại tâm dịch ở Đà Nẵng, hầu hết những ca khủng hoảng tâm lý nặng rơi vào những trường hợp nào? Vì sao họ gặp phải tình trạng này?

"Dường như việc “Biết ơn” đã chữa lành được những nỗi đau, những sự sợ hãi, những căng thẳng, lo âu mà mọi người đang có. Nhiều bạn là F0, F1 đã chia sẻ tất cả những điều mình lo lắng, nhận được những sự đồng cảm, động viên của mọi người; nhờ đó, các bạn mạnh mẽ hơn, yêu đời hơn"

Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương

- Chưa bao giờ chúng ta rơi vào hoàn cảnh như hiện nay, thực sự là gặp rất nhiều áp lực. Sự phát triển của con người có nền tảng trong mối tương quan với những người xung quanh, với xã hội, nhưng trong thời gian qua, chúng ta phải làm quen với các hình thức tương tác mới. Có người thích ứng nhanh, nhưng cũng có người chưa theo kịp, điều đó gây ra sự xáo trộn về tâm lý và cả sinh lý của mọi người.

Đặc biệt, trong trường hợp mắc Covid-19, tâm trạng của con người càng bối rối, hỗn loạn. Các ca mắc Covid-19 mà tôi đã gặp để can thiệp tâm lý hầu hết đều trong trạng thái khủng hoảng. Nguyên nhân có thể vì các tương tác xã hội bị thay đổi; vì các thông tin về hậu quả của bệnh, về việc cảm thấy cô đơn trong một xã hội thu nhỏ - khu cách ly - là nơi mình không biết chắc có bị lây bệnh từ người khác, hay lây bệnh cho người khác hay không. Và có thể nguyên nhân nữa là cảm giác lo lắng cho người nhà bị kỳ thị... Thực sự những người mắc Covid-19 từng có những cảm xúc tiêu cực.

Trước đây, tôi gặp các trường hợp sợ bị nhiễm bệnh vì vào khu cách ly, ở chung với các thành viên chưa quen biết; rồi các trường hợp đang được điều trị sợ không lành bệnh; và cũng có những trường hợp căng thẳng vì người thân ở nhà bị bà con hàng xóm kỳ thị. Gần đây nhất, tôi gặp 2 tình huống: trường hợp có người yêu qua đời vì Covid-19, thực sự các bạn ấy đã có những cảm xúc vô cùng đau khổ, tuyệt vọng và sợ hãi. Covid-19 đã ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của chúng ta.  

* Hiện nay, nhiều người dễ bị căng thẳng và bức bối khi phải ở nhà quá lâu do thực hiện giãn cách xã hội. Vậy theo bà, chúng ta nên làm gì để giảm âu lo, tăng cường sự mạnh mẽ để có tinh thần lạc quan hơn trong mùa dịch?

- Việc thay đổi thói quen sinh hoạt một cách phù hợp là khi chủ thể muốn thay đổi, sẵn sàng thay đổi, vui vẻ với sự thay đổi. Còn chúng ta, trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì đã “buộc phải thay đổi”; việc “bị thay đổi” này ảnh hưởng đến quy luật trật tự vốn có của con người nên đã gây ra những xáo trộn lớn trong đời sống hằng ngày. Nếu cảm giác “phải chịu đựng sự việc này” từ 2 tuần trở lên, sẽ gây ra căng thẳng, lo âu và nếu kéo dài hơn, mà không có trạng thái tinh thần vững vàng, thì thậm chí có thể dẫn tới trầm cảm.

Để có thể mạnh mẽ hơn, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc suy nghĩ, nhìn nhận những điều tích cực từ những sự việc đang diễn ra hằng ngày. Để có tinh thần lạc quan, theo tôi, cách “nhanh nhất” là hãy thật sự thấy MAY MẮN, thấy BIẾT ƠN những gì ĐANG CÓ. Ví dụ, trong trường hợp chúng ta đang ở nhà thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta có thể cảm thấy may mắn, thấy biết ơn vì ta đang sống, đang có nhà để ở, đang có gia đình bên cạnh mình, vẫn có đồ ăn, thức uống...

* Nếu chẳng may đối diện với nguy cơ rủi ro về dịch bệnh (Covid-19), chúng ta cần chuẩn bị tâm lý như thế nào để vững vàng vượt qua khủng hoảng?

- Trong trường hợp cần chuẩn bị tinh thần để đối diện với nguy cơ rủi ro về bệnh (Covid-19), chúng ta có nhiều cách để vượt qua nỗi lo lắng này, ví dụ như: căng thẳng trong thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, lo lắng về việc có thể bị nhiễm bệnh, về nguy cơ cho những người liên quan… Thay vì cảm thấy căng thẳng thì có thể cảm thấy may mắn vì mình đang bảo vệ những người khác bằng việc mình đang được kiểm tra, xét nghiệm, hoặc nếu đang trong khu cách ly thì nên nghĩ rằng mình cũng đang được bảo vệ và biện pháp cách ly là để bảo vệ cộng đồng.

Hơn hết, hãy luôn tin tưởng rằng, chúng ta đang được đội ngũ nhân viên y tế ngày đêm tìm cách cứu chữa và hàng triệu người dân Việt Nam đang mong tất cả bệnh nhân Covid-19 sớm khỏi bệnh, đất nước sớm vượt qua đại dịch để cuộc sống trở lại bình thường.

Trong trường hợp căng thẳng, hãy gọi đến các đường dây nóng để nhận được sự trợ giúp của các nhà tâm lý và công tác xã hội sớm nhất. Có nhiều cơ sở luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn, ví dụ ở miền Nam, các bạn lứa tuổi 15-24 có thể liên hệ Chi hội Hoa Súng (090 711 43 77); hoặc ở miền Trung có Trung tâm Tâm lý Cadeaux (0935181805); miền Bắc có Hội tâm lý Trị liệu Việt Nam (0857116118)…

Một chương trình livestream của Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương với chủ đề “Trở về từ tâm dịch” ngày 26-6-2021. Ảnh: Đ.H.L
Một chương trình livestream của Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương với chủ đề “Trở về từ tâm dịch” ngày 26-6-2021. Ảnh: Đ.H.L

* Được biết, bà vừa là giảng viên, vừa tham gia nhiều hoạt động xã hội để tư vấn chăm sóc thân - tâm - trí - xã hội trong mùa dịch. Bà có thể chia sẻ một số hoạt động của các tổ chức mà bà tham gia có ý nghĩa cho cộng đồng và xã hội?

- Trong thời gian Covid-19 xảy ra, tôi đã tham gia tổ chức chuỗi Talkshow Vượt qua Covid để đồng hành với mọi người trong mùa Covid, như những cuộc chia sẻ trực tuyến (online) với các F0, F1 trong các khu cách ly, với các chuyên gia công tác xã hội - tâm lý; kết nối với các nhà từ thiện; tổ chức các khóa tập huấn, chia sẻ thông tin với phụ huynh chuẩn bị cho con vào lớp 1…

Một trong những điều khác tôi thấy rất ý nghĩa trong dịp giãn cách xã hội này mà Trung tâm Tâm lý Cadeaux đã, đang làm là tổ chức các khóa học BIẾT ƠN dành cho người lớn và trẻ em. Tất cả các thành viên tham dự đã có những thay đổi tích cực trong các chủ đề “Biết ơn”.

Dường như việc “Biết ơn” đã chữa lành được những nỗi đau, những sự sợ hãi, những căng thẳng, lo âu mà mọi người đang có. Nhiều bạn là F0, F1 đã tham gia và chia sẻ tất cả những điều mình lo lắng, nhận được những sự đồng cảm, động viên của mọi người; nhờ đó, các bạn mạnh mẽ hơn, yêu đời hơn. Khóa học cho người lớn sẽ bắt đầu vào ngày 1 và lớp trẻ em bắt đầu vào ngày 15 hằng tháng.

* Cảm ơn những chia sẻ của bà!   

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương bắt đầu học tập và thực hành trợ giúp tâm lý cho trẻ em, gia đình từ năm 2002 tại Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em - Nguyễn Khắc Viện và các trung tâm khác tại Hà Nội. Từ năm 2015, bà làm cố vấn hoạt động chuyên môn cho Trung tâm Tâm lý Cadeaux - Đà Nẵng. Ngoài công việc giảng dạy ngành Công tác xã hội và Tâm lý ở Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, bà còn tham gia một số dự án phi chính phủ như Worlvision, Plan International, Bloom và các chương trình của các cơ quan báo chí, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại miền Trung và Tây Nguyên (VTV8) trong các hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em; kỹ năng sống; phòng ngừa bạo lực, xâm hại…

ĐOÀN HẠO LƯƠNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.
Trực tiếp xsmb hôm nay tra cứu thần số học miễn phí